Friday, October 29, 2010

người viết mướn

 

người viết mướn

Ở chợ Plateau thành phố Abidjan ( thủ đô cũ của xứ Côte d'Ivoire, Phi Châu ) ai cũng biết ông già viết mướn đó. Người ta gọi ông là " l'écrivain chinois " (ông Tàu viết mướn )
Xứ Côte d'Ivoire – thuộc vùng Phi Châu Da Đen – ngày xưa là thuộc địa của Pháp. Dân bản xứ đi học bằng tiếng Pháp. Và vì họ gồm nhiều bộ tộc, mỗi bộ tộc nói một thổ ngữ, nên họ phải dùng tiếng Pháp để hiểu nhau. Về sau, khi đã độc lập rồi, trường vẫn dạy bằng tiếng Pháp và ngôn ngữ chánh trong dân gian vẫn là tiếng Pháp. Những người ít học hay thất học thì nói " tiếng bồi ", nghĩa là tiếng Pháp không đúng văn phạm. Mấy bà buôn bán ở chợ Plateau nói trên thuộc vào thành phần này. Nhiều bà có con cái " đi làm ăn " ở Pháp hay ở Bỉ, lâu lâu cần xin gì hay cần nhắn gì, họ phải nhờ người khác viết cho cái thư. Ngoài ra, có nhiều người cần viết đơn từ thưa gởi nhưng không đủ trình độ để viết đúng từ ngữ hành chánh nên nhờ viết dùm. Do đó mới có cái nghề viết mướn.
Ở khu chợ Plateau, trước đây, chỉ có một người đàn ông trung niên người bản xứ làm nghề này. Anh ta hành nghề dưới hàng hiên khu phố nhìn qua chợ, nằm cách chợ một con đường. Chỗ hắn ngồi là một bức tường nhỏ nằm giữa hai cửa hàng bán radio của người libanais. " Dụng cụ " của anh ta là cái máy đánh chữ loại xách tay đặt trên bàn gỗ nhỏ. Anh ta ngồi trên ghế thấp vừa tầm với cái bàn, nhưng vì anh ta lớn con chân dài nên khi đánh máy anh ta phải cho hết hai chân xuống dưới bàn đưa thẳng về phía trước lòi ra một khúc, trông giống như anh ta ôm cái bàn vào lòng ! Còn " khách hàng " thì hoặc đứng hoặc ngồi xổm cạnh hai bàn chân to xù mang dép Nhựt của hắn, tỉ tê kể những gì mà họ muốn để trong thư. Anh ta gõ máy bằng hai ngón tay nhưng gõ khá nhanh, khách kể đến đâu hắn gõ theo đến đấy. Đánh xong thư, khách hàng đưa cho hắn mảnh giấy nhỏ trong đó có ghi rõ địa chỉ của người nhận thư, hắn lấy trong ba lô để dưới chỗ hắn ngồi một phong bì có dán tem sẵn, đánh máy địa chỉ, cho thư vào rồi le lưỡi liếm keo dán lại. Người khách hàng chỉ còn có cho thư vào thùng thư đứng ở góc đường gần đó. Dĩ nhiên, khi hắn tính tiền, hắn tính cả tiền giấy, phong bì, tem…Thư gởi đi Pháp hay đi Bỉ đều cùng một giá. Cho nên đã thành lệ, sau vài câu chào hỏi, khách hàng cứ đặt tiền trước lên bàn rồi đợi hắn sửa bộ kéo bàn vào lòng với cái máy đánh chữ lúc nào cũng " ngậm " sẵn một tờ giấy, là bắt đầu tỉ tê kể lể…Còn đơn từ thì hắn dùng phong bì không có tem, bởi vì khách hàng mang tay đến nộp thẳng cho cơ quan liên hệ. Loại " đơn từ " này, hắn vẫn lấy bằng giá với " thư nhà ", bởi vì, theo hắn giải thích, viết cho hành chánh khó gấp mấy lần viết cho thân nhân. Bớt con tem nhưng thêm nhiều công suy nghĩ !
Một hôm, có ông già á đông – ốm nhom, già khú – đi lang thang với điếu thuốc trên môi, ngang qua đó nghe tiếng đánh máy lọc cọc nên tò mò đứng lại nhìn. Đợi anh đen làm xong công việc, ông già mới chào hỏi làm quen. Anh đen rất ngạc nhiên vì ông ta nói tiếng Pháp rất trôi chảy rành rọt, không giống những người á đông mà anh đã từng gặp hay quen biết. Ông già ghé đít ngồi lên bệ thềm gần đó, hỏi :
- Ông làm nghề gì vậy ?
Anh đen nhăn răng cười :
- Viết thư dùm người ta, người ta trả tiền. Ông không thấy bà hồi nãy cầm phong bì đi sao ?
- Thấy. Nhưng mà hồi nãy hai người nói với nhau bằng thổ ngữ nên tôi không hiểu.
Ngừng một chút, ông già lại hỏi :
- Làm ăn có khá không ?
- Ố ! Cũng tạm được.
Hắn chỉ qua bên chợ :
- Khách hàng của tôi là mấy bà buôn bán ở bên kia. Họ không biết chữ, mà con cái họ thì đi làm công bên Pháp bên Bĩ hết. Thành ra, ngày nào cũng viết dùm vài cái thư, lai rai…Với lại ở xứ này, người ta hay thưa gởi kiện cáo lắm nên có công việc làm hoài !
Rồi hắn nhìn ông già từ đầu đến chân :
- Còn ông ? Ông làm nghề gì ở đây ?
- Già quá đâu có ai mướn. Ở không, đi lang thang.
Anh đen lại nhìn ông già ra vẻ tội nghiệp :
- Rồi lấy gì sống ?
- Sống nhờ con. Con gái ở nhà làm nem. Thằng em nó đạp xe đi bán. Khá chật vật !
- Ông người Tàu hả ?
- Không. Tôi người Việt Nam.
Nói xong, ông già thở dài. Tội nghiệp cho cái xứ Việt Nam của ông ! Nhược tiểu đến mức độ mà người dân khi ra ngoại quốc cứ bị thiên hạ gọi là người Tàu !
Ông già đưa bao thuốc lá mời anh đen :
- Hút một điếu chơi.
- Cám ơn. Tôi không biết hút thuốc.
Ngừng một chút, anh ta hỏi :
- Nhà ông ở đâu ?
- Ở tuốt trên Cocody, gần nhà thờ. 
- Xa quá há. Rồi ông đi bằng gì xuống đây ? Xe buýt hả ? 
- Đi bằng xe đạp. Đạp xuống thì dễ, đạp về leo dốc mới mệt ! 
Anh đen lại nhìn ông già một lúc, mới nói :
- Ông nói tiếng Pháp rành quá mà không đi làm việc cũng uổng. 
- Già như tôi thì còn làm được gì ? 
- Tuổi tác ăn nhập gì, trình độ văn hoá mới cần chớ ! 
Ông già hít mấy hơi thuốc, suy nghĩ. Một lúc sau ông hắng giọng rồi hỏi : 
- Ông thấy tôi làm cái nghề viết mướn được không ? 
Anh đen nhăn răng cười hớn hở :
- Được chớ ! Được chớ ! 
Rồi đề nghị :
- Ông cứ ngồi kế bên đây ! Đừng ngại gì hết ! Cả khu Plateau chỉ có một mình tôi làm nghề này. Có thêm ông càng vui.
Thấy dễ dàng quá, ông già đứng ngẩn ra, chưa kịp nói lời nào thì anh ta nói tiếp :
- Vậy, sáng mai ông đem máy đánh chữ ra, nghen.  
- Tôi không có máy đánh chữ. Tôi viết tay được không ?  
Giọng anh đen hơi xìu xuống :
- Ồ…cũng không sao. Cứ ra đây đi, rồi tính.
Ông già mừng rở, bắt tay anh đen, nói " Cám ơn ! Cám ơn ! Ông tốt bụng quá !", rồi đi xăng xớm về chỗ để xe đạp trước ngân hàng gần đó, mở khoá lấy xe phóng lên đạp đi mà nghe như vừa được bơm vào người thêm nhiều sinh lực !
Mấy hôm sau, ông già xin được của hội nhà thờ một cái bàn và ba cái ghế bằng nhôm loại xếp được để đi pique-nique. Ông mua một mớ giấy viết thư, phong bì, tem, bút bi rồi đạp xe đạp chở bàn ghế đến ngồi cạnh anh đen, hành nghề viết mướn. Buổi sáng đó, trước khi rời nhà, ông lẩm bẩm :" Bữa nay đúng là một ngày đẹp trời !"…
Ông già ngồi đã ba hôm, chẳng có một ai đến nhờ viết ! " Khách hàng " cứ nhờ anh đen. Thấy vậy, anh ta an ủi :
- Đừng buồn. Từ từ rồi sẽ có khách. Tại ông không có máy đánh chữ nên người ta không biết đó thôi.
Một hôm, có hai bà cùng đến một lúc. Anh đen tiếp một bà rồi nói với bà kia :
- Nếu bà gấp thì bước qua ông đồng nghiệp của tôi đây, ổng giúp cho. Ổng viết tay, nhưng cần gì ! Viết tay hay đánh máy cũng vậy thôi ! Điều cần thiết là viết làm sao cho người đọc hiểu.
Bà khách ngần ngừ một lúc rồi bước qua ngồi lên cái ghế xếp trước mặt ông già. Như thông lệ, bà ta đặt tiền lên bàn rồi bắt đầu kể lể bằng thứ tiếng Pháp không có văn phạm. Ông già ngồi chống càm, lắng tai nghe.
Thấy ông viết mướn không viết gì hết, bà khách ngừng kể, lấy làm lạ nhìn ông :
- Sao ông không viết ?  
- Thưa bà, tôi đang nghe bà kể, đây.
Bà ta chỉ anh đen :
- Sao kỳ vậy ? Ông làm không giống anh này ! Với anh ta, khi tôi bắt đầu nói là anh ta bắt đầu gõ. Còn ông thì không nhúc nhích gì hết !
Ông già phì cười, giải nghĩa chầm chậm :
- Xin lỗi. Tôi phải nghe bà kể hết những gì bà muốn nói cho người con của bà, rồi tôi mới sắp xếp câu văn để viết. Bà biết không, viết thư phải viết cho mạch lạc thì người con của bà mới hiểu được hết cái ý của bà, bà hiểu không ?  
Bà khách ngần ngừ rồi gật đầu. Ông già đốt điếu thuốc, nói tiếp :" Bây giờ, xin bà kể lại. Từ từ kể lại, tôi nghe ". Bà khách liếc nhìn ông rồi nhìn vội xuống hai bàn chân của bà, thấp giọng kể…Bà khổ lắm, buôn bán ế ẩm, con dâu mang bầu đứa thứ năm gần sanh mà cứ đau rề rề, mấy đứa cháu nội đi mót khoai mót củ nhưng không đủ ăn, bà đã gởi ba cái thư xin tiền thằng con, xin nó thương vợ thương con của nó nheo nhóc, chắc thư đã đi lạc nên không thấy hồi âm, bà khổ lắm, không biết thằng con ở bên Pháp còn sống hay đã bị cái gì rồi…Bà khách ngừng kể, kéo ống tay áo lên lau nước mắt.
Nghe xong, ông già viết mướn, chừng như xúc động, làm thinh hít mấy hơi thuốc dài. Bà khách len lén nhìn ông rồi lại nhìn xuống chân của bà, hai bàn chân cùi đày nằm trong đôi dép cao su rách bươm lấm lem bùn đất. Bà đợi. Suy nghĩ một lúc, ông già mới lấy giấy viết. Lâu lâu, ông ngừng lại nhìn xa xăm qua chợ nằm phía đối diện như để tìm chữ tìm câu. Rồi lại cuối đầu viết tiếp.
Viết xong, ông hỏi :
- Bà cần tôi đọc lại không ? 
Bà khách chớp chớp mắt, lắc đầu. Bà đưa cho ông địa chỉ của người con, ông chép lên phong bì đã dán tem, cho thư vào dán lại rồi trao cho bà khách. Bà cầm thư lật qua lật lại nhìn như thiếu tin tưởng, rồi đứng lên làm thinh đi về hướng thùng thư đứng ở góc đường. Ông già nhìn theo, lòng nghe chơi vơi như chính ông đang đi gởi thư cho thằng con…
Ngày nào ông già viết mướn cũng mang đồ ra ngồi cạnh anh đồng nghiệp đen, nhưng không phải ngày nào ông cũng có khách. Lâu lâu, có dư người thì anh đen " đẩy " qua cho ông. Anh ta nói đùa :" Đồng nghiệp mà ! Phải giúp nhau chớ ! " Ông cười chua chát :" Cám ơn ! Cám ơn ! Nhờ lòng tốt của anh mà tôi cũng vớt vát được một hai người ".
Một hôm, anh đen bỗng hỏi :
- Hồi trước ông làm gì ở Việt Nam ? 
- Buôn bán.
Ông không muốn nói hồi đó ông là chủ hai nhà thuốc tây, khá giàu.
- Rồi tại sao ông đi qua đây vậy ?
- Tại làm ăn không được. Tại…tại nghèo.
Ông không muốn nói " cách mạng " đã tịch thâu tài sản của ông, gia đình ông sống cầu bơ cấu bất ở vùng kinh tế mới, vợ ông chết ở trên đó, ông và hai đứa con trốn về thành phố sống chui như bầy chó hoang, ăn nhờ ở đậu…
- Bộ ông có quen ai bên nây hả ?
Đến đây thì ông già không giấu giếm gì hết :
- Đâu có. Tôi đâu có quen ai. Tôi nghe nói Nhà Nước Côte D' Ivoire dễ dãi và tốt bụng nên tôi viết đại một lá thư dài gởi thẳng cho ông Tổng Thống, trong đó tôi kể hết hoàn cảnh bi đát của tôi. Tôi viết mà không có hy vọng gì hết.
- Ồ…Tại ông không biết chớ Tổng Thống Houphouet của tụi này rất bình dân và thương người lắm !
- Bây giờ thì tôi biết. Bởi vì sau bức thư của tôi, tôi nhận được visa và luôn vé máy bay cho ba cha con tôi nữa. Chuyện thật khó tin.
- Gì mà khó tin ? Tổng Thống tụi này hay làm những " cú " ngoạn mục như vậy lắm ! Chắc ông viết thư cũng phải hay lắm nên mới làm xúc động " Le Vieux " ( Ông Già ).
Ở Côte d' Ivoire, dân chúng thương Tổng Thống Houphouet nên khi nói chuyện với nhau họ gọi ông là " Ông Già " một cách triều mến.
- Hồi đó tôi viết giống như tôi muốn than thở với một người nào đó để cho vơi nỗi thống khổ của mình, chớ đâu dè. Nhận được giấy tờ, tôi như trên trời rớt xuống !
Đến đây, ông già không nói rằng ông đã bán mấy chiếc nhẫn cất giấu từ sau trận nhà nước đánh tư sản, để chạy lo vô hộ khẩu của người bà con xa, rồi chạy lo chiếu khán xuất cảnh v.v…
Ông chỉ nói :
- Hồi qua đến phi trường Abidjan, cha con tôi không biết đi đâu ở đâu. Tôi phân trần với chánh quyền sở tại, họ điện thoại gọi hội " Anciens d'Indochine ". Nhờ hội này giúp nên tụi tôi mới có căn nhà nhỏ ở Cocody và chút vốn làm nem đi bán dạo, sống lây lất tới bây giờ…
- Tôi nghe nói người ViêtNam tỵ nạn ở Pháp ở Mỹ nhiều lắm. Bộ ông không có bạn bè bà con định cư ở các xứ đó sao ? 
- Có chớ. 
- Sao ông không viết thư cho họ ? Kẻ đi trước giúp người đi sau là sự thường mà. 
Ông thở dài, hít mấy hơi thuốc rồi mới nói :
- Tôi có viết thư chớ. Chỉ viết thăm thôi và báo tin rằng tôi đã đến Côte d'Ivoire. Nhưng không thấy ai trả lời hết.
- Có lẽ không đúng địa chỉ chăng.
- Đúng chớ ! Nếu không đúng nó phải được trả về, bởi vì tôi có ghi rõ địa chỉ người gởi mà. Hồi ở Việt Nam người thân của họ cho tôi địa chỉ và tin tức, nói họ bây giờ ổn định và khá lắm. 
- Ờ…sao vậy há ? 
- Chắc họ sợ tôi xin tiền…  
Ông cười khẩy một tiếng nghe như ông muốn khạc ra một cái gì chận ngang cổ họng, một cái gì vừa cay đắng vừa nhờm tởm. Ông nhớ lại hồi thời " vàng son ", bạn bè bà con của ông tới lui nhà ông ăn nhậu hà rầm, trong số đó có nhiều người đã được ông giúp đỡ cưu mang. Vậy mà bây giờ…Ông hít một hơi thuốc thật sâu rồi nhả khói ra từ từ làm khoảng trống trước mặt bị mờ đi, giống như ông muốn xoá bỏ trong đầu hình ảnh của mấy thằng bạn bè mấy người bà con mà ông vừa nhớ lại…Anh đồng nghiệp da đen suy nghĩ một lúc lâu rồi nghiêng người qua vỗ vai ông vài cái nhè nhẹ, một cử chỉ an ủi tầm thường như vậy mà ông già viết mướn bỗng thấy nó đẹp vô cùng. Ông xoay người qua bắt tay anh đen, không nói gì hết, nhưng ông chắc chắn rằng anh bạn đó hiểu là cái cám ơn của ông già Việt Nam lưu vong…
Một hôm, bà khách hàng đầu tiên của ông già viết mướn mang biếu ông hai trái xoài Caméroun ( loại xoài xứ Caméroun ngon nổi tiếng vùng Phi Châu Da Đen ) vừa cười vừa nói :
- Tôi cám ơn ông. Nhờ cái thư của ông mà thằng con của tôi hồi tâm. Nó gởi tiền về, kèm theo một cái thư dài. Nó nói nó đọc thư của ông nó khóc quá ! Nó lạy lục xin tôi tha tội cho nó. Nó nói là nó có vợ và một con ở bên Pháp nhưng nó thề sẽ gởi tiền về đều đặn để nuôi tụi này…Tôi vui quá ! Vui quá !
Bà ta nói một hơi, nói thứ tiếng Pháp " ba xí ba tú ", nhưng trong giọng nói nghe đầy xúc động. Nói xong, bà kéo ống tay áo lên lau nước mắt. Ông già nhớ lại cách đây hơn mươi bữa, bà cũng kéo áo lên lau như vậy sau khi kể lể sự buồn khổ của bà. Thì ra, cái vui cái buồn vẫn giống nhau ở giọt nước mắt  !
Ông già mỉm cười :
- Tôi viết mướn, bà trả tiền, có gì đâu mà bà cám ơn ? 
- Không nhờ cái thư của ông, không biết tụi này còn khổ sở đến đâu. Cám ơn ! Cám ơn !
Nói xong, bà đi trở qua chợ. Ông già đưa một trái xoài cho anh đen :
- Anh cầm lấy để chia vui với tôi ! 
Anh ta cầm trái xoài trên tay nhìn ngắm một lúc rồi nói :
- Làm nghề này đã hơn năm năm, tôi chưa được khách hàng tặng quà bao giờ. Ông mới ra nghề mà được như vầy là ông viết thư  phải hay lắm.
- Thì cũng ráng viết vậy thôi.  
- Đâu được ! Viết mà làm xúc động người đọc đâu phải dễ. Bây giờ tôi hiểu tại sao "Ông Già" đã gởi tặng ông visa và vé máy bay ! 
Ông già viết mướn đốt điếu thuốc, thở khói một cách sảng khoái. Ông nhớ lại ngày xưa, thuở thiếu thời, ông lúc nào cũng đứng đầu về luận văn, và về sau ra đời, ông cũng có lai rai vài ba truyện ngắn đăng báo này tạp chí nọ. Viết, đối với ông, là để giải toả tâm tư, một cách giải toả trầm lặng và sâu đậm hơn là nói. Cho nên trong đời ông, ông rất thích viết, nhứt là viết thư cho bạn, những người cũng thích viết như ông hay ít ra cũng biết viết vài dòng hồi âm hay vài chữ để hỏi thăm nhau…
Hai hôm sau, có thêm một bà mang đến mấy trái cam để cám ơn ông đã viết thư cho chồng bà có vợ đầm ở Bỉ. Rồi cứ như vậy, vài hôm là có người đến cám ơn, cho quà, khi thì chai đậu phọng ( Ở đây, sau khi ran, đậu được cho vào chai lít đầy tới miệng rồi đóng nút để giữ cho được dòn lâu. Người nghèo bản xứ hay ăn đậu phọng với bánh mì…) Khi thì mấy trái cà chua, vài bó rau cải…Có gì cho nấy, không nề hà ! Ông già nhận hết, bởi vì ông thấy làm như vậy, người cho rất vui. Cái vui của họ được bộc lộ ra một cách rất thiệt thà : họ quay lưng bước đi, vừa vỗ tay thành nhịp vừa lắc lư nhún nhảy. Lần nào ông cũng nhìn theo, thấy cũng vui lây…
Vậy rồi không biết họ đồn với nhau thế nào mà khách hàng cứ đến nhờ ông viết. Những người cần làm đơn từ cũng đến nhờ ông ! Bên anh đen đồng nghiệp thấy thưa khách. Ông già bèn đề nghị :" Tình trạng này kéo dài coi kỳ quá ! Tôi đề nghị anh bạn như thế này : tôi lãnh viết thư nhà, anh lãnh viết đơn hành chánh. Mình cứ nói đơn hành chánh phải được đánh máy cho sạch sẽ dễ đọc thì các cơ quan mới mau chóng cứu xét. Anh đồng ý không ? " Anh đen nhăn răng cười, bắt tay ông một cái đau điếng !
Từ đó, thấy khách đến, anh đen trịnh trọng nói :" Đơn từ thì ở bàn này. Thư cho thân nhân thì bước sang bàn ông bạn đồng nghiệp của tôi đây ! " Lần hồi, khách hàng cũng quen nên cả hai người viết mướn cùng có việc làm đều đặn. Và càng ngày càng đông khách.
Một hôm, anh đen hỏi :
- Tôi cứ thắc mắc : làm sao viết thư mướn mà ông viết hay được như vậy ?
- Tại anh không biết. Xưa nay tôi say mê viết. Tôi thích viết cho một người nào đó để giải bày, để chia xẻ những cảm nghĩ những suy tư của mình, chọn lời cho đúng, chọn câu cho hay…thú lắm !
Ông già ngừng nói, hít chầm chậm một hơi thuốc rồi chép miệng :
- Bây giờ tôi chẳng còn ai để mà viết. Bạn bè thì anh biết đó. Chúng nó cũng như người vừa đui vừa điếc, viết uổng công. Cho nên làm nghề viết mướn này, tôi có chỗ để viết. Tôi khổ cái khổ của khách hàng, tôi vui cái vui của khách hàng, tôi tâm sự cái tâm sự của khách hàng. Tôi viết với tất cả những xúc cảm chân thật đó,viết mà không nghĩ là mình viết mướn !
Anh đen vỗ tay đôm đốp, khen :
- Hay ! Ông nói hay quá ! Bây giờ tôi mới hiểu tại sao khách hàng mến mộ ông như vậy ! Tổng Thống tụi tôi đem ông qua đây, đúng là " Ông Già " ổng có con mắt ! 
Rồi hắn cười hắc hắc làm ông già cũng bật cười theo. Cả hai, không người nào nhớ rằng mình da đen hay mình da vàng, họ chỉ biết họ là hai người viết mướn…
 
