Thursday, January 27, 2011

Hạt bụi vĩ đại


BSThe-phunhan-bv.jpg

Bác sĩ Nguyễn Văn Thế và phu nhân trong bệnh viện – ảnh: Gia đình cung cấp.
Hoàng Thanh/Viễn Đông
(Kính tặng bác sĩ Nguyễn Văn Thế và gia đình – Cầu chúc bác sĩ sớm bình phục)

Ngày đầu năm mới, tôi ghé thăm cô dượng Ba. Lâu ngày không gặp, cô cháu ngồi tâm sự cả tiếng đồng hồ. Cô than rằng dạo này sức khỏe Dượng Ba sa sút quá, thành thử cô phải ở nhà chăm sóc Dượng 24 trên 24, không dám đi đâu cả. Tôi cũng khuyên cô nên biết tự lo cho mình, chứ lỡ cô ngã bệnh thì ai lo cho dượng. Nghe nhắc đến sức khỏe, đột nhiên cô bảo tôi: “À, con có nghe tin bác sĩ Thế bệnh nặng không? Hổng biết ổng ra sao rồi, mấy ngày đầu năm cô đi chùa nhờ mấy Thầy tụng kinh Dược Sư cho bác sĩ sớm tai qua nạn khỏi. Bác sĩ mà có mệnh hệ gì là khu Bolsa này cả ngàn người khóc đó con ơi...”. Thật tình tôi chưa được gặp bác sĩ Thế, nhưng từ lâu tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện về tấm lòng nhân ái của bác sĩ dành cho bệnh nhân và những người nghèo. Người thì nói rằng, “Bác sĩ là Bồ Tát”. Kẻ khác thì bảo, “Bác sĩ thật vĩ đại”. Thế là tôi quyết định tìm gặp vị lương y như từ mẫu này...
* Niềm mong nhớ của mọi người
Mười giờ sáng tôi đến văn phòng bác sĩ Thế trên đường Bolsa. Cửa đóng. Trên cửa có ghi hàng chữ: “Bác sĩ sẽ trở lại làm việc ngày 4 tháng 2 là Mùng Hai Tết”. Tôi gặp hai người phụ nữ dường cũng đang đứng đọc tờ thông báo, trên đó ghi rõ tên và số phone của hai người bác sĩ khác để bệnh nhân tiện liên lạc khi cần phải khám bệnh ngay. Người con gái trẻ bảo mẹ: “Vậy mình gọi một trong hai ông này lấy hẹn đi, Mẹ”. Bà mẹ không chịu: “Thôi, tao đợi ông Thế hà. Đâu phải bệnh cấp cứu gì đâu mà phải gấp. Tao đợi bác sĩ trở lại, tao tới khám rồi sẵn cám ơn ổng luôn. Đời này có ai tốt bằng ổng chứ?”. Tôi bước lại gần, nhỏ nhẹ hỏi: “Bác và chị đây là bệnh nhân của bác sĩ?”. Người phụ nữ gật đầu và nói một hơi: “Cả nhà tui đi ông Thế hơn hai chục năm rồi. Ổng tốt lắm cô ơi. Người nghèo không có tiền ổng khám free, rồi còn chích thuốc không lấy tiền nữa chứ. Hỏi cô xứ này ai làm được như bác sĩ. Bởi vậy tuy là tui có bảo hiểm, tui nhứt định đi khám bác sĩ hà, không đi đâu hết. Cầu cho bác sĩ mau khỏe, chứ ổng mà bị gì thì...”. Giọng bà nghẹn lại. Cô con gái cắt ngang: “Mẹ, giữa đường giữa sá mà Mẹ làm gì kỳ vậy? Có gì thì về nhà rồi Mẹ tha hồ khóc...”. Chị quay qua tôi: “Mẹ em quý bác sĩ lắm. Nhà em ba đời rồi đều đi bác sĩ Thế hết đó. Thiệt tình cái câu ‘Lương y như từ mẫu’ thì trường hợp bác sĩ không hề sai chút nào...”.
Khi ấy có một người đàn ông đến dòm dòm vào khe cửa. Người ông trông có vẻ khắc khổ, ốm và đen, tôi đoán chừng khoảng năm mươi tuổi. Tôi bắt chuyện: “Chú là bệnh nhân bác sĩ Thế?”. Người đàn ông lắc đầu. Tôi chỉ vào tấm bảng trên cửa và nói: “Đây có ghi là văn phòng sẽ mở cửa lại ngày 4 tháng 2, khi bác sĩ khỏe hẳn”. Ông ta nhìn tôi: “Tôi biết. Tôi cũng không cần khám bệnh, mỗi ngày tôi chỉ ghé qua xem bác sĩ có bình phục sớm và trở lại làm việc không, tại tôi có hứa là sẽ mời bác sĩ đi ăn tô phở”. Thấy tôi ngạc nhiên, ông tiếp: “Tôi mất việc làm từ mấy năm nay. Vợ bỏ, nhà thì không có, nhiều lúc chán đời muốn tự tử cho xong. Nghe nhiều người nói, nên tôi cũng ‘mặt dày’ đến xin tiền bác sĩ để sống đỡ qua ngày. Bác sĩ không những cho tụi tôi, mà lại còn khuyên tôi ráng sống. Bác sĩ cứ đùa: ‘Mấy chú mà có việc làm là phải đãi tôi đấy nhé’, tôi biết là bác sĩ muốn khuyên chúng tôi đừng nản chí. Cuối tháng 11, tôi xin được việc làm trong chợ, muốn mời bác sĩ một tô phở đền ơn, mà ai ngờ...”. Ông dợm bước đi. Tôi gọi lại: “Chú, à, anh... Anh tên gì vậy anh?”. Người đàn ông với làn da sạm nắng quay lại, cười buồn: “Nhà còn không có, thì cần gì một cái tên, hở chị?”...
* “Bồ Tát” giữa đời thường
Nỗi tò mò về người bác sĩ này càng nhiều, khiến tôi bấm chuông. Cô thư ký bước ra, bảo rằng văn phòng tạm đóng cửa vì bác sĩ đang dưỡng bệnh. Tôi xin phép hỏi cô vài câu về bác sĩ. Cô Tâm chia sẻ: “Cô làm phụ tá (medical assistant) cho văn phòng này gần hai mươi năm rồi. Nói về tấm lòng nhân ái của bác sĩ thì không đủ giấy mực đâu con. Gia đình cô đạo Phật, nên nếu phải dùng một danh từ ngắn gọn để nói về bác sĩ, thì cô phải dùng hai chữ ‘Bồ Tát’, vậy là đủ. Bác sĩ thực sự là một Bồ Tát giữa đời thường đó con à. Bao nhiêu năm qua, chính cô là nhân chứng cho tấm lòng của ông. Hầu như ngày nào bác sĩ cũng làm cho đến khi hết bệnh nhân rồi mới về. Trưa tới giờ cơm mà còn khách đợi, là bác sĩ  nán lại khám cho hết, làm mấy cô cũng ráng chịu đói luôn đó”. Cô Tâm cười. “Có lúc gần 6 giờ chiều sắp đóng cửa, thì phone reng: ‘Bác sĩ ơi, bác sĩ làm ơn đợi tui chút được hôn? Cháu nó nóng quá, ho khò khè nữa. Tui chạy tới liền, xin bác sĩ làm ơn khám giúp cho cháu...’. Thế là bác sĩ đợi. Mà đâu phải bệnh nhân chạy đến liền đâu con, ‘lại liền’ mà họ nói sớm lắm cũng là hai, ba chục phút, mà bác sĩ vẫn vui vẻ đợi. Rồi có khi người bệnh tới, không có tiền trả, bác sĩ khám không lấy tiền, còn chích thuốc cho cháu bé free, vậy mà ra về ổng vẫn vui. Bởi vậy mà các cô ở đây gọi bác sĩ là Bồ Tát không hà...”.  
* Người tiểu đoàn trưởng tận tụy
Tốt nghiệp bác sĩ năm 1964, chàng trai Nguyễn Văn Thế tình nguyện gia nhập vào lực lượng Thủy Quân Lục Chiến và làm việc như một bác sĩ quân y. Với tinh thần tận tụy phục vụ, nên chẳng bao lâu, anh thanh niên trẻ đã được lên chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng của Tiểu Đoàn Quân Y. Với bản tính thương người và luôn luôn hết lòng tận tụy với bệnh nhân, nên vị bác sĩ tiểu đoàn trưởng luôn luôn được anh em trong binh chủng, cả thượng cấp lẫn đồng đội yêu quý.
Bac-Si-quan-y-Nguyen-Van-Th.jpg
Bác sĩ quân y VNCH Nguyễn Văn Thế – ảnh tài liệu gia đình.
Năm 1960, anh lập gia đình với  người con gái giản dị và cùng có tấm lòng nhân ái như anh. Hạnh phúc của đôi uyên ương được đánh dấu bằng sự ra đời của ba đứa con, hai gái, một trai.