Hai năm sau…
Một hôm ông già bỗng thèm viết cho mấy thằng bạn hồi đó. Viết cho mỗi người một cái thư, lời lẽ y chang như nhau. Viết bức thư cuối cùng cho họ. Viết để cho họ thấy rằng ông phủi đít phủi tay, dứt khoát không còn bận bịu gì nữa với quá khứ, với lớp bụi đất đã ăn bám vào ông hồi thuở " vàng son ".
Ông đốt điếu thuốc, suy nghĩ. Đại khái, ông sẽ viết :
" Thưa anh…gì gì ( hay chị … gì gì )
  Tôi viết thư này để báo tin cho anh… ( hay chị… ) mừng dùm cho cha con chúng tôi. Tụi này đã định cư luôn ở Côte d'Ivoire. Bây giờ, đời sống tụi này đã ổn định, cuộc sống tương đối khá. Hai con tôi có cửa hàng bán nem ở chợ Cocody, thiên hạ đến mua cũng đông. Còn tôi thì làm nghề viết mướn, khách hàng cũng nhiều. Được như vậy là nhờ ở xứ đen này, con người thấy đen nhưng lòng dạ của họ không đen chút nào hết. Chẳng bằng người Việt mình, nhiều người bề ngoài trắng trẻo lịch sự nhưng lòng của họ chẳng những đen mà còn bạc nữa, anh… ( hay chị…) có thấy như vậy không ?..."
Nghĩ đến đó, ông già bỗng cười khan một mình !

 Tiểu Tử

 

Đèn trung thu

Đèn trung thu

             Sàigòn đang vào Tết Trung Thu. Sàigòn, bấy giờ đã được đổi tên. Cũng đúng thôi ! Bởi vì “nó” không còn giống cái “Sàigòn” của thời trước, cái thuở mà mỗi món vật mỗi con người đều được nhận diện một cách trung thực, cái thuở mà tiếng nói chưa bị thâm nhập bởi những “mỹ từ... dao to búa lớn”, cái thuở mà tình cảm còn thật là tràn đầy... Cái tên mới của Sàigòn có hơi... dài, nên sau này, người ta chỉ còn gọi là “thành phố”, vừa ngắn gọn lại vừa hợp... thời trang !
            Sàigòn bình thường đã rộn rịp. Vào dịp Tết Trung Thu lại còn rộn rịp gấp bội. Xe cộ – đông nhứt là xe mô-tô, loại sau này được gọi chung là Honda – chạy đầy đường, chạy loạn, tiếng máy nổ điếc tai thêm bóp kèn liên hồi inh ỏi. Quán lều cũng đầy đường. Hàng họ chưng bày cũng đầy đường. Bánh mứt đèn lồng Trung Thu cũng đầy đường. Coi thật là phồn vinh sung túc.
            Trong rừng xe cộ đó, có một người đàn ông cởi xe đạp chở ba đứa nhỏ. Nhìn anh ta là thấy ngay rằng anh ta không “hợp thời”. Anh ta còn đội nón Panama, một loại nón mà thời trước người ta nhập cảng từ Nam Mỹ. Mặc dù cái nón – vốn là màu trắng – đã ngã màu vàng và vành nón có nhiều chỗ rách tưa..., cái nón đó vẫn thấy lạc lõng giữa phố phường đầy nón cối, mũ tai bèo, nón lá, nón rơm, nón kết. Anh ta còn mặc áo sơ-mi sọc, cổ đứng tay dài, mặc dù sơ-mi bỏ ngoài quần và mang đầy nếp nhăn vì đã không được ủi. Anh còn mặc quần tây dài màu sậm còn đủ bờ-li và nhứt là còn mang đôi giày da đen mũi nhọn – loại “xịn” – mặc dù giày đen đã ngã màu xam xám vì đầy bụi đất.
            Trong lúc mọi người ăn mặc rất tự do, rất... giải phóng, đại loại như áo thun ba lỗ quần đùi dép cao su, hoặc sơ-mi ngắn tay phạch ngực quần pi-da-ma chim cò dép nhựt hoặc những bộ đồ màu xanh cỏ úa rộng thùng thình dép lớp xe... thì lối ăn mặc của anh ta – thật tình – không đúng “tác phong của thời đại” ! Ngay như chiếc xe đạp của anh ta cũng không hạp với rừng xe cộ chung quanh. Nó ọp ẹp cũ kỹ, giống như đã được lắp ráp chắp vá bằng những món đồ góp nhặt được từ những chiếc xe đạp phế thải. Cái giỏ sắt gắn ở phía trước ghi-đong (thường dùng như pọt-ba-ga) đã được cắt xén để trở thành cái ghế ngồi cho thằng bé, đứa nhỏ nhứt trong ba đứa. Còn cái pọt-ba-ga phía sau thì được nối dài ra một chút, mặt được lót ván và phía dưới có hàn hai thanh sắt ngắn để gác chân. Hai đứa nhỏ còn lại ngồi trên đó, đứa lớn ôm đứa bé, đứa bé – vì còn nhỏ quá không ôm được eo ếch của gã đàn ông – nắm chặt lấy vạt áo sơ-mi, nắm bằng cả hai tay...
            Trong luồng xe cộ chạy như điên, hối hả, lòn lách... người đàn ông thản nhiên đạp chậm rãi vững chắc dọc theo hè phố. Mấy đứa nhỏ nhìn ngang nhìn dọc, tranh nhau hỏi, tranh nhau nói, líu lo:
            - Ba ! Ba ! Coi kìa ! Đèn Trung Thu ở đâu mà nhiều quá hén ba.
            - Ba ! Ba ! Cái gì mà bự quá xá đàng kia vậy ?
            - Tại sao ông già ổng ôm cột đèn vậy ?
            - Sao ông xích-“dô” ổng nằm ngủ trên xe vậy ?
            - Bộ ở đây người ta đái ở gốc cây được hả ba ?
            - Cha... Ông này ổng mua tới bốn cái đèn Trung Thu.
            - Mình cũng đi mua đèn nữa, hén ba ?
Đứa nhỏ ngồi ở giữa, giọng khàu khàu:
            - Anh Việt nói chừng ảnh “dớn” ảnh mua cho con cái đèn máy bay bự bằng cái nhà ớ !
Đứa lớn ngồi phía sau cười hắc hắc, ôm em nó lắc qua lắc lại:
            - Ừa ! Mà Nhi phải đừng nói ngọng mới được. “Lớn” thì nói “lớn”, chớ cái gì mà “dớn” hả ?
Đứa nhỏ nhứt ngồi trong giỏ phía trước, nói chen vào, cũng ngọng trớt :
            - Anh Nhi ảnh nói “nhọng” “vá” hà. Há ba ?
Làm cả bọn cười vang. Tiếng cười của cha con nhà đó hồn nhiên, thanh thoát, bị chìm lấp trong dòng thác tiếng động điếc tai, vừa ô-hợp, vừa khô khan của phố phường đầy người, đầy xe, đầy bụi...
            Đến một gốc đường khá thoáng, nghĩa là vỉa hè còn có chỗ trống, thấy có một xe đẩy treo đầy đèn Trung Thu đủ kiểu đủ cỡ và đủ màu sắc đang nằm gần đó, người đàn ông rà xe đạp vào lề:
            - Tụi con coi kìa, đèn Trung Thu kìa ! Để ba ngừng đây cho tụi con xuống lựa nghen !
Mấy đứa nhỏ “ồ” lên sung sướng. Đứa bé nhứt bỗng vỗ tay cười hắc hắc giống như bị cù léc. Nó la lớn:
            - Đèn ! Đèn ! Đèn ! Đèn !
Thả bầy con xuống xong, người cha bảo:
            - Tụi con lại đó coi đi ! Lựa đi ! Ba ngồi đây đợi.
Trong lúc mấy đứa nhỏ vây quanh xe bán đèn lồng, người đàn ông chống chân lên bờ hè, rút ở túi áo sơ-mi một điếu thuốc . Đó là loại thuốc vấn tay (sau cuộc “đổi đời”, vì không còn tiền để hút thuốc loại sản xuất kỹ nghệ nên phần đông dân “ghiền” mua thuốc rê Gò Vấp về trộn với thuốc vàng Lạng Sơn rồi vấn hút. Nhiều người vấn sẵn ở nhà rồi cho vào bao hay hộp mang theo mình cho tiện khi cần đi đâu...). Cầm hộp quẹt máy trong tay lắc lắc cho xăng thấm lên đầu tim, người cha đó hướng về bầy con nói to, khá to, để át tiếng ồn man dại của thành phố:
          - Tụi con lựa đi nghen ! Lựa đi ! Thứ nào cũng được hết ! Máy bay, xe tăng, bươm bướm gì cũng được hết ! Đứa nào thích thứ nào thì nói cho ba biết. Lát nữa về nhà, ba làm cho y như vậy hà !
Nói xong, anh ta để điếu thuốc lên môi, chẹt hộp quẹt đốt . Bập vài cái cho lửa bắt rồi hít một hơi thật sâu để thở khói ra dài, thật dài... Làm như anh ta muốn trút ra theo khói một cái gì đang nghẹn trong lòng ngực. Chung quanh, người ta, xe cộ đi như loạn.