* Hạnh phúc gia đình
Chị Lan - người con gái lớn của bác sĩ hồi nhớ lại kỷ niệm ngày xưa: “Thời đó, ai mà ở vào địa vị của Ba mình thì đều giàu lắm, chức vị cao, lại là bác sĩ, vậy mà Ba mình chưa hề bao giờ nhận hối lộ của ai cả. Bởi vậy mà... nhà mình vẫn cứ nghèo”. Chị cười, “Nhớ mỗi ba tháng khi Ba được về nhà (bác sĩ ba tháng đi hành quân, ba tháng được về Sài Gòn với gia đình), cả nhà vui như Tết. Chiều nào Ba cũng đến đón mình bằng chiếc xe Lambretta nhỏ cũ kỹ, trong khi thiên hạ ai cũng có xe hơi riêng, vậy mà hai cha con cứ giỡn vui lắm. Ba chọc mình, ‘Con vịn chặt nhe, ba lạng à nha’. Lúc đó vòng tay mình nhỏ xíu, ôm chưa đủ nửa vòng eo của ba, vậy mà mình khoái lắm, còn ‘thách’ ba nữa chứ, ‘Đố ba lạng đó, con hổng sợ đâu’, rồi hai cha con cứ cười giòn giã suốt đoạn đường về nhà”. Chị lại cười: “Nhớ ngày xưa mình hay đứng chờ Ba ở khu phố Catinat, nhớ sáng Chủ Nhật Ba chở cả nhà đi nhà thờ Đức Bà. Nhớ ghê đi...”.
Rồi chị Lan tiếp: “Có lần Ba đi hành quân lâu hơn bình thường, Mẹ và mấy chị em nhớ quá nên ra thăm. Khi ấy tiểu đoàn của Ba đóng đô ở Hương Điền (Huế), khi ra thăm thì được biết đã có nhiều chiến sĩ tử trận. Mẹ lo cho Ba lắm, còn Ba thì cứ cười tươi an ủi Mẹ, ‘Em đừng lo, ra trận đạn nó tránh anh không hà, nhiều khi anh nghe đạn bay vèo vèo bên tai vậy đó, mà có sao đâu nè. Con người có số mà, anh không sao đâu’”.
* Kỷ niệm đời binh nghiệp
Nhắc về một kỷ niệm khó quên của bác sĩ Thế ở Tiểu Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, chị Lan kể: “Khi lớn lên, mấy chị em mình nghe Ba nói về một câu chuyện đáng nhớ trong cuộc đời binh nghiệp của Ba. Lần đó trước khi ra trận, có hai anh chiến sĩ cứ bịn rịn mãi bên Ba. Hai anh đó nói, ‘Bác sĩ ơi, không biết khi nào hết chiến tranh để mấy em về nhà luôn, hở bác sĩ? Nhớ nhà quá’. Ba mình an ủi, ‘Rồi thì sẽ đến ngày đó thôi, mấy chú à’. Hai anh lại nói: ‘Lần này ra trận, không hiểu sao tụi em lo quá, không biết có còn gặp lại vợ con không’. Ba mình có hơi ngạc nhiên, vì hai chú này nổi tiếng là dũng cảm, sao nay lại nói như vậy, nhưng Ba cũng an ủi khuyến khích, ‘Đừng lo, mấy chú sẽ gặp gia đình mà. Xong trận này hai chú được về phép, tha hồ dẫn vợ con đi chơi’. Vậy mà chỉ chừng hơn một tiếng đồng hồ sau, thì Ba nghe tiếng đạn nổ đùng đùng về hướng ấy, và Ba nhận ngay được tin là hai chú này bị thương rất nặng. Thế là Ba có mặt ngay. Ba mình kể, ‘Chú An bị thương ở chân, còn chú Nam bị ở bụng, máu chảy đầm đìa. Nhìn hiện trạng, Ba biết là khá nguy kịch, nên gọi ngay trực thăng đến để chở hai chú về trạm quân y. Trong khi chờ đợi, Ba làm các thao tác cấp cứu cho hai người. Một chú mở mắt, nói trong hơi thở yếu ớt, ‘Em có còn hy vọng không bác sĩ?’, còn chú kia thì thều thào, ‘Em sắp ‘đi’ phải không, bác sĩ nói thật cho em nghe’. Ba nói, ‘Hai chú còn khỏe, tui sẽ cứu hai chú, đừng lo’. Nói vậy chứ trong lòng, Ba đã biết là khó lòng qua khỏi. Trực thăng vẫn chưa đến thì chú An tắt thở, khi mắt vẫn không nhắm. Ba quặn lòng vuốt mắt cho chú, trong khi chú Nam thì đã nguy kịch lắm rồi, mạng sống chỉ còn trong gang tấc. Anh phụ tá quân y bảo Ba, ‘Có lẽ mình nên gọi hủy bỏ chuyến trực thăng, anh ạ. Thằng Nam sắp chết rồi, không qua khỏi nổi đâu, mà gọi trực thăng khẩn cấp vậy, tốn kém lắm’. Ba bảo, ‘Không. Còn nước còn tát’. Khi trực thăng tới, vừa được khiêng lên máy bay, thì chú Nam tắt thở, khi hai bàn tay vẫn cứ nắm chặt tay Ba. Ông cố vấn người Mỹ hơi có ý trách, quay sang bảo Ba, ‘Sao anh biết là không cứu được, mà anh vẫn gọi chúng tôi?’. Ba đáp, ‘Với các anh, thì chỉ là một sự bất tiện, mất thời gian, hay ít nhiều tiền bạc. Còn với chúng tôi, thì là cả một mạng sống, một cuộc đời. Và với vợ con anh ấy, thì là cả một niềm hy vọng, dù rằng rất mong manh. Và dù có ra đi, thì chỉ có cách này là có thể chuyển xác hai anh ấy về với gia đình sớm nhất. Vợ con họ đang mong mỏi chờ ngày anh ấy được về phép’. Ông Mỹ cúi đầu, lặng thinh”.
* “Lương y như từ mẫu”
Tháng Tư lịch sử, cả nước hỗn loạn. Chị Lan nói tiếp: “Gia đình mình được cho đi sang Mỹ ngày 27, bằng máy bay, trừ Ba. Ba ở lại đến giờ phút chót với anh em. Sáng 30, khi Tổng Thống Trần Văn Hương tuyên bố trên đài và tivi, thì Ba được đưa ra con tàu mang tên Đại Dương. Và rồi cả nhà gặp nhau ở Fort Chaffee, Arkansas”.
Chị kể: “Ba mình yêu nghề lắm. Ba thường nói: ‘Bệnh nhân là một phần không thiếu được của cuộc đời Ba’, vì vậy vừa qua Mỹ là Ba học lấy bằng bác sĩ lại ngay, và Ba là một trong vài người Việt Nam ít ỏi có bằng bác sĩ ngay sau năm 1975. Sau khi mình lập gia đình và dọn về Cali với chồng, Ba Mẹ bèn dọn về Cali luôn cho cả nhà đoàn tụ”. 
Văn phòng bác sĩ Nguyễn Văn Thế trên đường Bolsa ra đời năm 1984, và vẫn còn ở đó cho đến nay.
Chị Lan cho biết, “Ba mình hay tâm sự: ‘Người Việt mình nghèo, cầu bơ cầu bất ở xứ người, nên không có tiền Ba cũng khám cho họ, nghèo thì Ba chích thuốc không lấy tiền. Tiền bạc không phải là tất cả đâu các con. Có rất nhiều thứ mình không mua được bằng tiền. Ngày xưa đã từng ra trận rồi Ba mới hiểu, mạng sống con người mong manh lắm, nên còn sống mà mình làm được điều gì cho mọi người, các con hãy nên làm’”.
Tình cờ chị Lan nhớ lại mẩu chuyện vui: “Nhiều hôm đi làm về, thấy Ba móc túi ra một xấp toàn tiền giấy một đồng (1 dollar), có tờ cong queo, có tờ nhàu nát nữa chứ. Các con hỏi thì Ba nói, ‘Mấy người bệnh nhân nghèo quá, Ba khám không lấy tiền. Nhưng có lẽ họ ngại, nên có người đưa Ba hai đồng, ba đồng... tượng trưng, Ba nhận để họ vui và đừng mặc cảm. Các con thấy không, một hai đồng bạc chẳng là bao, nhưng tấm lòng của họ, với Ba mới là quý’. Mẹ mình thì chỉ cười, nhưng nhìn mắt Mẹ, tụi mình biết là Mẹ vui lắm, vì suốt cuộc đời Mẹ luôn luôn sát cánh bên Ba trong mọi việc, nhất là làm từ thiện...”.
* Tiếng lành đồn xa
Tôi chợt nhớ hay nghe cô dượng Ba và các cô chú quen thường mách bảo mọi người: “Bệnh hả? Ra văn phòng ông Thế ở Bolsa nè”. Có lần cô em họ tôi, tên Thảo - mới ở Việt Nam qua bị bệnh, nên thắc mắc hỏi bà cô: “Văn phòng bác sĩ ở địa chỉ nào cô?”. Bà cô tôi nói ngay: “Cần gì địa chỉ, cứ ra khu Phước Lộc Thọ mà hỏi, bất cứ người qua đường nào là ai cũng biết hết. Ông Thế ở đó gần hai chục năm rồi chứ ít sao”. Thế mà cô em họ tôi làm thiệt. Thảo “lớ ngớ” ra Phước Lộc Thọ, thấy bác nọ mặt hiền hiền, nên cô ta đến hỏi thăm. Vậy mà bác nọ nhiệt tình dẫn Thảo đến tận nơi, vừa đi vừa “quảng cáo” nữa chứ: “Ông Thế nổi tiếng là nhân đức lắm cháu ơi, cả đời hai vợ chồng cứ lo làm từ thiện, quận Cam này ai mà không biết”...