Tiểu Tử

Ông Năm Từ

Ông Năm Từ

  Cả xóm đó ai cũng biết ông Năm Từ. Nói như vậy cũng chưa đúng. Phải nói rằng cả làng đó – nghĩa là trên một bình diện to rộng hơn – hỏi ông Năm Từ là ai cũng biết. Ổng "nổi danh" như vậy không phải vì ổng là một nhân vật quan trọng trong làng trong xóm, mà vì lâu lâu ổng có những cơn say rượu "dậy làng dậy xóm" nên người lớn trẻ con đều biết mặt ổng hết. Nhứt là trẻ con, những lúc đó, tụi nó bu theo ổng như một đàn ruồi...
        Ổng thứ Năm, tên gì thì ít có người biết, nhưng tại vì ổng làm ông từ giữ việc quét dọn cúng kiếng trong đình của làng đó, nên người ta gọi như vậy. Cái "thứ"  của ổng được ghép vào với cái " chức" của ổng, lâu ngày trở thành cái " tên", vậy mà cũng chẳng thấy ổng đính chánh sửa đổi gì hết. Làm như đó là một sự tự nhiên. Riết rồi thiên hạ chẳng ai để ý, và có lẽ chính ông Năm Từ cũng quên luôn tên thật của ổng nữa!
Mấy ông già bà cả gốc xóm Đình – nghĩa là không phải mấy người mới tản cư đến đó về sau này – đều biết ông Năm hồi ổng còn trẻ, hồi những năm kháng chiến chống Pháp. Hồi đó, ổng chưa làm ông từ, ổng làm thợ câu, nhà ở dưới dốc đình, cạnh bờ sông. Người ta gọi ổng là Năm Câu, gọi trổng, nghĩa là không thêm một tiếng gì phía trước hết. Vậy là từ hồi trẻ, Năm Câu đã được người ta gọi bằng danh từ ghép, trong đó không có tên cúng cơm của mình. Đến người trong gia đình cũng không ai gọi Năm Câu bằng tên. Họ gọi " thằng Năm". Ông bà già vợ gọi " thằng chồng con Hai". Còn người vợ thì gọi " mình" khi nói với chồng hay    "nhà tôi" khi nào nói chuyện với người khác.
Mấy ông già bà cả lâu lâu hay nhắc chuyện Năm Câu hồi thời 1945. Họ nói:" Năm Câu hồi đó gan cùng mình. Nó chèo xuồng đưa du kích qua bên kia sông như ăn cơm bữa. Nói cho ngay, cũng có bà con xóm Đình coi chừng Tây với bạc-ti-dăng giùm nó. Nhưng có nhiều khi Năm Câu cương ẩu làm đại như giỡn chơi. Làm bà con muốn xón trong quần luôn! ".
Thật ra, Năm Câu làm gan một phần cũng nhờ ở địa thế của vùng đó và ở vị trí đóng quân của tụi Tây. Làng của Năm Câu nằm trên tả ngạn sông Vàm Cỏ Đông. Bên kia sông là bưng với rừng tràm mút mắt. Cuối rừng tràm là rừng già chạy dài qua Cao Miên. Vùng giáp giới đó tên là Bù Lu Chuối Nước. Kháng chiến lập chiến khu ở đó.
Điểm đặc biệt của làng Năm Câu là đất ở đó không bằng phẳng. Có gò cao trũng thấp, hai gò cao nhứt lại nằm ở hai đầu làng. Gò đầu trên – trên là vì nằm về phía thượng lưu con sông – gọi là gò đồng mả, ai chết cũng đều đưa lên đó chôn. Gò đầu dưới gọi là gò Đình, bởi vì trên gò đó có cái đình thờ thần của làng. Chung quanh đình là rừng cây dầu kéo dài xuống tiếp nối với một làng khác nằm dưới hạ lưu. Hai gò nằm cách nhau xa cỡ mấy cây số. Chính giữa trũng xuống là chợ búa và nhà cửa dân cư cất dọc theo bờ sông. Tây đóng đồn ở đây – nghĩa là ở giữa dân chúng – trên đất của ông đốc phủ Lễ. Nhờ vậy, mỗi lần Tây dẫn bạc-ti-dăng đi ruồng bố là thiên hạ đều hay hết.
Đường xuống đình băng ngang một khoảng trống khá rộng gọi là “hố quằn”, hồi xưa là con rạch nhỏ lâu ngày bị đất gò trôi xuống lấp đi. Ở đó vào mùa mưa là ngập nước. Dân xóm Đình phải xăn quần tới bẹn, lội qua đó mà xuống chợ. Nếu không chịu đi như vậy thì phải đánh một vòng rất xa, dọc theo bìa rừng dầu đi sâu về phía dưới rồi băng qua ruộng đến con lộ cái đi ngược trở lên. Xa như vậy cho nên về mùa mưa, Tây ít đi ruồng miệt xóm Đình. Và về mùa mưa, gò Đình xem giống như một hòn đảo!
Nhờ địa thế gò Đình như vậy nên Năm Câu đưa rước kháng chiến qua sông dễ như trở bàn tay. Có hôm Năm Câu theo họ vào Bù Lu Chuối Nước chơi hết mấy bữa mới về, làm trong xóm tưởng Năm Câu đi khu luôn. Nghe như vậy, Năm Câu cười khịt: " Đi luôn rồi lấy ai mà chèo xuồng đưa mấy chả đây? ".
Năm Câu có hai đời vợ. Người vợ trước cưới về chưa đầy một năm, đau rồi chết. Ít lâu sau, Năm Câu cưới người vợ thứ nhì. Chị này người xóm Chùa, bán cá ngoài chợ. Nhờ ba con cá mà hai người phải lòng nhau. Bữa đám cưới, mấy ông già nói: " Trai xóm Đình cưới gái xóm Chùa là đúng điệu quá rồi. Thợ câu xâu chị bán cá, thiệt là xứng đào xứng kép!". Vậy mà chị này, sau khi đẻ thằng con trai cho Năm Câu, đau rề rề hai ba tuần lễ rồi cũng tắt thở. Mấy bà trong xóm nói Năm Câu có tướng sát thê. Rồi họ kết luận: " Con nhỏ nào về ở với nó vài bữa rồi cũng ngủm tuốt. Mấy thằng đàn ông sát thê là vậy đó! ". Nghe như vậy, Năm Câu đành ở vậy nuôi con. Để khỏi phải chôn thêm bà vợ nào nữa hết.
Thằng con Năm Câu tên là Nhành. Càng lớn càng kháu khỉnh. Khi biết nói đỏ đẻ, nó gọi Năm Câu bằng tía nhưng vì còn ngọng nghịu nên nó phát âm là “chía” làm Năm Câu sướng rơn ! Ngày nào Năm Câu cũng gởi con cho bà hàng xóm để đi câu. Nhưng khi về đến nhà là bồng riết thằng nhỏ, rê nó đi khoe cùng xóm. Lâu lâu vừa nựng con cu của thằng nhỏ, vừa nói đả đớt: " Tru mẹ! Ton tu này đái chôi thằng cha nó luôn." (Đu mẹ! Con cu này đái trôi thằng cha nó luôn). Nói như vậy bởi vì hai cha con ngủ chung với nhau, và đêm nào thằng Nhành cũng đái dầm. Riết rồi gối mền gì đều khai ngấy. Từ ngày vợ chết, Năm Câu nghỉ câu đêm, ở nhà ngủ với con. Những đêm phải đưa người qua bưng, bà hàng xóm qua coi chừng thằng nhỏ trong thời gian ngắn chèo đi chèo về. Lúc này, Năm Câu không còn cò cưa ở bên kia sông như hồi đó nữa, đưa qua rồi là chèo rút về để ngủ tiếp với con. Làm như ghiền cái hơi hám đó, bởi vì trong mùi khăn khẳn của gối mền có lẫn mùi da thịt và nhịp thở thơm tho của thằng Nhành... Trong đời người thợ câu đó chỉ có thằng con là quí nhứt.
Ông từ giữ đình hồi đó là chú bà con của Năm Câu. Những lúc rỗi rảnh, Năm Câu thường lên đình phụ quét dọn với chú, và năm nào đến lễ cầu an (dân trong làng gọi là lễ " kỳ yên"), Năm Câu cũng nghỉ câu mấy bữa để giúp chú coi trong coi ngoài, bởi vì mấy ngày đó trên đình người ta đông như kiến. Nhờ tới lui với người chú như vậy mà Năm Câu rành việc cúng kiếng tế lễ theo tập tục cổ truyền. Cho nên làng xã và các bang hội hay nhắn Năm Câu tới giúp mỗi lần có tổ chức cúng bái. Năm Câu làm những việc đó một cách rất nghiêm trang và thành kính chớ không phải hụ hợ bề ngoài. Bởi vì Năm Câu tin tưởng rằng có Ơn Trên – gồm Trời Phật Thánh Thần – và có Ông Bà phò hộ nên làng này mới bình yên như vậy và dân chúng mới làm ăn phát đạt như vậy. Năm Câu hay tự nhủ :
" Hễ mình nghĩ phải, làm phải thì thế nào cũng có Thánh Thần độ trì". Sự tin tưởng đó thường được bộc lộ bằng những câu như " Thần làng mình linh lắm đó bà con. Tây mà còn không dám rớ tới đình thì phải biết!". Hoặc thường hay khuyên: " Thề thốt bậy bạ đây rồi bị Thần vặn họng đừng có trách!". Nói như vậy, bởi vì có lần Năm Câu chứng kiến một vụ thề trước đình của hai chị đàn bà. Hai chị này ở xóm Lò Gạch, nhà ở cạnh nhau. Một hôm, xảy ra chuyện mất tiền, rồi chị này nói chị nọ ăn cắp. Mới đầu còn đứng hai bên bờ rào xương rồng, lời qua tiếng lại. Một lúc sau, chạy xồng xộc ra ngỏ xỉa xói nhau, lôi bà con dòng họ ra mà chửi rủa rồi xáp vào nhau đánh lộn. Nhờ hàng xóm chạy qua can gián, họ mới chịu yên. Yên, nghĩa là không đánh chửi nhau, nhưng mỗi bên lôi hàng xóm ra để phân bua và làm chứng. Cuối cùng là họ kéo nhau xuống đình để thề... Thiên hạ chạy theo coi, cũng hâm hở không kém người trong cuộc! Rần rần rộ rộ như vậy mà khi vào trong đình là im phăng phắc. Tới đó rồi mà hai chị đàn bà vẫn còn thách nhau, mặc dù không dám to tiếng: " Mầy giỏi mầy thề đi! Thề đi!". Cò cưa một lúc rồi cũng có chị thắp nhang thề trước: " Tôi xin thề trước đình là nếu tôi có ăn cắp tiền của con nhỏ này thì cho xe lửa cán tôi đi!". Đến lượt chị thứ nhì, giọng còn hậm hực: " Tôi mà nói gian cho nó cũng cho xe lửa cán tôi đi!". Sau đó họ kéo nhau về, rã làm hai tốp, mỗi tốp đi theo một chị, im lặng, lo lắng. Trong thâm tâm mỗi người hàng xóm đều có một sự chờ đợi, phập phồng. Không ai để ý rằng chẳng có chị nào dám nói " thề trước Thần" mà chỉ dám nói " thề trước đình" và chuyện " xe lửa cán" ở cái làng xa xôi này thật là quá vô lý! Vậy mà tháng sau, cả hai chị đàn bà đó đều ngã lăn ra chết. Chị bị tình nghi ăn cắp tiền chết trước, trúng gió, nằm liệt mấy hôm rồi chết không trối được một tiếng. Hàng xóm nói chỉ " mắc lời thề ". Chị mất tiền chết sau, thầy pháp nói chỉ bị vong hồn của chị chết trước bắt! Hàng xóm lại nói chỉ " cũng mắc lời thề "... Năm Câu thì nghĩ khác. Năm Câu cho rằng hai chị đó " giỡn mặt với Thần; chuyện bậy bạ đâu mà dám đem Thần ra làm chứng ", vì vậy mà cả hai đều bị " Thần quở ". Vụ thề thốt đó đã làm cho Năm Câu càng tin tưởng mãnh liệt ở sự linh thiêng của Ơn Trên...
          Rồi một năm đó, vào mùa mưa, ông từ giữ đình qua đời. Làng xã và bang hội đưa Năm Câu vào đình thay thế. Từ đó, Năm Câu trở thành Năm Từ, dọn lên ở cái nhà nhỏ sau đình. Rồi cũng từ đó, thằng Nhành- lúc này đã bắt đầu lớn - nối nghiệp tía nó luôn.                                                   
          Hồi còn nhỏ, nó học hết lớp nhì rồi ở nhà học nghề câu với tía nó. Lâu lâu nó cũng theo tía nó chèo xuồng đưa du kích qua sông (Bấy giờ, người ta gọi mấy người đi kháng chiến là du kích). Mấy chú du kích hay vò đầu nó hoặc để cho nó mân mê mấy khẩu súng lục. Nó khoái thứ này lắm. Vừa láng vừa nặng. Rờ vào thấy lạnh ngắt mà khi cầm trong tay thì bỗng nhiên mình cảm thấy mình không còn biết sợ cái gì hết ! Giống như có vô bùa... Những lúc đó, mắt nó ngời lên thích thú cũng bằng như vừa kéo lên một con cá bự.
Bây giờ thằng Nhành đi câu một mình. Lâu lâu cũng đưa du kích qua sông như tía nó đã làm hồi đó, và lâu lâu cũng " đi mất " vài hôm...
 Thằng Nhành không chịu lên ở trên đình với tía nó. Nó thường đến phụ quét dọn trong đình ngoài sân, nhưng xong việc là nó trở về cái chòi tranh ở bờ sông. Ở đó, nó có cái thế giới của nó, cái thế giới mà tía nó đã tạo ra và trong đó nó đã sanh ra, lớn lên, quen nhìn quen thấy. Chẳng có gì đặc biệt: nhà tranh nền đất, một gian, một chái làm bếp, nhìn ra sông qua một sân có trồng mấy bụi mía, đám mì, mấy cây ớt, phía sau là đám chuối xiêm với giàn bầu, bên hông là con lạch nhỏ có chiếc cầu con bằng ba tấm ván vừa dùng để tắm giặt vừa dùng để cột xuồng. Chỉ có ngần đó thứ, thật đơn sơ nhưng cũng thật là thân thuộc, những thứ đã dính liền vào cuộc sống của nó từ thuở ấu thơ và bây giờ đã trở thành của riêng của nó, của một mình nó thôi.
Năm Từ ở trên đình cũng buồn. Thường xuống câu với thằng con mấy bữa hoặc ở lại ngủ với nó mấy đêm. Người ta nói: " Năm Từ không thể vắng con quá ba ngày!". Sáng nào cũng vậy, đi câu về chèo xuồng ghé qua chợ giao cá cho bạn hàng xong, thằng Nhành chèo miết về nhà tắm rửa rồi thả bộ lên đình kiếm tía nó. Năm Từ cũng vừa cúng nước xong. Hai cha con đưa nhau xuống xóm Nhà Máy, uống cà phê ở tiệm Tửng Gòn. Chú Tửng Gòn năm nay đã năm mươi ngoài, nhưng người trong xóm vẫn tiếp tục gọi là " tửng ", vì đã quen gọi như vậy từ mấy chục năm nay, từ hồi chú còn nhỏ. Chú là người Quảng Đông. Ông già chú làm trong nhà máy xay lúa của ông bang Xồi từ hồi xửa hồi xưa. Qua tới đời bang Bi – con bang Xồi – lên làm chủ, ổng cũng vẫn tiếp tục làm cho đến khi ổng mất. Tửng Gòn hồi bên Tàu mới qua, không biết nói một tiếng Việt Nam. Vậy mà đi chơi chung với bầy trẻ trong xóm, ọ ẹ riết rồi cũng nói được, tuy rằng phát âm vẫn còn lơ lớ. Cách phát âm đó, mấy chục năm sau Tửng Gòn vẫn không sửa được mặc dù cưới vợ Việt Nam và đẻ một bầy con chẳng có đứa nào biết một tiếng Tàu ! Tửng Gòn và Năm Từ quen thân nhau từ hồi nhỏ. Hồi đó, trẻ con phá phách nhứt trong xóm là " thằng Năm và thằng Gòn". Hai đứa chiều nào cũng rủ một bầy con nít xuống tắm sông ở bến gỗ trại cưa thầy Cai. Ở đó có cây gừa thật to, gốc trên bờ nhưng thân nghiêng ra ngoài nên những cành già thả rễ dài xuống mặt nước. Mấy đứa nhỏ bám mấy rễ đó đu qua đu lại hoặc để lấy đà quăng mình ra xa lộn một vòng trước khi rơi ùm xuống nước. Cây gừa đó đã bị trận lụt năm Thìn lôi tróc gốc, nhưng những kỷ niệm cũ Tửng Gòn vẫn còn nhắc hoài. Có lần, thằng Nhành nghe Tửng Gòn kể lại: " Hồi đó tao chưa biết lội. Thằng Năm bày đặt bắt chuồn chuồn cho cắn rún tao đau thấy mẹ rồi xô tao xuống nước làm tao uống hết một bụng ! May là chỗ đó cạn chớ không thì đã chết chìm rồi. Đu mẹ ! Thằng ác can không nổi !". Gợi lại những mẩu chuyện nhỏ hồi xưa, Năm Từ và Tửng Gòn nghe trong lòng vừa cảm động vừa thích thú. Bây giờ, hai người vẫn " mầy tao " như hồi đó, nhưng nhìn nhau đã thấy bắt đầu già...Nói chuyện với Tửng Gòn, Năm Từ hay ví mình như cái đình, cũng xưa, cũng cũ, cũng rêu phong, còn thằng Nhành thì được tía nó ví như một cái nhà gạch nền đúc, mái lợp bằng ngói móc tân thời lúc nào cũng đỏ au màu mới. Ví von không phải để tiếc nuối tuổi tráng niên của mình hồi đó, mà để thấy tự hào đã tạo ra thằng con như vậy. Cái sung sướng của Năm Từ là thằng Nhành tiếp nối nghề nghiệp của tía nó và hai cha con vẫn ở gần nhau chớ không phải như bầy con của Tửng Gòn,từ ngày mẹ chết, tụi nó theo người bà con xuống Chợ Lớn làm ăn, bỏ ba tụi nó một mình với quán cà phê . Lâu lâu Tửng Gòn hay than: " Mầy có phước hơn tao, một cây có một trái mà lúc nào cũng có cha có con. Còn tao đẻ một bầy năm đứa mà rốt cuộc cũng như không có đứa nào hết ! Đu mẹ nó !". Tửng Gòn lúc nào mở miệng cũng phải chửi thề. Làm như là một sự cần thiết cho câu nói. Thật ra, tiếng chửi thề là tiếng Việt Nam mà Tửng Gòn học nói đầu tiên với mấy đứa nhỏ, hồi bên Tàu mới qua. Rồi cứ lập đi lập lại riết nên trở thành cái tật, bỏ không được ! Như vậy, từ mấy chục năm nên cũng không ai để ý nữa. Năm Từ cũng quên mất là chính mình hồi đó đã dạy " thằng Gòn " nói tầm bậy tầm bạ nhứt, để cười chơi. Bây giờ, lâu lâu nhớ lại tiếng chửi thề " chấm câu " của thằng bạn người Tàu, Năm Từ nghe thương bạn vô cùng. Vừa thương tính thật thà "học sao nói vậy " của Tửng Gòn từ hồi xửa hồi xưa tới giờ vẫn không thay đổi, vừa thương tình cảnh gia đình người bạn, cũng góa vợ như mình nhưng không nhờ cậy gì được ở bầy con. Những lúc đó, Năm Từ nhìn thằng Nhành một cách trìu mến và thấy tất cả cuộc sống của mình đều tích tụ vào nó như đốm lửa ngọn đèn dầu thắp sáng trong đêm: Năm Từ là cây đèn dầu mà thằng Nhành là đốm lửa nằm trên đầu sợi tim, sức sống của cây đèn.
        ...Rồi một hôm có tin đình chiến với hiệp định gì đó chia hai đất nước. Chia ở đâu, thiên hạ không rõ nhưng nghe nói hết giặc là ai cũng mừng. Ở ngã ba lộ cái người ta tụ tập, nghe ngóng, bàn tán xôn xao. Tây và bạc-ti-dăng rút vô đồn, bỏ mặc bên ngoài dân chúng muốn làm gì thì làm. Xe đò nào từ Sài Gòn chạy về ngang cũng phải ngừng lại ngã ba để người ta hỏi thăm tin tức. Làm như đó là cơ quan thông tin ! Thôi thì mạnh ai nấy nói: tài xế, lơ, hành khách người nào cũng muốn chứng tỏ rằng mình am tường tình hình, ồn ào như cái chợ! Nói nghe thì nhiều, nhưng rốt cuộc chỉ vây quanh có mấy điểm: Tây thua mình thắng, xứ sở tạm thời chia hai, ai muốn ra Bắc thì theo tập kết, ai muốn ở miền Nam thì tự do vào miền Nam, vài bữa trưng cầu dân ý để thống nhứt. Thật là giản dị !
Vài hôm sau thấy có vài anh du kích về thăm nhà để sau đó đi tập kết. Đi lại thật tự do, làm như chuyện đánh giặc mười năm chỉ là chuyện giỡn chơi trong giây lát. Có vài người ghé thăm Năm Từ và thằng Nhành để cám ơn vụ đưa rước qua sông. Họ rủ thằng Nhành theo họ ra Bắc " chơi cho biết ". Thấy được dịp đi đó đi đây thằng Nhành cũng hăng lắm, nhưng khi nó nhìn thấy đôi mắt tía nó tối lại, nó biết tía nó không bằng lòng nên nó làm thinh.  Năm Từ trả lời:
- Bây giờ yên rồi, cha con tôi kể như đã làm tròn nhiệm vụ đối với kháng             chiến. Mấy chú cứ đi đi. Để thằng Nhành ở lại với tôi cho có cha có con.
Họ giải thích dông dài để thuyết phục Năm Từ, nhưng rốt cuộc đành đề nghị ở lại chơi một ngày và đi câu với thằng Nhành đêm đó trước khi chia tay để đi tập kết.
Sáng hôm sau, cúng nước xong, Năm Từ ra ngồi chồm hổm ngoài cổng đình hút thuốc, đợi con, Người trong xóm đi chợ, ngang qua chào hỏi:
- Đợi thằng Nhành hả chú Năm?
Hỏi mà không cần trả lời, bởi vì họ biết chắc mười mươi là đúng như vậy. Năm Từ ậm ừ lấy lệ, mắt nhìn xuống dốc đình phía bờ sông. Lâu lâu đứng lên để cái nhìn đưa xa hơn về phía dưới. Cứ đứng lên ngồi xuống như vậy đến khi mặt trời đã lên quá hai sào mà vẫn chưa thấy bóng thằng Nhành. Thật là lạ! Xưa nay thằng nhỏ chẳng bao giờ trễ tràng đến như vậy. Chắc có chuyện gì rồi. Năm Từ đành bươn bả đi về hướng bờ sông. Đi mà giống như chạy. Phần vì xuống dốc, phần vì nóng lòng muốn chóng tới nơi. Con đường mòn dẫn tới chòi tranh của thằng Nhành, chân quen đi lại từ bao nhiêu năm, mà bây giờ sao bỗng thấy nó ngoằn ngoèo một cách vô lý. Phải đi vòng phía sau lò heo của chú Mín, bước qua hai đường mương trên mấy khúc tre gập ghềnh rồi đi quanh lò bún của dì Tư Đập mới trổ ra ruộng mía của thầy Cai. Ở đây lẽ ra Năm Từ phải bọc theo ven ruộng mía đến gốc cây gõ rồi ôm bên hông lò rèn Hai Tịnh mà ra bờ sông, nhưng đi như vậy quá chậm. Năm Từ nhắm hướng rồi băng càn qua ruộng mía. Lá mía cắt mặt cắt tay mà Năm Từ vẫn không hay không biết, cứ cắm đầu đi thẳng về phía trước. Một lúc là ra khỏi ruộng mía. Nhìn về phía bên trái là thấy nhà thằng Nhành, phên tre sập xuống im lìm. Đẩy phên tre lên, bên trong vắng ngắt. Cái nhà một gian một chái không vách ngăn, bỗng như rộng mênh mông. Năm Từ bỏ phên tre xuống, bước ra ngoài con lạch: chiếc xuồng câu không có đó. Chết rồi! Thằng Nhành chắc bị gì rồi! Năm Từ hớt hơ hớt hải chạy băng ruộng mía, chạy ngược về đình, chạy đổ xuống xóm nhà máy, ghé quán cà phê cho Tửng Gòn hay, nhịp thở cắt câu nói thành từng khúc:
- Thằng Nhành...bị...gì rồi...Nó đi câu...hồi hôm giờ...chẳng thấy về...Tao đi...mượn xuồng Hai Hiệp...kiếm nó coi.
Tửng Gòn chắc lưỡi chửi thề, chưa nói được gì thì Năm Từ đã chạy ù đi mất.
Sông Vàm Cỏ Đông rộng mênh mông. Từ bờ bên này nhìn thấy bờ bên kia nhưng hai bờ xa nhau quá ba dậm hú. Bờ bên kia không có xóm làng. Hồi xưa là bưng và rừng tràm. Dân bên này chèo xuồng qua bên đó đốn cây tràm về làm cừ hoặc đi lấy mật ong về bán. Người ta cũng qua đó khai mương đấp bờ làm ruộng. Mới đầu còn ít nhưng sau rồi rừng tràm bị đốn tới đâu là ruộng lúa lan theo tới đó. Không có ai cất nhà ở bên đó, nhưng họ cất chòi để giữ ruộng, hoặc thấp lè tè núp dưới lùm cây dại, hoặc chòi cao cẳng đứng lêu nghêu giữa đồng. Vào mùa gặt, bên đó đông như hội...
Thằng Nhành thường giăng câu bên kia sông, trong khoảng từ rạch bà Chạy kéo xuống rạch ông Tồn, ngang qua vịnh Mù U, chỗ có chiếc ghe bầu đụng bè gỗ chìm hồi tía nó còn trẻ. Vốn biết rành vùng giăng câu của con, nên Năm Từ chèo riết qua sông, đâm xéo xéo qua con rạch trên mà mắt nhìn dài theo mé nước. Dọc bờ sông cây cối mọc um tùm. Nhiều cây cao, tàn xòe ra như cây lọng, cò ở đâu về đậu trắng như bông. Buổi sáng bên sông nắng trong tinh khiết. Mặt nước trải dài rộng thênh thang. Thật mát và thật êm ả. Cảnh trí đó, Năm Từ đã từng thưởng thức không biết bao nhiêu lần mà kể. Vậy mà bây giờ, nó không còn ý nghĩa gì hết. Cái tịch mịch, cái êm ả chung quanh chỉ làm tăng thêm sự dao động bên trong của Năm Từ. Thà có tiếng ai hò ai hát, thà có tiếng ai gọi ai kêu để Năm Từ cảm thấy rằng mình đang đi vào một vùng sinh động, trong đó nếu không hy vọng gặp thằng con thì cũng còn hy vọng gặp người này người nọ để hỏi dò coi có ai thấy thằng Nhành không. Đằng này, ngoài tiếng chèo khua nước, Năm Từ còn nghe được tiếng trái tim mình đập mạnh, hơi thở mình đứt quãng. Để tránh cái cảm giác ngây ngấy khó chịu đang dâng lên, Nằm Từ dừng xuồng ở miệng rạch bà Chạy, hướng vào trong gọi lớn :
- Ớ... Nhành ơi ! Ớ... Nhành !
Tiếng Năm Từ vang dài, lồng lộng trên mặt sông, giống như tiếng mấy người quảng cáo thuốc nói trong loa. Bầy chim đâu đó hoảng hốt bay vù lên trời. Năm Từ gọi tiếp mấy lần, tiếng gọi mất hút trong xa, chỉ thấy trả về yên lặng và yên lặng. Nước bắt đầu ròng. Năm Từ thả xuồng trôi theo nước, mắt vẫn tiếp tục nhìn vào mấy hốc mấy lạch, lâu lâu gọi con, nghe như tiếng loài chim hoang chỉ sống ở ven sông để kêu khi nước lên nước xuống...