Nhắc đến các bệnh nhân, chị Lan nói, “gia đình mình có thể kể hoài không hết chuyện”. Chị Lan khôi hài tâm sự: “Hồi đó khi ông xã mình tập sự ngành y ở Philadelphia, nên hằng năm mùa Giáng Sinh nào cả nhà cũng tập họp nhau ở bển. Tính Ba thì nhà mình ai cũng biết rồi, cứ làm cho đến ngày chót, khi nào hết bệnh nhân mới chịu đi. Những dịp lễ là bệnh nhân mang đồ đến tặng Ba, đồ ăn ở nhà làm, họ đem lại biếu bác sĩ. Có hoa, có thiệp, bánh mứt... thứ gì cũng có. Ba quý lắm, Ba bỏ hết vô 9, 10 thùng, cộng thêm hai valise quần áo, đồ dùng cá nhân, rồi Ba Mẹ mang ra phi trường gửi hành lý. Quà bệnh nhân tặng là Ba không bỏ lại món nào cả, đến nỗi ông nhân viên cân hành lý quen mặt Ba luôn. Ổng hỏi: ‘Ông mang gì mà dữ vậy? Bộ ở bển không có để mua sao?’. Ba cười, nói đùa với ông ta: ‘Đúng rồi, bệnh nhân tui tặng thì ở đâu mà mua được, tui mang qua đó cho các cháu nó vui, rồi cả nhà cùng ăn với nhau’”.
* Thương người như thể thương thân
Khi tôi hỏi chị Lan về các việc làm từ thiện của ông bà bác sĩ Thế, thì chị đáp: “Đâu có gì đâu mà kể. Với Ba Mẹ mình, thì điều đó là... chuyện phải làm và đương nhiên thôi. Ba hay nói, ‘Ngày xưa đạn đã tránh Ba, thì bây giờ Ba phải làm được chút gì đó cho cuộc đời chứ’, nên mình thấy cũng chẳng có gì phải kể”.
Vì tôi nghe thiên hạ nói rất nhiều về các việc làm từ thiện của vợ chồng bác sĩ, nên tôi hỏi chị Lan. Chị xác nhận: “Đúng, Ba Mẹ mình hằng tháng đều gửi tiền về giúp các cô nhi viện ở Thị Nghè, giúp các trại nuôi trẻ khuyết tật, các ‘sơ’ ở Việt nam. Bên này thì Ba Mẹ giúp Hội Thương Phế Binh, Hội Bạn Người Cùi, Hội Thủy Quân Lục Chiến... kể không hết đâu. Chùa, nhà thờ, hội đoàn, các tổ chức từ thiện, hễ ai nghèo, ai khổ thì Ba Mẹ giúp... Nhưng thôi, nói ra mà Ba biết là Ba rầy mình cho coi”...
Tôi ngần ngừ, nhưng rồi cũng mạnh dạn hỏi chị: “Tôi có nghe là bác sĩ giúp những người homeless, cho tiền giúp họ sống, có đúng không chị?”. Chị Lan gật đầu: “Ba mình hiền lắm, thấy ai nghèo khổ là thương. Nhiều người sa cơ thất thế, không việc làm, Ba mình đều giúp. Người nọ bảo người kia, nên chiều nào cũng có người chờ Ba về, xin Ba giúp. Ba cho tiền, nhưng cũng khuyên họ phải cố gắng lên, đừng nản chí và đừng bao giờ tuyệt vọng”.
* Không may...
“Chị Lan à, thời gian qua, cả vùng này ai cũng nghe tin bác sĩ bệnh nặng, chị có thể cho biết về sức khoẻ của bác sĩ hiện giờ ra sao không?”
“Mình nhớ rõ chiều hôm đó là ngày Veterans Day 11-11-2010, Ba cũng ráng ngồi khám cho hết người bệnh cuối cùng rồi mới về, mặc dù sau này Ba kể là đã thấy mệt trong người. Khi ra xe, Ba đi không nổi, nên cô Tâm phụ đỡ Ba. Về nhà, Ba mệt lắm, nhưng cứ nói, ‘Chắc không sao’ để trấn an mọi người. Qua hôm sau thì Ba hết chịu nổi, gia đình đưa Ba vào emergency. Bệnh viện chụp hình MRI, cho biết là Ba bị nhiễm trùng trong xương sống và phải mổ liền, nếu không vi trùng lan ra thì sẽ nguy hiểm tới tánh mạng. Gia đình mình có nhiều người làm trong ngành y, nên sau khi hội thảo, cả nhà đồng ý mổ. Rất mừng là ca mổ đã thành công. Bác sĩ điều trị cho biết là Ba cần phải dưỡng bệnh từ 6 đến 8 tuần, sau đó phải tập vật lý trị liệu vài tháng, và để hồi phục hoàn toàn, thì cần một thời gian dài”.
* “We love you”
Cô bé Tiffany, 17 tuổi, nói với tôi bằng chút vốn liếng tiếng Việt “nửa nạc nửa mỡ” - nhưng rất dễ thương, mà cô học được từ hồi tấm bé: “Bà ngoại ẵm Tiffany to see bác sĩ khi Tiffany 2, 3 tuổi. Cả nhà Tiffany ai mà bệnh cũng go to see bác sĩ. Tiffany miss bác sĩ very much. We love you, Doctor Thế. I pray for him every day”...
* Nỗi nhớ bệnh nhân...
Giờ thì Ba mình đã rời bệnh viện và đang trong thời gian làm vật lý trị liệu, nhưng Ba nhớ phòng mạch và các bệnh nhân lắm. Ba quyết định sẽ trở lại làm việc ngày 4 tháng 2, đúng vào mồng Hai Tết, vì Ba bảo: “Phải có mặt ngày đầu năm để gặp lại các bệnh nhân của Ba chứ”. Thương lắm, lúc nào Ba cũng vui, cũng cười, ngay cả lúc sắp lên bàn mổ mà Ba cũng cười để cả nhà yên tâm”.
Chị Lan đưa tôi xem các bức ảnh chụp bác sĩ đang ngồi trên chiếc giường trong bệnh viện, bên cạnh là phu nhân của ông. Trông bác sĩ thật tươi với nụ cười trên môi. Nhìn vào gương mặt đó, với nụ cười bao dung, nhân hậu, làm tôi chợt thấy thấm thía ý nghĩa hai chữ “lương y”. Nhớ câu nói hôm nọ của bà cô tôi: “Bác sĩ Thế thật sự là người mẹ hiền của mọi bệnh nhân. Bác sĩ mà có bề gì thì đời này chưa chắc ai khác đã thay thế được...”.
Tôi xúc động khi nghe cô Tâm nói: “Không có bác sĩ thì bao nhiêu người đã chết vì không tiền, vì nghèo đói, vì bệnh tật, vì mặc cảm và cô đơn...”.
* Hại bụi cuộc đời...
Chú Kiên - qua Mỹ từ 5 năm nay, theo diện HO, buồn buồn nói: “Ông Thế tốt với bệnh nhân lắm. Lúc mới qua Mỹ, làm gì có tiền, nghe bà con chỉ, kẹt quá tôi cũng có đến khám bác sĩ. Ổng không lấy tiền. Hồi năm ngoái tôi ly dị, mất việc, chán đời quá nên bị trầm cảm, bác sĩ có nói với tôi rằng: ‘Chú nhớ ngày xưa đi đánh giặc không? Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, vậy mà mình vẫn sống. Chú phải mừng mới phải. Bên cái chết mình phải biết cám ơn cuộc sống. Cái khổ, cái nghèo, sự cô độc... chưa phải là dấu chấm hết của cuộc đời. Chỉ khi nào kề cận bên cái chết mỗi ngày, thì mình mới nhận ra rằng, tất cả những điều mà mọi người đang cho là khổ, thật sự chỉ là những hạt bụi nhỏ trong cuộc đời. Hạt bụi có thể vô tình rơi vào mắt ta, nhưng đôi lúc chỉ cần một cái nháy mắt, hay khi con người ta biết cách rửa mắt, thì đôi mắt mình vẫn trở lại tinh anh và trong sáng. Cố gắng lên chú, hãy sống như thể ngày mai sẽ chết, và vì vậy, ngày nào có ra đi, mình sẽ không hối tiếc, vì mỗi một ngày mình đã thật sự sống’”. Ngừng một chút, chú tiếp: “Bởi vậy mà tối nào tôi cũng cầu Chúa che chở cho bác sĩ. Nếu không có ổng, thì có lẽ ngày hôm nay tôi đã không còn sống...”.
Hai tiếng “Hạt bụi” trong câu chuyện của chú Kiên, khiến tôi chợt nhớ đến lời của bài hát - mà cả một thời ai cũng biết:
... Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi, cát bụi phận này
Mặt trời soi một kiếp rong chơi ...
Tần ngần, tôi quay nhìn lại một lần nữa tấm bảng hiệu “Văn phòng bác sĩ Nguyễn Văn Thế”. Phải, nơi căn phòng nhỏ bé này đã có một vị lương y chưa một ngày rong chơi nhàn nhã. Cuộc sống ông luôn luôn gắn chặt với các bệnh nhân và những con người bất hạnh. Như mọi chúng ta - cũng một kiếp người, bác sĩ tuy chỉ là một hạt bụi nhỏ giữa đời thường, nhưng ông thật vĩ đại - vì ông đã biết mang tình yêu thương rộng lớn đến với mọi người...
Mong rằng mỗi chúng ta hãy sống sao cho xứng đáng, để mai này nếu có ra đi, thì sẽ có nhiều giọt nước mắt nhỏ xuống tiếc thương cho một hạt bụi...
© ViễnĐôngDailynews


Wednesday, January 26, 2011

Cô Con Gái Quá Giang Đêm Mồng Một Tết

    Chiếc thuyền nhỏ mang theo hơn năm mươi người, một nửa là đàn bà và con nít, ra khơi hai ngày thì gặp bão. Chúng tôi may mắn được một chiếc tàu chuyên chở dầu hỏa của Nauy trên đường từ Nhật sang Singapore cứu vớt. Hai ngày sống trên tàu chúng tôi có cảm giác như đang ở trên một thiên đàng. Tất cả đều được tận tình hỏi han chăm sóc. Chúng tôi cảm thấy vừa mừng vừa xót xa khi nhận ra thế gian này vẫn còn có đầy ấp tình người. Họ là nhừng kẻ xa lạ, không cùng màu da, màu tóc, không cùng ngôn ngữ, mà lòng thông cảm yêu thương họ đã dành cho chúng tôi lớn lao biết đến dường nào. Trong lúc những "người anh em" cùng một nhà thì lại hành hạ đuổi xô chúng tôi đến bước đường cùng để phải đành lòng bỏ nước mà đi. Với ân tình đó chúng tôi chọn Vương quốc Na Uy là quê hương thứ hai để gới gấm phần đời còn lại của mình và vun đắp tương lai cho mấy đứa con nhỏ dại.