Trôi tới vịnh Mù U thì mực nước đã để lòi cao cái bánh lái của chiếc ghe bầu chìm. Không biết hồi xưa ghe đụng bè gỗ cách nào mà chìm trút mũi xuống đáy sông, chổng lái lên trời, rồi đứng nguyên ở tư thế đó từ mấy chục năm nay. Năm Từ nhớ hồi thằng Nhành còn nhỏ, lúc nào giăng câu gần đó nó cũng lội tới đó để trèo lên bánh lái lấy đà phóng xuống nước. Càng phóng ra xa chừng nào nó càng khoái chí chừng nấy. Khi trồi lên mặt nước, nó cười vang sông, tiếng cười thật trong trẻo mát rượi. Tiếng cười đó đã mất đi từ ngày thằng Nhành lớn lên, làm Năm Từ lâu lâu thấy nhớ. Sau này, bánh lái đó là chỗ mà thằng Nhành thường cột xuồng đợi nước, vừa xa bờ vừa nằm vào giữa khoảng giăng câu. Bánh lái lòi cao ra đó vậy mà thằng nhỏ nó ở đâu bây giờ ? Không có dấu vết gì của nó hết. Từ chiếc xuồng đến những cái phao làm dấu đường giăng. Năm Từ gọi tiếp rồi gọi tiếp:" Ớ... Nhành ơi ! Ớ... Nhành !". Tiếng Năm Từ càng gọi càng nghe thảm thiết. Chỉ có mấy âm " Nhành ơi " mà sao nghe não nuột như một chuỗi dài than thở héo hon. Mỗi lần gọi con, Năm Từ cảm thấy như hơi sức bị hao mòn đi một ít. Cũng như niềm hy vọng đang mòn lần...mòn lần...
Nước càng ròng càng chảy mạnh. Xuồng Năm Từ trôi băng băng. Một lúc sau là tới rạch ông Tồn. Rạch này rộng hơn rạch bà Chạy, và dài hơn vì nó dẫn tới bìa rừng Bù Nóp. Hai bên rạch là ruộng lúa dài dài. Trên bờ rạch, xa xa, chòi ruộng đứng bơ vơ...
Khi cho xuồng vào vàm rạch, Năm Từ thoáng nhìn thấy trong xa ngọn cây tầm vong mà người ta thường dùng để cắm xuống lòng rạch giữ thuyền. Mắt sâu bỗng sáng lên, Năm Từ lấy sức chèo ngược dòng, chèo hối hả. Vừa chèo vừa hướng vào trong gọi to:
- Ớ... Nhành ơi ! Ớ... Nhành !
Tiếng gọi con bây giờ cũng nghe dồn dập như nhịp chèo khua nước. Chẳng mấy lúc là đã thấy dạng con xuồng nhỏ cắm sào bên chòi ruộng thấp lè tè. Năm Từ thấy không phải xuồng của con, đã chán nản, thì trong chòi có người lom khom bước ra. Nhìn rõ thì là thằng Lưa ở xóm Lò Gạch. Thấy Năm Từ, nó ngạc nhiên:
- Ủa ! Chớ bác Năm không hay thằng Nhành đi Dầu Tiếng rồi à ?
Đến phiên Năm Từ ngơ ngác:
- Thằng Nhành... Thằng Nhành đi Dầu Tiếng ?
Thằng Lưa vẫn chưa hết ngạc nhiên:
- Chớ nó không có xin phép bác sao ? Nó đi từ chiều hôm qua. Đi với mấy chú du kích. Đi Dầu Tiếng để sáng nay tập kết ra ngoài Bắc.
Năm Từ bủn rủn tay chân, vói nắm cây sào rồi tì lên đó để khỏi quị xuống. Năm Từ còn nghe được tiếng của mình nói:
- Vậy hà !
Rồi nghe tiếng thằng Lưa kể chuyện lại, tiếng được tiếng mất, chập chờn như trong chiêm bao:
- Chiều hôm qua, nó chèo xuồng lên xóm của cháu để rủ cháu đi tập kết. Cháu bị còn bà già với lúa ruộng đang mê mê nên không dám đi. Nó gởi xuồng ở nhà cháu rồi đi luôn với hai chú du kích. Cháu tưởng bác Năm hay rồi chớ !
Năm Từ lại nghe tiếng của mình nói:
- Vậy hà ! Ờ... Không hay.
Thằng Lưa còn nói loáng thoáng:
- Chiều cháu về cháu đem xuồng của nó xuống cho bác, nghen.
Năm Từ " ờ " lúc nào không biết. Chỉ biết có buông cây sào ngồi xuống, và biết không còn gì hiện hữu nữa mà mình thì đã chết hẳn từ hồi nào rồi...
Xuồng không được giữ lại, từ từ theo nước trôi đi. Trôi dọc, trôi ngang như chiếc lá to giữa dòng. Năm Từ ngồi trên đó như một pho tượng, lưng cong cong, đầu cúi xuống, tay buông thõng. Đến mấy khúc quanh, xuồng va vào bờ rồi trở đầu. Nhiều lần như vậy mà Năm Từ vẫn không nhúc nhích. Cuộc sống như ngừng lại. Chỉ có tiếng chim hoang kêu lên từng chập, tiếng chim trầm bổng nghe như còn tiếp tục gọi: " Ớ... Nhành ơi ! Ớ... Nhành !"
Xuồng trôi ra sông, trôi dọc theo bờ, trôi dài xuống hạ lưu. Năm Từ chỉ giựt mình tỉnh hồn khi xuồng đụng mạnh vào một thân cây nằm dài trong nước. Va chạm mạnh đến mức độ xuồng nghiêng về một bên làm nước tràn vào trong. Năm Từ chụp lấy cây chèo để giữ thăng bằng, rồi vừa nạy cho xuồng rời khỏi thân cây vừa nghĩ: " Mẹ ! Xuồng của người ta ! Rủi có bề gì thằng Hai Hiệp chửi tắt bếp !". Khi xuồng đã tách khá xa bờ, Năm Từ nhìn quanh thấy mình đang ở tuốt dưới doi Cây Gõ. Nhìn ngược lên, nhờ khúc sông vừa rộng vừa thẳng, nên thấy nhà cửa xóm làng lúp xúp ở chân trời. Làm như muốn chìm xuống nước.
Sửa lại quai chèo, Năm Từ chèo về chầm chậm. Không có gì phải gấp. Không còn gì phải gấp. Bây giờ, thật sự chẳng còn gì nữa hết. Cha mẹ chết từ hồi mình còn trẻ. Vợ chết sau khi đẻ thằng con. Bà con thì chẳng còn ai. Có mỗi một thằng con mà nó cũng bỏ đi mất ! Mình bây giờ thật là bơ vơ. Cuộc đời này bây giờ thật là không còn ý nghĩa gì nữa. Thằng Nhành đi rồi, mình giống như cây đèn dầu bị thổi tắt ngọn lửa. Cây đèn dầu sẽ vĩnh viễn không còn được thắp sáng. Sự sống đã bị ai cướp mất đi rồi... Bỗng Năm Từ nghĩ lại: " Chắc mấy thằng du kích nó dụ con mình, chớ thằng Nhành làm gì tự nó bỏ đi được ?". Chưa kịp căm phẫn, lại nghĩ tiếp: " Cũng tại mình hết. Ai biểu đưa rước kháng chiến ? Rồi còn tập cho thằng nhỏ đưa rước để cho nó lậm luôn. Bây giờ còn trách ai ?". Còn đang ân hận thì lại nghĩ khác: " Mà thằng Nhành cũng đã lớn rồi chớ phải con nít sao mà nghe lời người ta dụ ". Cứ nghĩ quẩn nghĩ quanh rồi khi thì tức mấy thằng du kích, khi thì tự trách mình, khi thì giận thằng con. Lý luận vòng vo để không biết ngừng ở đâu cho phải, giải quyết thế nào cho đúng. Đầu óc Năm Từ rối tợ bòng bong...
Mặt trời đã đứng bóng. Nước còn ròng. Năm Từ chèo ngược nước mà có cảm giác như đang cố ngoi lên từ đáy sông để tìm một  cái phao, một điểm tựa, một lối thoát...
Khi Năm Từ bước vào tiệm nước, Tửng Gòn nhận thấy thằng bạn như thất thần. Không đợi hỏi, Năm Từ thuật lại vắn tắt, nói như cho chính mình nghe:
- Nó đi rồi ! Nó trốn tao, nó đi rồi ! Đi ra Bắc với Tiên Tổ nó ở ngoải !
Tửng Gòn dậm chân chửi thề liên hồi. Rồi nhớ lại thằng bạn chắc chưa ăn sáng, bèn đề nghị:
- Tao nấu hủ tiếu hai đứa mình ăn nghen ! Đu mẹ nó ! Ăn cái đã !
Một lúc sau, cả hai cùng ngồi ăn, chẳng biết nói gì với nhau hết. Tửng Gòn đem ra thêm một tô xí quách và một xị đế:
- Đu mẹ ! Thứ này đưa cay là hết xẩy !
Năm Từ không phải bợm rượu, tuy lâu lâu có dịp cũng lai rai. Bữa nay, sau mấy hớp đầu, bỗng nghe trong người như được bơm thêm một chút sinh lực. Ngẫm lại mấy ông già xưa nói thật có lý : uống rượu để giải sầu. Vậy thì làm thêm vài ly cho nó tỉnh mỉnh rồi về đình còn quét lá sân trước sân sau. Mấy ổng còn nói : "Uống rượu để quên trời quên đất ". Vậy thì làm thêm một xị nữa cho nó đừng nhớ gì hết. Mà thiệt ! Sau đó không nhớ là đã nốc hết bao nhiêu xị. Quên cha nó mình là ai, ở đâu. Chỉ còn nhớ mang máng là mình vừa mất thằng con. Không ! Không phải ! Mình đang đi kiếm thằng con, thằng nhỏ đi lạc đâu đó. Coi chừng nó bị té sông. Coi chừng nó bị xe đụng. Té sông cũng chết ! Xe đụng cũng chết ! Năm Từ giựt mình đứng phắt lên nhìn ra ngoài. Tửng Gòn đang trố mắt ngạc nhiên thì Năm Từ đã xiêu xiêu bước ra đường, rồi vừa ngất ngưởng chạy như người lên đồng, vừa kêu, vừa khóc, vừa kể lể :
- Nhành ơi ! Con đi đâu ? Rồi té sông té suối làm sao ? Rồi xe cộ cán con làm sao ? Rồi con bỏ tía ở lại với ai ? Tía đây nè con ơi...Hu...Hu...
Lâu lâu, Năm Từ té quị xuống, gượng đứng lên, băng xiêng băng nai mà chạy tới như được tiếp sức bởi một mãnh lực vô hình. Trẻ con bu theo như ruồi, vỗ tay cười khi thấy người say té chúi xuống. Người lớn nhìn nhau, không hiểu. Có mấy người bước lại đỡ Năm Từ lên :
- Sao vậy chú Năm ?
Rồi khi nghe mùi rượu nặc nồng, họ đề nghị :
- Để tụi này đưa chú về đình.
Năm Từ mắt trợn trừng, vùng ra hét to :
- Về đâu ? Người ta đi kiếm thằng Nhành mà về đâu ? Nó đi lạc đâu rồi.Hu...Hu... Con ơi là con...
Rồi tiếp tục chạy, tiếp tục kêu, tiếp tục khóc. Lên đến gò Đồng Mả, Năm Từ kiệt sức, ngã lăn dưới gốc cây da rồi ngủ thiếp đi. Năm Từ không biết rằng mình đã tìm ra được một lối thoát !     
Từ đó, lâu lâu nhớ con, Năm Từ " lên " một cơn say dậy xóm dậy làng...Đó là lúc mà cây đèn dầu của Năm Từ được vặn cho sợi tim lú lên cao thật cao để tìm ngọn lửa, ngọn lửa mà người ta đã cướp mất. Năm Từ lúc nào cũng kết thúc cơn say ở gò Đồng Mả, làm như tiềm thức dẫn Năm Từ đến đó là cuối đường……...
 -oOo- 
Yên được đôi năm gì đó rồi lại thấy có giặc lại. Quân đội quốc gia cũng đóng đồn trên đất ông đốc-phủ, chỗ tây đóng hồi đó, nhưng đào hào đấp bờ kiên cố hơn. Dân chúng vẫn ở chung quanh, không thay đổi. Chỉ thay đổi là bây giờ không phải Việt Minh đánh với Tây mà là Việt Cộng đánh nhau với Quốc-Gia. Đánh nhau đâu ở trong xa, thật xa đến nỗi không nghe tiếng súng. Chỉ nghe đồn khi có đụng độ lớn ở đâu đó, miệt Trảng Nhỏ hay miệt Giồng Riêng. Chớ tại làng của Năm Từ thì từ thời Tây đến bây giờ chưa biết mùi giặc ra làm sao hết.
Rừng cây dầu ở gò Đình được rông cho trống trải để dễ giữ an-ninh. Mấy cây dầu lớn đều bị đốn hết, chừa lại mấy cây con, to cở bằng bắp chân trở xuống. Thành ra coi thật xơ-rơ.
Hồi đó, rừng dầu vừa rậm vừa cao, ôm lấy đình như để bảo vệ cái phong khí u-tịch đã có từ thuở xa xưa. Ngoại trừ khi cúng cầu an có rước hát bộ hát cho Thần coi, và có làng xã dân chúng tham dự rộn rịp, hoặc những khi cá nhân hay đoàn thể cúng bái tạ ơn Thần, ngày thường đình là nơi trang nghiêm vắng lặng ít người lui tới. Đối với dân làng, đó là nơi linh thiêng cần phải có tính cách biệt lập. Một phần vì vậy mà dân xóm Đình đều cất nhà cách rừng dầu một khoảng khá xa, nằm thấp phía dưới, và tin tưởng rằng có Thần ở trên cao phò hộ.
Bây giờ, rừng dầu bị chặt đi, cây con lưa thưa chưa cao quá một sào. Cái đình vì vậy nhô ra một cách trần tục, không còn gì nét tôn nghiêm hết. Năm Từ thật đau lòng và bất mãn. Mỗi một cây dầu bị hạ xuống là một lần Năm Từ nghe xót xa. Những cây dầu thân to bằng hai ba người ôm, thẳng đuồn đuột và cao nhìn trặc ót, đã có từ thời ông cố ông sơ gì tới giờ. Không phải vài ba chục năm mà được như vậy. " Nó " đã biết làng này từ thuở còn là một xóm nhỏ lèo tèo vài ba mái nhà tranh vách đất nằm lúp xúp cạnh bờ sông, đã nhìn cái xóm nhỏ đó từ từ lớn lên để thành cái làng với đường ngang đường dọc, với nhà gạch nhà lầu. Nó đã chứng kiến thế hệ này nối tiếp thế hệ nọ, mỗi đời người một vươn lên, từ mức dân quê dốt nát tiến đến có người làm đốc phủ, có người làm giáo sư, có người làm dược sĩ...Những cây dầu đó thật sự đã sống với làng với xóm với con người không khác gì các bô lão. " Nó " đã thuộc vào " lịch sử " của làng này cũng như khúc sông Vàm Cỏ nằm xa phía dưới kia. Đối với Năm Từ, hạ những cây dầu cổ thọ đó xuống cũng giống như mình tự cắt đứt gốc rễ, những thứ đã bắt nguồn từ sông ngòi ruộng đất của Tổ Tiên. Quí vô cùng mà tụi nhỏ bây giờ đâu cần biết !  
Công tác hạ cây đã được quyết định bởi ông trung úy trưởng đồn và hội đồng xã, sau khi nghiên cứu địa hình địa vật tại chỗ ! Năm Từ có thắc mắc hỏi ông chủ tịch xã - còn trẻ măng - thì được ông này trả lời một cách thản nhiên rằng khu rừng cây này chẳng liên hệ gì tới cái đình hết và ông Từ giữ đình chẳng có trách nhiệm gì khác hơn là việc thắp nhang cúng thần hằng ngày. Năm Từ làm thinh nhưng lòng đầy cay đắng vì thấy rằng làng xã thời nay không còn là một sự tiếp nối của thời xưa cho nên phạm vi của cái đình đã bị thu hẹp lại còn có cái nóc bên trên và cái nền ở dưới !
Sau đó, ngoại trừ lúc lên đình thấp nhang cúng nước, Năm Từ hoặc đi câu hoặc lúc thúc ở trong nhà- một ngôi nhà nhỏ cột gỗ ngói âm dương cất ở góc sân sau đình - chớ không ra quét lá đều đặn như lúc trước nữa.Vì vậy, đình càng u-trệ xơ-rơ hơn. Người trong xóm biết Năm Từ bất-mãn, tuy rằng chẳng nghe Năm Từ phân bua than thở với ai một lời.
Một hôm, đang lúi húi quét dọn trong đình, Năm Từ nghe có người gọi nhỏ từ ngoài sân :
- Chú Năm ! Chú Năm !
Nhìn ra, thấy một người đàn ông lạ mặt, áo sơ-mi trắng quần tây đen, xách cạc-táp có vẻ như một thầy thơ-ky.ù Năm Từ bước ra hiên :
- Ờ…Thầy hỏi chi ?
Người đàn ông nhìn quanh trước khi nói :
- Tôi có cái thơ của thằng Nhành gởi cho chú.
Năm Từ nghe điến hồn như bị sét đánh gần bên, bỏ rơi cây chổi lúc nào không biết. Từ mười mấy năm nay, cái tên Nhành chỉ được Năm Từ gọi trong cơn say – nghĩa là miệng gọi nhưng tai không nghe và đầu óc không nhớ – cho nên âm thanh đó bị dìm sâu trong tiềm-thức. Bây giờ, trong lúc Năm Từ đang tỉnh táo mà âm thanh thân yêu đó bỗng bật lên quá nhanh, quá mạnh và quá bất ngờ, làm Năm Từ choáng váng đứng không vững , tưởng chừng như mình đang trong cơn say ! Một lúc sau, Năm Từ có cảm giác như vừa ngoi lên khỏi mặt nước, nói bằng một giọng trống rỗng:" Vậy là nó còn sống !"
Người đàn ông bứơc lại gần :
- Dạ. Nó đang công tác ở ngoài đó và vẫn mạnh khỏe. Nó nhớ chú lắm và thường hay nhắc tới chú.
Năm Từ nghe lòng ruột rã ra từng mảnh. Hình ảnh thằng con hiện về trong đầu thật rõ nét làm như nó chưa bao giờ rời khỏi vòng tay của mình. Năm Từ cười như mếu :
- Vậy hà ?
Ngừng một lúc rồi tiếp :
- Mời thầy qua nhà tôi uống nước.
Vào nhà, Năm Từ rót trà mời khách :
- Thầy uống miếng nước.
Người đàn ông cười hiền hòa :
- Tôi tên là Qui. Bạn bè kêu là Sáu Qui. Chú cứ gọi tôi là thằng Sáu hay thằng Qui gì cũng được.
Một lúc sau, Sáu Qui mở cập lấy thơ đưa cho Năm Từ :
- Thằng Nhành ra ngoài đó được cho đi học lại. Bây giờ, chữ nghĩa nó đạt lắm.
Năm Từ cầm lấy thơ mà tay run-run. Lật qua lật lại một lúc rồi trao cho Sáu Qui :
- Tôi dốt. Không biết đọc. Thầy đọc tôi nghe coi.
Sáu Qui hớp một ngụm trà rồi đọc thơ. Năm Từ cầm chén trà hớp từng hớp nhỏ, đầu gật gù giống như người ta đang thưởng thức trà. Thật ra lòng Năm Từ vừa mở rộng sung sướng lại vừa cảm động miên man…Cây đèn dầu "Năm Từ " bỗng thấy sợi tim lú lên cao, đầy hy vọng. Bởi vì có người vừa bật diêm quẹt gần đâu đó !
Thơ không dài. Đại khái là thằng Nhành vẫn mạnh giỏi, công tác tốt. Nó sẽ trở về một ngày gần đây. Điểm chánh yếu trong thơ là nó gởi gấm Sáu Qui cho tía nó. Cuối thơ, nó viết :"Càng nhớ tía bao nhiêu, con càng có bổn phận phải kiên trì đấu tranh để đem lại hòa bình cho xứ sở ". Nghe đọc thơ xong, Năm Từ ngồi lặng yên. Làm như là để cho nó ngấm từ từ vào người cái ngạc nhiên, cái khoái trá, cái hãnh diện, cái sung sướng…
Sáu Qui cũng không nói gì, ngồi nhìn thẳng ra bìa rừng. Bây giờ cây nhỏ lưa thưa nên thấy tuốt xuống hố quằn và con đường đất dẫn lên lộ cái. Có tiếng chim kêu trong lá và tiếng con gà mái tục-tục gọi con bên hè. Buổi sáng trên đình thật là êm ả. Không khí mát rượi trinh nguyên…Bỗng Sáu Qui hỏi Năm Từ :
- Nghe nói rừng dầu rậm lắm mà sao bây giờ coi xơ-rơ vậy chú ?
- Ờ…Họ đốn hết lấy gì mà rậm.
Sáu Qui hỏi tiếp :
- Ai đốn ? Mà tại sao phải đốn ? Hả chú ?
Giọng Năm Từ cay cú :
- Ối…Thì chánh quyền đốn chớ ai dám vô đây mà đốn. Họ nói để giữ an-ninh gì gì đó không biết nữa !
Sáu Qui chắc lưỡi :
- Thiệt là bậy ! Đâu phải nhờ đốn hết rừng mà giữ được an ninh đâu chú. Đình chùa là tượng trưng cho sự tự-do tín ngưỡng của quần chúng nhân dân, phải được nhà nước tôn trọng. Xúc phạm những nơi đó mới là chuyện làm mất an ninh đó chú !
Năm Từ thật hả dạ khi nghe Sáu Qui lý luận như vậy và bỗng thấy người đàn ông mới quen đó thật là gần gũi với mình, làm như đã biết nhau từ lâu. Giọng Năm Từ trở nên thân mật hơn :
- Đúng vậy. Họ có nghỉ như mình đâu !
Ngừng một chút rồi tiếp :
- Vậy chớ thầy Sáu quê ở đâu ?
Sáu Qui bật cười :
- Chú kêu tôi bằng thầy nghe cách biệt quá chú ! Kêu tôi bằng cháu đi, như tôi là anh của thằng Nhành vậy.
Năm Từ nghe lòng thật ấm cúng :
- Ờ…cũng được. Vậy quê cháu ở đâu há ?
Sáu Qui vắn tắt kể lại lai-lịch của mình : cha mẹ gốc miền Trung, vào Dầu Tiếng làm phu cạo mủ cao su ; Sáu Qui lớn lên ở đó, đi kháng chiến rồi tập kết đi luôn tới giờ ; kỳ này vào Nam để công tác ba tỉnh miền Đông ; Sáu Qui hành nghề châm cứu để độ nhựt…Rồi Sáu Qui kết :
- Trong thời gian công tác ở vùng này, tôi chỉ biết trong cậy vào sự đùm bộc giúp đỡ của chú thôi.
Năm Từ bỗng thấy như được giao một trách nhiệm, tuy không nguy hiểm bằng công tác đưa rước người qua sông hồi thời kháng chiến chống Pháp, nhưng cũng không kém phần quan trọng . Hình ảnh thời "  oanh-liệt " hồi Năm Từ còn là Năm Câu " đưa kháng chiến qua sông như ăn cơm bữa "…hiện về thật rõ nét trong đầu Năm Từ. Giống như mới hôm qua hôm kia ! Mắt Năm Từ bỗng sáng lên, máu trong người bỗng chảy mạnh hơn và chỉ trong có mấy giây thôi mà Năm Từ bắt gặp lại cái cảm giác hăng hăng của thời trẻ. Năm Từ hạ giọng :
- Ờ…Cứ ở đây với tôi. Yên chí ! Có Thần linh phò hộ, đừng có lo !
Ngừng một lúc rồi tiếp :
- Cháu à ! Hễ mình nghĩ phải làm phải thì chuyện gì cũng được Ơn Trên giúp đỡ hết !
Từ đó, Sáu Qui nghiễm nhiên trở thành cháu bà con của Năm Từ. Cha Sáu Qui là anh bà con một đầu ông cố với Năm Từ, lâu nay lưu-lạc miệt Chợ lớn, bây giờ tìm riết mới gặp lại nhau. Năm Từ dựng đứng câu chuyện như vậy để thiên hạ đừng ai để ý. Người ta gọi Sáu Qui là thầy Sáu châm cứu và nhà Năm Từ trở thành " phòng mạch bình dân ". Thầy Sáu châm mát tay nên bệnh nhân tới lui cũng khá. Lâu lâu, thầy Sáu vắng mặt vài hôm. Nghe nói thầy còn nhiều phòng mạch ở các tỉnh khác, bỏ bịnh nhân không đành…
Thời gian qua mau. Việt Cộng đánh càng ngày càng gần. Tuy chưa nghe tiếng súng nhưng dân làng biết như vậy bởi vì người ở các vùng đó tản cư về đây càng ngày càng đông. Và họ đưa tin còn nhanh hơn bưu điện !
Quân đội Mỹ kéo tới đóng đồn tuốt trên gò Đồng Mả. Không phải tại gò Đồng Mả, mà là ở khoảng giữa gò Đồng Mả và xóm Lò Gạch. Ở đó cũng có một  cái gò, người Mỹ dùng mấy đoàn xe cam-nhông chở đất đỏ từ đâu về đổ lên đó và máy ủi đất đấp vung lên cho gò thêm cao. Chỉ có mấy hôm mà gò đó đã trở thành điểm cao nhứt làng. Cái gò mới đó không có tên, nhưng nó được dân làng gọi là " thành Mỹ ", bởi vì có hầm hố bờ đê kẽm gai thật kiên cố ! Mỹ kéo về đó mấy cây đại-bác. Đêm đầu tiên Mỹ bắn đại-bác, dân làng đang ngủ bỗng giật mình ôm nhau tưởng đâu trời sập, trẻ con khóc điếng lên như bị ai cắn. Xưa nay làng này chưa từng nghe tiếng nổ to như vậy. Sau tiếng nổ điếc con rái là tiếng đạn bay nghe cái ào trên đầu làm tóc gáy dựng lên. Dân làng bắt đầu thấy cuộc đời này không còn yên ổn nữa.
Quân đội Mỹ thường bắn đại-bác về đêm. Nghe riết rồi cũng quen, nên không còn ai để ý. Đến một hôm đó, đại bác nổ ban ngày. Thiên hạ bàn-tán nho nhỏ với nhau : " Chắc Việt Cộng di quân ban ngày nên mới bị pháo như vậy ". Rồi sau đó, ngày đêm gì cũng có tiếng đại bác. Và dân làng bắt đầu nghe xa xa tiếng súng đụng độ giữa hai bên…
Đến khi Việt Cộng bắt đầu pháo kích vô làng thì không thấy thầy Sáu châm cứu trở về phòng mạch ở đình nữa. Năm Từ cũng không biết " thằng cháu " đi đâu, đành nói với hàng xóm : " Nó về dưới Chợ lớn chắc bị bắt quân dịch luôn rồi ". Nói như vậy chớ Năm Từ biết mình bị Sáu Qui bỏ rơi, cũng giống như thằng Nhành hồi đó.
Một hôm, vào quá nửa đêm, Việt Cộng pháo vô xóm Đình. Một trái rớt xuống sau đình, tiếng nổ to đến mức độ Năm Từ rớt từ ghế bố xuống đất. Bầy gà sau nhà kêu lên oang-oác. Năm Từ mở mắt nhìn quanh : bóng tối còn nguyên như cũ, vậy là trái đó không rớt trúng nhà mình ! Rồi Năm Từ mò mẫm trèo lên ghế bố, càu nhàu : " Mỹ ở tuốt gò Đồng Mả sao không pháo. Pháo chi xóm Đình chẳng có con mẹ gì hết ".Sáng hôm sau, thấy nửa mái đình phía sau bay mất, cột kèo đổ nát tan hoang. Năm Từ nghe lòng đau như cắt. Và chua chát nghĩ : " Thần Thánh thời nay cũng không được người ta để cho yên ! " Tuy nhiên, vẫn tin tưởng rằng những ai xúc phạm tới đình sớm muộn gì cũng sẽ bị Thần quở.
Sau đó đình không được sửa chữa lại. Người ta nói chánh quyền quốc gia còn quá nhiều việc cấp bách để làm. Tình trạng đổ nát đó kéo dài đến ngày ba mươi tháng tư bảy mươi lăm…
-oOo-
Bây giờ mới thật là yên giặc. Không còn nghe một tiếng súng. Chỉ nghe tiếng loa phát thanh của nhà nước cách mạng. Cũng uềnh oang như ngày xưa khi trong làng có gánh cải lương…
Không thấy thằng Nhành về. Cũng không thấy Sáu Qui. Chỉ thấy người lạ ở đâu tới tiếp thu làng xã. Hỏi ra là dân Bù Lu hoặc Trảng Nhỏ xa xa…
Không khí trong làng thật là rộn rịp. Không phải do dân trong làng tạo ra sự rộn rịp đó như trước đây vào dịp Tết hay dịp cúng đình cầu an. Sự rộn rịp đó do số người mới đến cầm quyền chạy tới chạy lui gắn loa trương cờ,căng biểu ngữ, vẽ khẩu hiệu. Ngoài một số thanh niên " nhào " theo để dựa hơi (thiên hạ gọi là " mấy thằng ba mươi ")  hầu hết dân trong làng chẳng thấy ai nhúc-nhích. Họ giống như khán giả được cho coi hát khỏi trả tiền. Thành ra họ yên tâm nhìn cuộc diện thay đổi một cách bàng quan. Và nghĩ một cách đơn giản : " Hết bị pháo kích, con cái khỏi phải đi lính…vậy là phước lắm rồi ! ". Chẳng dè làm " khán giả " chỉ được có năm bảy hôm gì đó, rồi là họ bị gọi đi đăng ký, đi báo công báo tội , đi học tập nghị quyết…Riết rồi họ trở thành " đào kép trên sân khấu cách mạng " lúc nào không hay ! Một loại đào kép không thuộc tuồng tích, nhưng lúc nào cũng được mấy ông bầu cách mạng bắt thủ vai chánh trong mọi vở bi hài kịch của họ : vai " nhân dân làm chủ " !