Sau gần một năm ở trại tị nạn, gia đình chúng tôi được đi định cư. Khi bầu đoàn thê tử như một bầy nai vàng ngơ ngác bước xuống phi trường Oslo, được nhiều người đón tiếp, trong đó lại có cả mấy ông nhà báo và đài truyền hình nhà nước phỏng vấn, quay phim. Gốc nhà quê, nên tôi cũng chẳng biết họ quay phim để làm cái gì. Trước khi về nhà, chúng tôi còn được mời vào một nhà hàng Tàu, và tha hồ gọi bất cứ thức ăn nào mình thích.
Đến khi bước vào ngôi nhà, được bà trưởng phòng xã hội trao cho một chùm chìa khóa, dẫn đi một vòng xem phòng ốc đã được trang trí xong nội thất, cái bếp và cả cái tủ lạnh có sẳn đầy đủ thức ăn nước uống, một cái TV màu. Mọi thứ đều mới tinh. Sáu đứa con và hai đứa cháu họ của tôi thì ngồi mân mê mấy cái bàn học, và mấy cái ba lô có đầy đủ sách vở trong đó. Trước khi ra về bà giới thiệu chúng tôi một cô nhân viên của bà, và một cô giáo ở lại hướng dẫn chúng tôi xử dụng mọi thứ tiện nghi trong nhà, và mỗi ngày sẽ đến đưa gia đình chúng tôi đi mua sắm, khám bệnh, làm răng, còn cô giáo thì đặc trách lo việc học hành cho mấy đứa nhỏ. Khi tất cả ra về, tôi nằm dài dưới sàn nhà và chợt khám phá ra rằng mình quả là may mắn được đến định cư ở một nước Bắc Âu xa lạ nhưng thơ mộng và có quá rộng tấm lòng này, mà lúc xuống biển ra đi chắc chẳng có ai bao giờ nghĩ tới.
Buổi tối, cơm nước xong, cả nhà quây quần trước cái TV. Thằng con trai lớn ra điều mới học được văn minh, bấm tới bấm lui tìm đài. Cả đám bất ngờ nhìn thấy dung nhan của mình trên màn ảnh. Thì ra chương trình phóng sự. Họ đang kể về gia đình chúng tôi, "những công dân mới của Nauy, mà ông bố đã từng ở tù nhiều năm, giống nhiều người Nauy bị nhốt trong các trại cải tạo của Đức quốc xã, cái thời Hitler làm mưa làm gió ở Âu Châu, và đã can đảm dắt theo sáu đứa con và hai đứa cháu nhỏ vượt đại dương trên một chiếc thuyền đánh cá mong manh". Nghe họ ca ngợi mình mà tôi xấu hổ. Dù gì tôi cũng là kẻ bỏ nước tha hương, với họ, ít nhiều gì cũng là một cành tầm gởi. Còn chuyện vượt biển, vượt biên, đến bước đường cùng thì ai cũng phải liều mạng thế thôi, chứ có hàng triệu người còn can đảm gấp vạn lần tôi. Nhiều người đi bằng đường bộ, trèo núi, băng rừng, lội suối, bơi sông, qua Cam Bốt, Thái Lan, để vài năm sau mới đến được Singapore. Và dĩ nhiên đã có biết bao nhiêu người chẳng bao giờ tới bến.
Cũng vì cái chương trình phóng sự bất ngờ này, mà sau đó, mỗi ngày gia đình chúng tôi phải tiếp nhiều người khách không mời, và nhận đủ thứ quà. Trong số đó, đặc biệt có một người đàn bà Việt Nam, mà lúc bà mới bước vào nhà, chúng tôi cứ tưởng là người Nhật, hay là người Tàu gì đó, khi nhìn thấy cái vẻ quí phái đặc biệt của bà. Tôi nghĩ có lẽ không có người Việt Nam nào sống ở cái xứ Bắc Âu xa lạ này từ lâu để có được nét đẹp của một người con gái đông phương pha lẫn âu tây ở cái tuổi còn trẻ như bà. Sau đó tôi bất ngờ thú vị khi bà tự giới thiệu tên là Huyền-Trân Thomassen, hiện là giảng sư môn nhân chủng xã hội học taị trường đại học Oslo, chồng bà là người Nauy, hiện đang làm đại sứ tại Mexico. Bà không muốn bỏ nghề bà yêu thích, hơn nữa bà vẫn còn tiếp tục nghiên cứu về ngành này, nên không theo chồng mà ở lại Nauy với hai đứa con. Lúc nhỏ bà theo cha sang sống ở Thụy Sĩ, khi cha bà là đại sứ của VNCH tại đó. Người chồng của bà, cũng thuộc một gia đình có truyền thống ngoại giao. Cha của ông cũng một thời là đại sứ của Nauy tại Thụy Sĩ. Hai người con của hai ông đại sứ quen nhau từ khi học chung một trường trung học và làm đám cưới sau khi tốt nghiệp đại học tại thủ đô Bern, một năm trước khi miền Nam Việt Nam thất thủ.
Tôi rất ngưỡng mộ người đàn bà trẻ này. Rời Việt Nam từ lúc 12 tuổi, nhưng bà nói tiếng Việt rất lưu loát, hiểu biết rất nhiều về văn học Việt Nam, từ truyện Kiều của Nguyễn Du, đến bài thơ Hai Sắc Hoa TyGôn của TTKH. Điều đặc biệt hơn hết là bà rất quí mến và giúp đỡ tận tình người đồng hương. Gia đình tôi cũng mang nặng khá nhiều ơn nghĩa của bà.
Những ngày sống hạnh phúc ở quê người, nhìn con cái ngày một lớn lên và đang có cả một bầu trời xanh bao la trước mặt, lúc nào tôi cũng chạnh lòng nhớ lại cái thời mình khốn khó và những bạn bè xưa. Tôi thấy mình nợ nần nhiều người mà không biết làm sao trả được. Trong số này, người mà tôi thường nghĩ tới nhiều nhất và ân hận chẳng giúp được điều gì là Nguyễn Thượng Tâm, người đồng đội và cũng là đứa em kết nghĩa của tôi.
Tâm ra trường sau tết Mậu Thân. Về trình diện đơn vị tôi khi vừa tròn 18 tuổi. Măc dù còn rất trẻ, nhưng đuợc đào tạo từ lúc còn nhỏ tại trường Thiếu Sinh Quân nổi tiếng ở Vũng Tàu nên Tâm là một hạ sĩ quan gương mẫu trong kỷ luật và gan dạ trong chiến trường. Tâm hiền lành và rất ít nói. Nhưng không phải vì vậy mà tôi trở thành thân thiết với Tâm và hai thằng kết nghĩa anh em, nếu không có buổi sáng mồng một Tết năm 1969, khi đơn vị chúng tôi tạm dừng quân trong một ngôi làng hoang đổ nát nằm sâu giữa những động cát nơi giáp ranh hai tỉnh Bình Thuận và Bình Tuy lúc trước.
Dù đang hành quân, nhưng biết hôm nay là mồng một Tết, tôi thức dậy thật sớm, thay bộ đồ trận mới, đi một vòng chúc tết anh em. Ngày đầu năm, nằm giữa một khu hoang tàn không một bóng người, chắc ai cũng chạnh lòng nhớ tới gia đình. Chiếc radio từ một căn lều poncho nào đó đang phát ra tiếng hát nỉ non của ca sĩ Duy Khánh, trong bản nhạc Xuân Này Con Không Về của Trịnh Lâm Ngân, làm lòng tôi càng thêm lắng xuống. Đến cuối ngôi làng, tôi bỗng giật mình khi nghe tiếng sụt sùi. Lại gần tôi mới nhận ra Tâm. Anh ta đang quì lạy trước một cái bàn thờ được kê bằng cánh cửa sổ của căn nhà nào sập xuống. Trên bàn thờ dã chiến, tôi thấy có mấy cái hoa rừng cấm trong cái bi đông nước, hai bát cơm bằng gạo sấy và một lon guigoz có lẽ chứa nước trà hay canh nấu bằng lá giang hay lá tàu bay gì đó. Tâm khấn vái một lúc, quay lại bất ngờ nhận ra tôi. Tâm đưa tay chào và cũng như mọi khi, không nói một lời nào. Có lẽ Tâm biết là tôi đã đứng im lặng ở đây từ lâu lắm. Tôi bước tới nắm chặt tay Tâm, kéo anh đứng lên. Tâm vội rút tay ra lau nước mắt. Tôi đến trước bàn thờ vái một vái, rồi vỗ vai Tâm
- Em cúng bố mẹ à. Sao đầu năm mà buồn quá vậy em
- Không, bố em còn ở ngoài Bắc, em không biết là còn sống hay đã chết. Mẹ em thì đã qua đời lúc em còn bé lắm. Nhà em ở tận Ý Yên, nhưng bố em đi làm xa, nên phải gởi hai anh em em xuống nhà ông chú ở Hà Nội học, rồi theo gia đình chú ấy xuống tàu há mồm vào Nam luôn.
- Còn anh của em bây giờ ở đâu? Tôi hỏi.