Đình bị lấy làm hội trường. Nửa phía sau đổ nát vẫn để nguyên như vậy. Bàn thờ Thần, cây lộng cây phướn…được dọn hết vào nhà sau. Làm như là đồ riêng của Năm Từ ! Hai " ông hổ " bằng gỗ ngồi hầu trước bàn thờ Thần, bị liệng ra sau hè, nằm chỏng gọng. Công tác dọn dẹp đình được mấy " ông cách mạng " tự tay làm lấy trong lúc Năm Từ bận giăng câu bên kia sông. 
Bữa đó, đi câu về đến dưới dốc, Năm Từ chợt nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng phe-phẩy trên đầu cột trước đình. Cột cờ này xưa nay chỉ dùng để kéo  lá phướn của Thần khi cúng lễ. Thời quốc gia, ngay cả thời Tây, chưa ai dám phạm  thượng  treo ở đó lá cờ nào khác. Năm Từ nổi nóng, bươn bả chạy lên đình. Ở đó, bây giờ giống như mấy nhà xưa có đám cưới. Chỉ khác là nhà có đám cưới người ta kết bông bằng vải tây điều treo có tua có tụi, còn đây thì căng vải đỏ sơn chữ vàng tứ phía. Bên trong, trống bóc.
Trên vách ngăn ở giữa đình có lá cờ đỏ sao vàng với ba khuôn hình treo ngang nhau. Năm Từ nhìn ra Hồ Chí Minh còn hai hình kia là một thằng… tây râu xồm tóc dài và một thằng… tây râu ngắn đầu sói. Thiên hạ đang lúi húi quét dọn. Năm Từ la lớn :
- Tụi bây làm gì vậy ? Ai cho phép tụi bây vô đây ? Bộ muốn phá đình hả ?         
Cả bọn ngừng tay, ngạc nhiên. Một thằng hỏi :
- Chú không hay gì à ? Ủy ban nhân dân biểu lấy đình làm hội trường.
Năm Từ trừng mắt :
- Làm cái giống gì ?
Tên đó giải nghĩa :
- Làm hội trường. Nghĩa là làm chỗ để nhân dân hội họp học tập !
Trong một thoáng, Năm Từ bỗng nhớ lại câu nói của Sáu Qui, nhớ rõ như đã học thuộc lòng. Năm Từ nói ra câu đó như trả bài:
- Đình chùa là tượng trưng cho sự tự do tín ngưỡng của quần chúng nhân dân, phải được Nhà Nước tôn trọng. Xúc phạm những nơi đó là chuyện làm mất an ninh ! Tụi bây hiểu chưa ?
Cả bọn bỗng phá lên cười như đang coi một màn hài hước ! Năm Từ  "phẫn nộ xung thiên" chụp một cây chổi đập túi bụi lên tụi "cách mạng" vừa đập vừa la :
- Tụi bây giỡn mặt với tao hả ? Tây, tao còn không sợ ! Mỹ, tao còn không sợ ! Huống chi cái giống tụi bây. Đi ! Đi ra khỏi chỗ này !
Rồi Năm Từ cầm chổi chỉ ra cột cờ :
- Ra mà lôi lá cờ đó xuống. Ở đây không ai được phạm thượng hết !
Lúc đó, coi Năm Từ thật "oai phong lẫm lẫm". Mấy thằng "cách mạng" kéo nhau chạy biến về hướng ngã ba lộ cái,làm lũ chó xóm Đình chạy theo sủa rân !
Thấy không còn ai để hạ lá cờ, Năm Từ đành đi ra cột cờ để tự tay tháo gỡ, nách vẫn cập cây chổi vì thói quen quét dọn trong đình. Năm Từ phải mất một thời gian ngắn để kéo lá cờ xuống, vì sợi dây treo cờ bị kẹt trong rỏ-rẻ trên đầu cột. Trong khi Năm Từ đang gom tóm lá cờ thì có hai xe cam-nhông chạy ù tới gò Đình, ngừng ở bìa rừng, đổ xuống hai toán bộ đội súng khua lách-cách. Họ lom khom chạy thật nhanh, dàn trận bao vây đình giống như sắp tấn công một đồn bót của Mỹ Ngụy ! Trên nền xi măng cao của kỳ-đài, Năm Từ chống cây chổi, nhìn cảnh tượng đó mà tự hỏi: " Tụi nó làm cái giống gì vậy, không biết ?".
Yên lặng một lúc. Có vài tiếng chó sủa vẩn vơ xa xa. Chim vẫn kêu trong lá. Mấy con rắn mối rượt nhau trong lớp lá dầu khô, nghe sột soạt. Làm như chẳng có chuyện gì xảy ra trong đình ! Bỗng, hai thằng bộ đội đứng lên chạy thẳng vào sân từ hai ngã đối diện, chĩa súng vào Năm Từ, quát lớn :
- Bỏ khí giới xuống ! Đầu hàng ngay ! Chống phá cách mạng phải không !
Bấy giờ, Năm Từ mới hiểu : té ra tụi nó bao vây mình ! Nhìn xuống cây chổi đang cầm trong tay, Năm Từ bật ngửa cười khan. Thì ra tụi nó sợ…cây chổi !
Thừa lúc Năm Từ cười, một tên bộ đội phóng lên trở bán súng đập vào lưng làm Năm Từ văng ra khỏi kỳ đài té xấp xuống đất bất tỉnh. Hai đứa vội vàng đè lên người rồi trói quặt hai cánh tay về phía sau giống như người ta tréo cánh con gà sau khi đã cắt cổ. Chừng đó, hai toán bộ đội mới kéo vào tập trung quanh kỳ đài để nhìn cho rõ " tên phản-động". Người trong xóm thấy chộn rộn cũng chạy ra, đứng xa xa nhìn. Khi thấy Năm Từ bị lôi ra thảy lên xe , người ta mới biết là Năm Từ bị bắt .
Trong thời gian Năm Từ bị giam trên tỉnh, Tửng Gòn đóng cửa tiệm cà-phê hết mấy bữa để lên nuôi bạn và nghe ngóng coi có lo được gì không. Nhờ đó mà dân trong làng mới biết là Năm Từ bị hai tội: chống phá cách mạng và ngoan cố không chịu khai tên họ thật mà cứ dùng…bí danh " Năm Từ " ! Nghe như vậy, ai cũng bất nhẫn bởi vì ai cũng biết là Năm Từ đã làm rớt dưới sông thẻ căn cước từ thời ông Diệm,rồi từ đó trong mình không có một tờ giấy lộn. Ngoài ra, từ mấy chục năm nay, từ hồi nhỏ, hồi còn là thằng Năm, đến thời lớn lên làm thợ câu, rồi về già vô đình làm ông từ…chưa nghe ai gọi Năm Từ bằng tên trong khai sanh, thì lấy gì để Năm Từ nhớ ? Còn chuyện chống phá cách mạng thì thật là bá vơ bởi vì "cha con thằng chả làm giao liên cả mấy chục năm, rồi còn đưa thằng con đi tập kết nữa lận !". Bàn qua tán lại để rồi người nào cũng chắc lưỡi lắc đầu, chớ chẳng biết làm sao hết.
Một hôm, Sáu Qui đi với hai tên hộ vệ cầm súng bá đỏ, vào thăm Năm Từ trong trại giam. Sáu Qui nói :
- Tôi có ghé đình thăm chú, mới hay vụ này. Mấy đồng chí đó bậy quá ! Chú cũng đừng buồn. Rồi ta sửa sai thôi !
Năm Từ ngồi nghe, chẳng nói chẳng rằng. Nhớ lại ngày nào mình đùm bọc Sáu Qui và câu mà mình thường nói cho nó nghe " hễ mình nghĩ phải làm phải thì lúc nào Ơn trên cũng phò hộ"…bây giờ sao thấy nó trật lất ! Cũng như chuyện chiếm đình treo cờ…rồi cũng chẳng thấy thằng nào bị Thần vặn họng hết. Riết rồi chẳng biết đâu mà rờ…
Sáu Qui lấy trong cập ra một khuôn kiếng trao cho Năm Từ :
- Đảng và Nhà Nước cấp cho chú bằng khen đã giúp cách mạng. Biết chú không có phương tiện nên tôi lộng kiếng bằng khen luôn cho chú để chỉ cần treo lên thôi.
Năm Từ cầm lấy khuôn kiếng, nhìn bằng khen có đóng mộc đỏ như nhìn tờ giấy trắng bởi vì không biết chữ. Rồi cũng không nói gì. Sáu Qui lại tiếp :
- Phần tôi, tôi xin tặng chú chân dung bác Hồ dệt trên lụa.
Sáu Qui cầm cuộng lụa xổ ra trước mặt Năm Từ, khoe :
- Dệt ở bên Trung Quốc lận. Mới nhìn tưởng hình chụp, phải không ?
Năm Từ cầm lấy chân dung cuốn lại, hỏi :
- Còn…thằng Nhành ?
Sáu Qui đốt điếu thuốc, hít mấy hơi rồi mới nói :
- Thằng Nhành chết lâu rồi !
Năm Từ nhìn Sáu Qui, tưởng mình nghe lộn :
- Chết ?
Sáu Qui lại hít mấy hơi thuốc :
- Chết hồi mới ra Bắc.
Vai Năm Từ bỗng xuôi xuống. Lưng Năm Từ bỗng cong lại. Cổ NămTừ bỗng không còn giữ nổi cái đầu. Một lúc lâu, sực nhớ ra, Năm Từ hỏi :
- Còn cái thơ nó viết cho tôi hồi đó ?
Sáu Qui nuốt nước miếng mấy lần mới trả lời :
- Thơ đó do tôi viết.
Thấy Năm Từ không tỏ phản ứng gì hết, Sáu Qui tằng hắng như để lấy can đảm :
- Chú đừng giận. Hồi đó phải làm như vậy để có ngày hôm nay : cách mạng thành công ! Trong cuộc đấu tranh giải phóng, chú đã đi hàng đầu và đã có công lớn đối với cách mạng. Nhân dân biết ơn chú nhiều lắm !
Năm Từ vẫn im lặng. Nói gì nữa giờ, khi mà tất cả đều sụp đổ, tất cả đều đảo lộn, tất cả đều gian xảo ? Mà mình thì đúng là một thằng ngốc ! Bỗng Năm Từ bật cười một mình, rồi " Ờ..." một tiếng cho lấy có, nghe như tiếng "ợ" của người ăn không tiêu...
Vậy là nhờ sự can thiệp của Sáu Qui, Năm Từ được thả về, ôm theo cái bằng khen và chân dung Hồ Chủ Tịch. Bây giờ, đình đã thật sự trở thành hội trường và căn nhà phía sau là phòng lương thực. Tất cả đồ đạc đều được dọn hết về nhà riêng của Năm Từ ở cạnh bờ sông, trong thời gian Năm Từ nằm ở trại giam trên tỉnh.
Từ ngày trở về làng , Năm Từ cứ lầm-lầm lì-lì, không giao thiệp nói chuyện với ai hết. Kể cả với Tửng Gòn ! Nhưng, sau khi nhậu ba sợi rồi là lè nhè nói hoài không ngừng và lâu lâu cười lên hô hố. Dân trong làng mới đầu còn ngạc nhiên thương hại, nhưng riết rồi họ cũng quen. Cho nên chẳng ai để ý thấy một con chó hoang đi theo Năm Từ mỗi ngày. Và khi Năm Từ đứng xiêu xiêu, chỉ đông chỉ tây nói láp dáp, nó vểnh tai nhìn Năm Từ, đầu nghiêng nghiêng đuôi ngoắt ngoắt, ra điều "ta đây hiểu hết" ! Năm Từ cũng không nhớ con chó đã theo về " ở " với mình từ hồi nào. Chỉ biết có cho nó ăn uống đều đặn, đi đâu thì nó đi theo như đi "hộ tống", đi câu bên sông thì nó giữ nhà, tối ngủ trên ghế bố thì nó nằm khoanh phía bên dứơi. Năm Từ thường nói chuyện với nó như nói chuyện với một con người.
Một hôm, nhậu ba ngù rồi, Năm Từ mang chân dung Hồ Chí Minh tòn teng trước ngực, vừa đi vừa hô "Hồ Chủ Tịch muôn năm !" giống như đi mít tinh. Ngả ngả nghiêng nghiêng đi dài theo lộ cái. Chẳng thấy ai đi theo, kể cả trẻ con vì tụi nó bây giờ bận công tác "khăn quàng đỏ". Chỉ có con chó là lẽo đẽo đi sau, cách vài ba bước giống như cái bóng. Một lúc, Năm Từ dừng lại nhìn nó, đưa ngón tay trỏ lên điểm điểm :
- Mầy... mầy... ăn ở còn có nghĩa có tình chớ không phải như tụi nó... Mầy còn hơn tụi nó nhiều lắm ! Nghe không mậy, cẩu ?
Rồi cười lên hô hố khoái trá. Xong chỉ vào chân dung Hồ Chí Minh phân trần : "Mầy thấy không ? Hồi tao còn trẻ, tao gọi ổng là cụ Hồ. Bây giờ tao già rồi mà thằng chả lại trẻ ra bởi vì tao chỉ còn gọi bằng bác Hồ thôi ! Ngược đời vậy đó, mậy cẩu ! "Nói xong, Năm Từ ưỡn ngực hô to : "Hồ Chủ Tịch muôn năm". Con chó bỗng sủa lên quấu quấu. Năm Từ ngạc nhiên, trợn mắt nhìn nó, lại đưa ngón tay trỏ lên điểm điểm :
- À ! Ạ ! Biết sủa như vậy là mầy giống tụi nó y chang rồi còn gì ?
Rồi vừa xiêu xiêu bước đi, Năm Từ vừa nói lầm bầm : "Đời bây giờ ... thiệt ... không biết đâu mà rờ ... Tới con chó cũng không giống ai hết !"
Cuộc "mít-tinh cách mạng" một người một chó đó kết thúc ở gò Đồng Mả. Năm Từ mệt lả, ngã đại xuống một khoảnh đất còn trống giữa mấy mả vôi mả đá. Con chó ngoắt đuôi, ngập ngừng một lúc, xem "động tịnh" rồi mới bước nhẹ tới nằm kế bên !
-oOo-
Cũng trong đêm đó, chừng quá nửa đêm, đình và rừng dầu bỗng phát cháy. Đám cháy lớn đến nỗi dân chúng chỉ dám đứng xa mà nhìn. Thiên hạ kéo ra coi đông nghẹt ở ngã ba lộ cái. Từ đó nhìn xuống đám cháy, thấy giống như người ta đốt đồ thợ mã để cúng cô-hồn...
Trong gian nhà tranh nằm cạnh bờ sông, Năm Từ ngồi trên ghế bố hút thuốc trong bóng tối mà vẫn thấy rõ đám cháy như đang nhìn ngay trước mặt . 
  
Tiểu Tử