- Anh ấy chết rồi. Anh là sĩ quan thủy quân lục chiến, tử trận đúng ngày mồng một tết Mậu Thân ở ngay Sàigòn  Hôm nay là giổ đầu của anh ấy.
- Anh em tên gì?
- Nguyễn Thượng Minh, khi chết anh vừa mới lên trung úy.
Tôi giật mình. Cái tên Nguyễn Thượng Minh làm tôi nhớ ngay đến một thằng bạn cùng tên hồi còn tiểu học. Tôi hỏi Tâm:
- Vậy có phải em là cháu của thầy giáo Nguyễn Thượng Cầu?
- Dạ phải, nhưng chú Cầu đã chết lâu rồi. Tâm trả lời rồi nhìn tôi ngạc nhiên.
Năm 1954, tôi đang học lớp nhì trường huyện Vạn Ninh. Nhập học được vài tháng, thì thầy hiệu trưởng Nguyễn Công Tố dắt ba đứa học trò lạ vào lớp giới thiệu với cô giáo Kiệt rồi dặn dò đám học trò chúng tôi :
- Hôm nay trường nhận thêm những em học trò mới, trong đó có ba em vào lớp này. Tất cả các em phải biết yêu thương và giúp đỡ những người bạn này, vì họ đã vừa phải bỏ quê hương, gia đình ngoài miền Bắc, di cư vào đây. Đó cũng là lời kêu gọi của Ngô Thủ Tướng.
Hai thằng con trai và một đứa con gái cúi đầu chào cô giáo rồi quay xuống chào chúng tôi bằng thứ tiếng lạ hoắc khó nghe. Thằng lớn con nhất được cô Kiệt chỉ cho ngồi dãy bàn cuối lớp, ngay phía sau tôi.
Đến giờ ra chơi, bọn tôi bu quanh "phỏng vấn" nó đủ điều. Tên nó là Nguyễn Thượng Minh. Nó và thằng em nhỏ hơn bốn tuổi, nhà ở quê, mẹ chết sớm, ông bố đi làm xa, nên phải gởi anh em nó xuống Hà Nội ở nhà ông chú để học hành, hơn nữa ông lại là thầy giáo. Khi có lệnh di cư, ông chú không liên lạc được bố nó, nên dắt hai anh em nó xuống tàu há mồm vào Nam luôn, rồi được chính quyền phân phối đến định cư ở quê tôi, Vạn Giã, cùng với hơn mười gia đình khác. Nó bảo vài hôm nữa ông chú nó cũng sẽ được sắp xếp cho vào dạy lớp ba trường này, thay cho một ông thầy thuyên chuyển đi nơi khác.
Nó lầm lì ít nói, chắc ngại cái tiếng Bắc Kỳ xa lạ của nó. Nhưng không phải vì điều đó mà làm cho tôi ghét nó, và đã có nhiều lần đánh lộn với nó nữa. Lý do chính là nó đánh bi rất giỏi, giành mất giải quán quân của tôi trong lớp. Nó đánh bi khác với chúng tôi. Chúng tôi để viên bi lên đầu ngón tay giữa rồi bắn đi, còn nó đặt viên bi trong lòng bàn tay và bắn đi bằng ngón tay cái. Vậy mà nó ăn tôi sạch túi. Bọn tôi bảo là nó ăn gian, không được chơi kiểu bắc kỳ của nó mà phải chơi theo kiểu trung kỳ của bọn tôi. Nhập gia phải tùy tục. Nó cô đơn một mình nên chịu thua, phải trả lại cho tôi tất cả viên bi nó thắng ngày hôm đó. Vậy mà hai hôm sau nó chơi trở lại, dĩ nhiên với cái kiểu hoàn toàn mới lạ với nó, nhưng nó vẫn thắng tôi oanh liệt. Cuôc đấu bi này bây giờ không phải chỉ giữa cá nhân hai thằng: tôi với nó, mà giữa hai miền nam-bắc, cho nên học trò trai gái cả trường bu quanh làm khán giả. Tôi thua trắng tay, mất luôn chức vô địch từ lớp năm đến bây giờ. Dĩ nhiên là tôi ức lắm.
Điều ghê gớm hơn nữa, là chỉ có cuối tháng đầu tiên nó đứng hạng ba trong lớp, lên nhận bảng danh dự sau tôi, nhưng kể từ tháng thứ nhì trở đi nó đều chiếm hạng nhất. Tôi đâm ra hận nó, có nó là tôi mất tất cả. Mấy lần tôi nhại tiếng Bắc chọc quê nó, nó cũng chỉ cười, tôi nghe lời xúi của lũ bạn, bảo nó rờ sau "đít" coi có còn tòn ten cọng rau muống nào không, nó chỉ im lặng. Có lần bọn tôi xô nó ngã, nó chỉ cười, đứng dậy rồi phủi bụi trên áo quần. Tôi thua nó, nhưng cố làm ra vẻ tự mãn: "nó vẫn chỉ là một anh hùng cô đơn, không có ai chơi với nó".
Đùng một cái nó nghỉ học. Chẳng có ai biết lý do. Nhưng rồi vài ngày sau nó tới trường, nhưng không phải để học mà để bán bánh mì và cà rem. Cô giáo và bạn bè hỏi, nó khóc và bảo là bà thím, sau khi cãi vã với chú nó một trận, không nuôi hai anh em nó nữa, nó phải tự "khắc phục" để còn nuôi một thằng em nhỏ. Hôm đó bọn tôi nhiều thằng cũng khóc theo với nó. Chờ cho tất cả vào lớp, tôi ở nán lại chỉ để ôm nó và nói một lời xin lỗi về những điều đã qua. Nó nhìn tôi thân thiện, và bảo là nó chưa hề để tâm tới điều ấy. Tôi "tâm phục khẩu phục" nó. Nó còn nhỏ mà thông minh và thánh thiện hơn tôi nhiều.
Tôi bèn làm ngay một cuộc "quảng cáo" cho bánh mì và cà rem của nó, vì vậy hôm nào nó mang mọi thứ tới trường là bán sạch ngay trong giờ ra chơi buổi sáng. Sau đó tôi còn kêu gọi một cuộc lạc quyên gíup nó: gạo, tiền xu, tiền cắc, áo quần, có thằng còn mang tới cho nó cả buồng chuối và một trái mít nữa.
Rồi nó cũng được chính quyền giúp đỡ, tôi nghĩ như thế, nên vài tuần sau nó trở lại lớp học, và chỉ bán bánh mì trong giờ ra chơi. Nó vẫn học giỏi, vẫn đứng đầu lớp, nhưng lần này nó không còn là anh hùng cô đơn nữa mà nó có đông đảo bạn bè, mà thằng thân nhất chính là tôi.
Ông chú nó, thầy giáo Nguyễn Thương Cầu, cũng đã vào trường dạy lớp ba, nhưng bây giờ anh em nó không còn ở chung với ông chú nữa, mà chỉ đến thăm ông vào những cuối tuần. Có khi nó dắt tôi đi theo. Vì vậy tôi mới bíết ông thầy, chú nó sợ bà vợ Bắc kỳ còn hơn sư tử, nên chẳng dám bênh vực nhiều anh em nó, mặc dù ông rất đau lòng xót xa khi bọn nó phải dọn ra ở ké nhà một gia đình người di cư khác.
Tôi mất mẹ, cha tôi cũng đi làm xa, nên tôi thông cảm hoàn cảnh của Minh, nên thường đưa anh em nó về nhà ông bà nội tôi và chơi với đám anh em họ hàng của tôi.
Khi xong tiểu học, tôi vào Nha Trang học trung học, cũng là lúc phải chia tay nó. Bởi Minh cũng vừa theo một số người di cư vào tận khu định cư Phước Tỉnh nào đó ở trong nam, người ta bảo trong ấy làm ăn khấm khá hơn ở quê tôi nhiều lắm. Từ đó, tôi không gặp lại nó, mặc dù trong ký ức tuổi ấu thơ của tôi, lúc nào hình ảnh nó cũng in lên đâm nét
Không ngờ hôm nay, giữa chiến trường xa xôi này tôi lại bất ngờ gặp lại thằng em duy nhất của Minh, và lòng tôi lắng xuồng khi biết nó cũng từng là lính đánh giặc và đã hy sinh đúng ngày này năm trước: ngày mồng một Tết. Cái ngày mà lời chúc Tết của ông Hồ Chí Minh trên đài phát thanh Hà Nội chính là cái mật lệnh "Tổng Công Kích Tết Mậu Thân" để giết hại bao nhiêu người vô tội, đặc biệt hàng vạn người ở Huế bị chôn sống. Cũng là cái ngày người ta nhận diện được bọn trí thức, sinh viên phản trắc, đã giết hại bao nhiêu thầy, bạn của chính mình.
Sau đó, tôi rút Tâm về làm việc bên cạnh tôi, phụ tránh toán quân báo gồm toàn những người lính trẻ. Chúng tôi yêu thương nhau như anh em. Rồi vào một đêm trăng sáng, dưới sự chứng giám của đất trời, tôi đã nhận Tâm là đứa em kết nghĩa, sau lần Tâm liều mình cứu tôi thoát chết trong một cuộc phục kích ở Thiện Giáo. Đổi lấy sư an toàn cho tôi, Tâm phải mất hai ngón tay của bàn tay trái và nằm bệnh viện hơn một tháng để được giải phẩu lấy một mãnh đạn nằm trong sâu trong thanh quản. Sau khi xuất viện, Tâm phát âm tương đối khó khăn. Được hội đồng giám định y khoa xếp vào loại không còn khả năng chiến đấu, Tâm có thể chọn về một đơn vị hành chánh hay tiếp vận nào mà Tâm thích, nhưng Tâm một mực chối từ và nằng nặc đòi trở lại đơn vị cũ. Tâm xác nhận là mình vẫn còn khả năng chiến đấu, hai ngón tay của bàn tay trái và giọng nói khó khăn một chút không gây trở ngại nhiều cho một người lính chiến trường. Cuối cùng Tâm được toại nguyện.
Tôi vừa vui mừng vừa cảm động khi Tâm trở về trình diện. Tâm bảo sống chết gì em cũng muốn ở bên anh. Vì gia đình em có còn ai nữa đâu. Đơn vị này là gia đình của em. Tôi sắp xếp cho Tâm một công việc tạm thời ở hậu cứ để tiếp tục chữa bệnh. Chỉ sau vài tháng giọng nói của Tâm gần trở lại bình thường. Tâm nghe lời tôi xin vào khoá Sĩ Quan Đặc Biệt ở Thủ Đức. Tâm được ưu tiên thu nhận vì gốc TSQ.
Ra trường đúng vào mùa hè đỏ lửa 1972, Tâm lại xin trở về đơn vị cũ, lúc này đang ngày đêm nằm trong lửa đạn ở mặt trận Kontum. Năm tháng sau, tôi bị thương, được tản thương về QYV Pleiku nằm điều trị gần một tháng . Xuất viện, được điều về Phòng Hành Quân. Cả tháng tôi không gặp lại Tâm, nhưng ngày nào chúng tôi cũng liên lạc trên hệ thống vô tuyến.
Cuối năm 1973, chiến trường lắng dịu. Tâm xin phép về Sài gòn cưới vợ. Vợ Tâm là cô bạn nhỏ ngày xưa trong cùng một viện mồ côi. Bây giờ là cô giáo. Hai người găp lại và tình yêu nẩy nở trong thời gian Tâm học ở trường Thủ Đức. Cả vợ chồng tôi đều có mặt trong ngày cưới, và làm chủ hôn bên họ nhà trai. Đám cưới xong, tôi vận động xin cho vợ Tâm được chuyển lên dạy tại một trường tiểu học nằm trong thành phố Pleiku, để vợ chồng được gần gũi nhau hơn.
Đầu tháng 3/1975 Ban Mê Thuột thất thủ, bản doanh Bộ Tư lệnh SĐ 23 BB bị tràn ngập. Sau một phi vụ bắn nhầm. Ông Tư Lệnh Phó cùng ông tỉnh trưởng Đắc Lắc bị bắt. Hai tiểu đoàn của Trung Đoàn 44 được trực thăng vận nhảy xuống đầu tiên ở Phước An, quận duy nhất còn lại của tỉnh Đắc Lắc, nhằm vừa ngăn chặn địch quân tràn xuống Khánh Dương theo Quốc Lộ 21, vừa tái chiếm thị xã Ban Mê Thuột khi tình hình cho phép. Tâm có mặt trong toán quân đầu tiên này. Tôi không gặp được Tâm nhưng có liên lạc nói chuyện vài lần trong máy vô tuyến. Tâm rất đau lòng khi phải bỏ vợ và đứa con gái ba tuổi trên Pleiku, trước khi gởi gấm cho anh trung sĩ tiếp liệu đại đội cố dắt theo cùng đoàn quân triệt thoái về tỉnh lộ 7, bây giờ không biết ra sao. Tâm khẩn khoản nhờ tôi tìm mọi cách liên lạc và giúp vợ con mình. Tôi lấy cái tình anh em kết nghĩa mà thề với Tâm là tôi sẽ cố gắng hết sức mình.
Không ngờ, đó là một kế hoạch triệt thoái tồi tệ nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, đã làm mất biết bao nhiêu sinh mạng, kéo theo sự sụp đổ cả miền Nam. Ra tận Tuy Hòa, đứng đón dòng người tả tơi, nét mặt còn đậm nỗi kinh hoàng, họ vừa trải qua và chứng kiến biết bao nhiêu cái chết thê thảm để được đến bên này bờ con sông Ba nhuộm máu, tôi nghĩ là tôi chẳng còn có cơ hội nào gặp lại vợ con Tâm. Trở lại Khánh Dương, đúng lúc Phước An thất thủ và đơn vị của Tâm đã phải tan hàng, tôi gặp lại vị chỉ huy của Tâm ở Dục Mỹ, ông xác nhận là trung úy Nguyễn Thượng Tâm đã nằm lại trên đỉnh đồi Chu Cúc, khi chiến đấu tới viên đạn cuối cùng rồi tự sát trước một biển người của địch quân tràn lên chiếm giữ.
Hơn sáu tháng định cư ở Nauy, cả nhà tôi lúc nào cũng miệt mài để sớm hội nhập vào quê hương mới. Thời gian qua nhanh quá. Mới đây mà chúng tôi cũng đã tập tành tổ chức ngày lễ Giáng Sinh và ăn cái tết Tây đầu tiên theo truyền thống của Nauy. Sau đó bận bịu đi học đi làm, và cũng chẳng có cuốn lịch Âm lịch nào để biết ngày nào là Tết Ta, Nguyên Đán. Một buổi tối vợ chồng tôi đang ngồi cãi nhau về thời điểm giao thừa để thắp một nén hương tưởng nhớ ông bà, thì điện thoại reo. Bà Huyền-Trân Thomassen gọi, mời cả nhà chúng tôi tối mai lên ăn tết với gia đình, chồng bà từ Mexixo cũng mới trờ về. Bà cho biết bây giờ đã là sáng mồng một Tết bên Việt Nam. Thì ra, chúng tôi tệ quá, mới rời khỏi Việt Nam hai năm mà không còn nhớ ngày tết và tổ chức mừng Tết như bà. Tôi cám ơn và nhận lời bà xong, vội vàng thắp mấy nén hương tạ tội ông bà.May mắn ngày mai là thứ bảy.
Bà biết gia đình chúng tôi có tới mười người mà chỉ có một cái xe Ford vừa nhỏ vừa cũ, nên bà đặt một chiếc taxi tám chỗ ngồi lại đón chúng tôi. Bà xã tôi chỉ huy bầy con gái trên chiếc taxi, còn tôi lái xe chở đám con trai chạy theo sau. Trời thật lạnh, tuyết rơi trắng cả bầu trời. Chúng tôi phải chạy gần một tiếng đồng hồ mới tới nhà bà. Bà ở trong một ngôi biệt thự khá xinh, cách trường đại học Oslo, nơi bà dạy, chừng năm phút lái xe. Trong phòng khách bà trang trí giống như tết ở Việt Nam, đặc biệt có cả một cành mai thật to (một loài hoa Bắc Âu nở hoa vào mùa đông, nhìn giống như hoa mai) trong một cái bình sứ lớn, nằm ở giữa nhà. Chồng bà rất phúc hậu, và nói được một ít tiếngViệt. Khi giới thiệu ông với chúng tôi bà đùa:
- Hoàng đế Chế Mân của tôi đây.
- Không, tôi là Trần Khắc Chung. Ông vừa đưa tay bắt tay tôi vừa đùa.
Ông ta khá am tường về lịch sử Việt Nam. Ông cũng biết khá nhiều và có những nhận định khá công bình về cuộc chiến Việt Nam. Ông cho biết là lúc cuộc chiến Việt Nam đang ác liệt, khi ấy ông là trưởng ban ngoại giao của Quốc Hội Nauy, đã phản đối kịch liệt những nhóm tả khuynh và đặc biệt là những nhận định và việc làm của ông Olaf Palma, thủ tướng Thụy Điển. Người đã hô hào ủng hộ Bắc Việt và tuyên bố sẵn sàng chấp nhận cho binh lính Mỹ đào ngũ đến dung thân ở nước ông. Khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, nhìn hàng triệu nguơì phải bỏ nước ra đi, ông vừa kịp phản tỉnh thì cũng bị ám sát chết.
Bữa ăn còn có cả dưa hành, thịt kho và bánh chưng. Tôi phục bà và thấy xốn xang nhớ nhừng ngày tết lúc tôi còn nhỏ ở quê nhà.
Ăn uống xong, bà còn lì xì bì thơ màu đỏ cho mấy đứa con và mấy đứa cháu của tôi. Tôi đành phải ngượng ngùng xin lỗi vì không chuẩn bị kịp quà cáp cho hai đứa con của bà. Nhưng bà rất khéo léo, khi bảo sự có mặt của gia đình chúng tôi trong thời khắc đặc biệt này đã là một món qùa vô giá, rất có ý nghĩa cho mẹ con bà.
Tôi thay mặt gia đình cám ơn, chúc tết ông bà và gia đình. Tôi cũng nói lên lòng ngưỡng mộ của chúng tôi đối với một người đã xa quê hương lâu ngày và lập gia đình với một người ngoại quốc mà vẫn còn giữ được truyền thống và bản sắc văn hóa Việt Nam, trong lúc một số người mới chân ướt chân ráo sang đây đã vội tập tành thành người bản xứ, muốn quên hết nguồn cội của mình.
Chia tay bà lúc gần mười hai giờ đêm. Đường sá vắng tanh. Tuyết vẫn rơi kín bầu trời. Không quen lái xe trên tuyết, tôi chạy thật chậm. Khi đến trước khu đại học Blindern, tôi thấy có một người đứng dưới tàng cây thông, đưa tay đón.
Tôi dừng xe lại. Một cô gái chạy tới xin quá giang về nhà, vì cô dự tiệc tối ra, đã gọi taxi khá lâu mà không thấy tới. Tôi bảo đứa con trai lớn của tôi ra ngồi ở băng sau, nhường ghế trước cho cô gái. Khi cô lễ phép chào tôi, và bắt tay mấy cậu con và cháu của tôi ngồi ở băng sau, tự giới thiệu tên Anita rồi ngồi lên ghế, tôi mới nhận ra cô gái gốc Á đông, nhưng phát âm tiếng Nauy và điệu bộ hoàn toàn như người bản xứ. Tôi ngạc nhiên khi thấy cô đang run vì lạnh. Cô chỉ mặc một cái áo khoác mỏng. Tôi dừng xe, cởi cái áo choàng bằng lông cừu choàng qua vai cô. Gương mặt cô bé xinh xắn dễ thương, nhưng phảng phất buồn.
Tôi hỏi cô bé đến từ nước nào. Cô cho biết cô được cha mẹ nuôi người Na Uy nhận mang về đây lúc chưa tròn ba tuổi, nên cô chẳng biết gì. Sau này lớn lên, cô mới được cha mẹ nuôi kể lại là cô được Cơ quan Bảo Trợ Nhi Đồng LHQ nhận từ một viện mồ côi ở Việt Nam, vào năm 1975. Ông bà xin nhận cô làm con nuôi từ Cơ quan này. Cô bé rất mong muốn được trở lại Việt Nam một lần, để biết nơi mình sinh ra và nhờ người tìm lại tông tích, mồ mả của cha mẹ ruột. Cô sẽ xây mộ cho ông bà. Cha mẹ nuôi có hứa sẽ đưa cô về sau khi cô học xong trung học, và khi nào việc xin visa vào Việt Nam dễ dàng hơn.
Nhà cô không xa nơi tôi ở, có lẽ không quá hai mươi phút lái xe. Khi qua hết mấy khu rừng thông thanh vắng, cô chỉ ngôi nhà lớn nằm lưng chừng trên một ngọn đồi, bảo tôi dừng lại phía dưới. Cô sẽ đi lên bằng con đường tắt. Cô cám ơn tôi, cởi trả lại tôi cái áo choàng. Cô hỏi xin tôi một mảnh giấy, viết địa chỉ xong rồi đưa lại cho tôi. Cô mời tôi đến Lễ Phục Sinh ghé lại nhà cô chơi. Vì chỉ còn một ngày nữa cô phải đi London tiếp tục theo học một năm chương trình trao đổi học sinh. Cha mẹ nuôi của cô rất thích nói chuyện với người Việt Nam, nhất là những người đã từng tham gia cuộc chiến. Tôi hứa với cô là thế nào tôi cũng đến thăm cô cùng ông bà cha mẹ nuôi tốt bụng.
Về nhà, khi kể lại chuyện cô bé quá giang cho vợ và mấy cô con gái nghe, tôi mới nhận ra một điều: sao tôi lại có duyên với những người mồ côi đến thế. Suốt cả đêm hôm ấy tôi nằm trằn trọc nghĩ đến thân phận mình và nhớ thật nhiều đến Nguyễn Thượng Tâm, người mà tôi đã từng nhận làm đứa em kết nghĩa, nhưng mãi đến bây giờ vẫn chưa làm tròn được lời thệ ước cuả mình.
Ðến Lễ Phục Sinh, nhớ lời hẹn, tôi rủ bà xã và hai cô con gái lớn đến thăm cô Anita. Bây giờ là đầu tháng tư mà tuyết vẫn còn rơi trắng cả bầu trời. Nhờ ban ngày nên tôi thấy rõ nhà cô hơn. Ngôi nhà có dáng của một lâu đài, cổ kính, sang trọng. Chung quanh là một hàng thông. Chủ ngôi nhà chắc đã trọng tuổi và giàu có. Ngần ngừ một lúc, tôi bấm chuông. Đúng như tôi nghĩ, người mở cửa là một bà già khoảng trên bảy mươi, nhưng còn khỏe mạnh và nói năng vui vẻ lịch thiệp. Bà ngạc nhiên nhìn tôi, và hỏi tôi đến có việc gì bất ngờ mà bà không đuợc báo trước. Tôi xin lỗi, giới thiệu tên mình và cho bà biết là tôi có hẹn với cô Anita, con gái của bà, đến thăm cô ấy và vợ chồng bà. Có lẽ cô Anita quên, không kể chuyện lại với bà. Bà tròn mắt ngạc nhiên:
- Anita nào? Vì đứa con gái duy nhất của chúng tôi đã chết rồi mà.
Bây giờ đến lượt tôi ngơ ngác. Tôi kể cho bà nghe chuyện tôi gặp cô Anita trước cổng trường đại học hồi tháng hai, và cho cô quá giang về đây lúc nửa đêm. Bà mời tôi vào nhà, chỉ cho tôi tấm ảnh treo trên vách.
- Đây chính là cô Anita mà tôi đã gặp, trước khi cô trở lại London để tiếp tục học. Tôi nói to như để xác nhận với bà. Bà nhìn tôi sụt sùi hai dòng nước mắt.
- Ðúng rồi, sau lần về thăm nhà và cũng để khám bệnh ấy, thay vì trở lại trường, con tôi phải vào bệnh viện, do một mảnh đạn nằm sâu trong tim từ lúc cháu ba tuổi, và cháu qua đời sau đó một tuần. Trước đây, bác sĩ có khám và chụp hình, nhưng bảo mảnh đạn nằm ở một vị trí khá an toàn, và rất nguy hiểm nếu phải giải phẩu. Không ngờ cháu lại chết vì chính mảnh đạn từ thời chiến tranh này.
Bà ra nhà sau lên tiếng gọi ông chồng, kể cho ông nghe câu chuyện tự nãy giờ. Ông đến chào tôi, và bảo tôi chờ ông bà mặc áo lạnh rồi sẽ dẫn tôi ra nghĩa trang, nằm không xa ở phía sau nhà, thăm ngôi mộ cô con gái. Ngôi mộ phủ đầy tuyết trắng. Bà đưa tay phủi lớp tuyết trên tấm bia, hàng chử khắc sâu trên bia: ANITA NGUYEN HILDE. Nhìn tấm ảnh trên mộ bia, tôi có cảm giác dường như cô cũng đang nhìn tôi mỉm cười. Tôi đứng trươc mộ, chấp hai tay khấn nguyện một đôi điều. Ông bà chủ nhà sụt sùi, bảo với tôi đó là cô con gái duy nhất mà ông bà hết lòng thương quí. Từ khi cô ta qua đời, ông bà chẳng còn thiết tha bất cứ thứ gì trên cõi đời này nữa. Đưa tôi trở lại nhà, ông châm củi thêm vào lò sưởi, rót mời tôi một tách cà phê nóng. Ông bảo nếu cô không chết thì mùa hè này ông bà sẽ đưa cô về thăm quê hương nguồn cội ở Việt Nam. Riêng cha mẹ ruột của cô thật sự đã chết trong chiến tranh rồi.
Dường như vừa nhớ lại một điều gì, ông đứng lên bước tới kệ sách, quay lại nói vói tôi:
- Trong hồ sơ của con tôi, người ta có ghi chú: Khi hấp hối, mẹ cháu có trăn trối nhờ người mang nó về một viện mồ côi mà bà quen. Bà có để trong túi áo quần của đứa con một tấm hình khi vợ chồng bà làm đám cưới. Sau tấm hình có ghi tên và đơn vị của ba cháu. Đó cũng là dấu tích duy nhất về gốc gác của cô con gái nuôi yêu dấu của chúng tôi.
Tôi chưa kịp hỏi, ông đã đưa cho tôi tập album, và chỉ cho tôi một tấm ảnh đen trắng ngã màu vàng sậm, được dán ngay ở trang đầu. Nhìn tấm ảnh, tôi giật thót cả người, như đang bị mộng du vào một cõi xa xăm nào đó: hai người trong tấm ảnh chính là vợ chồng Nguyễn Thượng Tâm, người em mồ côi kết nghĩa mà chúng tôi đã lạc mất nhau trong những ngày cuối của một cuộc chiến huynh đệ tương tàn./.

  Phạm Tín An Ninh


Friday, October 29, 2010

người viết mướn

 

người viết mướn

Ở chợ Plateau thành phố Abidjan ( thủ đô cũ của xứ Côte d'Ivoire, Phi Châu ) ai cũng biết ông già viết mướn đó. Người ta gọi ông là " l'écrivain chinois " (ông Tàu viết mướn )
Xứ Côte d'Ivoire – thuộc vùng Phi Châu Da Đen – ngày xưa là thuộc địa của Pháp. Dân bản xứ đi học bằng tiếng Pháp. Và vì họ gồm nhiều bộ tộc, mỗi bộ tộc nói một thổ ngữ, nên họ phải dùng tiếng Pháp để hiểu nhau. Về sau, khi đã độc lập rồi, trường vẫn dạy bằng tiếng Pháp và ngôn ngữ chánh trong dân gian vẫn là tiếng Pháp. Những người ít học hay thất học thì nói " tiếng bồi ", nghĩa là tiếng Pháp không đúng văn phạm. Mấy bà buôn bán ở chợ Plateau nói trên thuộc vào thành phần này. Nhiều bà có con cái " đi làm ăn " ở Pháp hay ở Bỉ, lâu lâu cần xin gì hay cần nhắn gì, họ phải nhờ người khác viết cho cái thư. Ngoài ra, có nhiều người cần viết đơn từ thưa gởi nhưng không đủ trình độ để viết đúng từ ngữ hành chánh nên nhờ viết dùm. Do đó mới có cái nghề viết mướn.
Ở khu chợ Plateau, trước đây, chỉ có một người đàn ông trung niên người bản xứ làm nghề này. Anh ta hành nghề dưới hàng hiên khu phố nhìn qua chợ, nằm cách chợ một con đường. Chỗ hắn ngồi là một bức tường nhỏ nằm giữa hai cửa hàng bán radio của người libanais. " Dụng cụ " của anh ta là cái máy đánh chữ loại xách tay đặt trên bàn gỗ nhỏ. Anh ta ngồi trên ghế thấp vừa tầm với cái bàn, nhưng vì anh ta lớn con chân dài nên khi đánh máy anh ta phải cho hết hai chân xuống dưới bàn đưa thẳng về phía trước lòi ra một khúc, trông giống như anh ta ôm cái bàn vào lòng ! Còn " khách hàng " thì hoặc đứng hoặc ngồi xổm cạnh hai bàn chân to xù mang dép Nhựt của hắn, tỉ tê kể những gì mà họ muốn để trong thư. Anh ta gõ máy bằng hai ngón tay nhưng gõ khá nhanh, khách kể đến đâu hắn gõ theo đến đấy. Đánh xong thư, khách hàng đưa cho hắn mảnh giấy nhỏ trong đó có ghi rõ địa chỉ của người nhận thư, hắn lấy trong ba lô để dưới chỗ hắn ngồi một phong bì có dán tem sẵn, đánh máy địa chỉ, cho thư vào rồi le lưỡi liếm keo dán lại. Người khách hàng chỉ còn có cho thư vào thùng thư đứng ở góc đường gần đó. Dĩ nhiên, khi hắn tính tiền, hắn tính cả tiền giấy, phong bì, tem…Thư gởi đi Pháp hay đi Bỉ đều cùng một giá. Cho nên đã thành lệ, sau vài câu chào hỏi, khách hàng cứ đặt tiền trước lên bàn rồi đợi hắn sửa bộ kéo bàn vào lòng với cái máy đánh chữ lúc nào cũng " ngậm " sẵn một tờ giấy, là bắt đầu tỉ tê kể lể…Còn đơn từ thì hắn dùng phong bì không có tem, bởi vì khách hàng mang tay đến nộp thẳng cho cơ quan liên hệ. Loại " đơn từ " này, hắn vẫn lấy bằng giá với " thư nhà ", bởi vì, theo hắn giải thích, viết cho hành chánh khó gấp mấy lần viết cho thân nhân. Bớt con tem nhưng thêm nhiều công suy nghĩ !
Một hôm, có ông già á đông – ốm nhom, già khú – đi lang thang với điếu thuốc trên môi, ngang qua đó nghe tiếng đánh máy lọc cọc nên tò mò đứng lại nhìn. Đợi anh đen làm xong công việc, ông già mới chào hỏi làm quen. Anh đen rất ngạc nhiên vì ông ta nói tiếng Pháp rất trôi chảy rành rọt, không giống những người á đông mà anh đã từng gặp hay quen biết. Ông già ghé đít ngồi lên bệ thềm gần đó, hỏi :
- Ông làm nghề gì vậy ?
Anh đen nhăn răng cười :
- Viết thư dùm người ta, người ta trả tiền. Ông không thấy bà hồi nãy cầm phong bì đi sao ?
- Thấy. Nhưng mà hồi nãy hai người nói với nhau bằng thổ ngữ nên tôi không hiểu.
Ngừng một chút, ông già lại hỏi :
- Làm ăn có khá không ?
- Ố ! Cũng tạm được.
Hắn chỉ qua bên chợ :
- Khách hàng của tôi là mấy bà buôn bán ở bên kia. Họ không biết chữ, mà con cái họ thì đi làm công bên Pháp bên Bĩ hết. Thành ra, ngày nào cũng viết dùm vài cái thư, lai rai…Với lại ở xứ này, người ta hay thưa gởi kiện cáo lắm nên có công việc làm hoài !
Rồi hắn nhìn ông già từ đầu đến chân :
- Còn ông ? Ông làm nghề gì ở đây ?
- Già quá đâu có ai mướn. Ở không, đi lang thang.
Anh đen lại nhìn ông già ra vẻ tội nghiệp :
- Rồi lấy gì sống ?
- Sống nhờ con. Con gái ở nhà làm nem. Thằng em nó đạp xe đi bán. Khá chật vật !
- Ông người Tàu hả ?
- Không. Tôi người Việt Nam.
Nói xong, ông già thở dài. Tội nghiệp cho cái xứ Việt Nam của ông ! Nhược tiểu đến mức độ mà người dân khi ra ngoại quốc cứ bị thiên hạ gọi là người Tàu !
Ông già đưa bao thuốc lá mời anh đen :
- Hút một điếu chơi.
- Cám ơn. Tôi không biết hút thuốc.
Ngừng một chút, anh ta hỏi :
- Nhà ông ở đâu ?
- Ở tuốt trên Cocody, gần nhà thờ. 
- Xa quá há. Rồi ông đi bằng gì xuống đây ? Xe buýt hả ? 
- Đi bằng xe đạp. Đạp xuống thì dễ, đạp về leo dốc mới mệt ! 
Anh đen lại nhìn ông già một lúc, mới nói :
- Ông nói tiếng Pháp rành quá mà không đi làm việc cũng uổng. 
- Già như tôi thì còn làm được gì ? 
- Tuổi tác ăn nhập gì, trình độ văn hoá mới cần chớ ! 
Ông già hít mấy hơi thuốc, suy nghĩ. Một lúc sau ông hắng giọng rồi hỏi : 
- Ông thấy tôi làm cái nghề viết mướn được không ? 
Anh đen nhăn răng cười hớn hở :
- Được chớ ! Được chớ ! 
Rồi đề nghị :
- Ông cứ ngồi kế bên đây ! Đừng ngại gì hết ! Cả khu Plateau chỉ có một mình tôi làm nghề này. Có thêm ông càng vui.
Thấy dễ dàng quá, ông già đứng ngẩn ra, chưa kịp nói lời nào thì anh ta nói tiếp :
- Vậy, sáng mai ông đem máy đánh chữ ra, nghen.  
- Tôi không có máy đánh chữ. Tôi viết tay được không ?  
Giọng anh đen hơi xìu xuống :
- Ồ…cũng không sao. Cứ ra đây đi, rồi tính.
Ông già mừng rở, bắt tay anh đen, nói " Cám ơn ! Cám ơn ! Ông tốt bụng quá !", rồi đi xăng xớm về chỗ để xe đạp trước ngân hàng gần đó, mở khoá lấy xe phóng lên đạp đi mà nghe như vừa được bơm vào người thêm nhiều sinh lực !
Mấy hôm sau, ông già xin được của hội nhà thờ một cái bàn và ba cái ghế bằng nhôm loại xếp được để đi pique-nique. Ông mua một mớ giấy viết thư, phong bì, tem, bút bi rồi đạp xe đạp chở bàn ghế đến ngồi cạnh anh đen, hành nghề viết mướn. Buổi sáng đó, trước khi rời nhà, ông lẩm bẩm :" Bữa nay đúng là một ngày đẹp trời !"…
Ông già ngồi đã ba hôm, chẳng có một ai đến nhờ viết ! " Khách hàng " cứ nhờ anh đen. Thấy vậy, anh ta an ủi :
- Đừng buồn. Từ từ rồi sẽ có khách. Tại ông không có máy đánh chữ nên người ta không biết đó thôi.
Một hôm, có hai bà cùng đến một lúc. Anh đen tiếp một bà rồi nói với bà kia :
- Nếu bà gấp thì bước qua ông đồng nghiệp của tôi đây, ổng giúp cho. Ổng viết tay, nhưng cần gì ! Viết tay hay đánh máy cũng vậy thôi ! Điều cần thiết là viết làm sao cho người đọc hiểu.
Bà khách ngần ngừ một lúc rồi bước qua ngồi lên cái ghế xếp trước mặt ông già. Như thông lệ, bà ta đặt tiền lên bàn rồi bắt đầu kể lể bằng thứ tiếng Pháp không có văn phạm. Ông già ngồi chống càm, lắng tai nghe.
Thấy ông viết mướn không viết gì hết, bà khách ngừng kể, lấy làm lạ nhìn ông :
- Sao ông không viết ?  
- Thưa bà, tôi đang nghe bà kể, đây.
Bà ta chỉ anh đen :
- Sao kỳ vậy ? Ông làm không giống anh này ! Với anh ta, khi tôi bắt đầu nói là anh ta bắt đầu gõ. Còn ông thì không nhúc nhích gì hết !
Ông già phì cười, giải nghĩa chầm chậm :
- Xin lỗi. Tôi phải nghe bà kể hết những gì bà muốn nói cho người con của bà, rồi tôi mới sắp xếp câu văn để viết. Bà biết không, viết thư phải viết cho mạch lạc thì người con của bà mới hiểu được hết cái ý của bà, bà hiểu không ?  
Bà khách ngần ngừ rồi gật đầu. Ông già đốt điếu thuốc, nói tiếp :" Bây giờ, xin bà kể lại. Từ từ kể lại, tôi nghe ". Bà khách liếc nhìn ông rồi nhìn vội xuống hai bàn chân của bà, thấp giọng kể…Bà khổ lắm, buôn bán ế ẩm, con dâu mang bầu đứa thứ năm gần sanh mà cứ đau rề rề, mấy đứa cháu nội đi mót khoai mót củ nhưng không đủ ăn, bà đã gởi ba cái thư xin tiền thằng con, xin nó thương vợ thương con của nó nheo nhóc, chắc thư đã đi lạc nên không thấy hồi âm, bà khổ lắm, không biết thằng con ở bên Pháp còn sống hay đã bị cái gì rồi…Bà khách ngừng kể, kéo ống tay áo lên lau nước mắt.
Nghe xong, ông già viết mướn, chừng như xúc động, làm thinh hít mấy hơi thuốc dài. Bà khách len lén nhìn ông rồi lại nhìn xuống chân của bà, hai bàn chân cùi đày nằm trong đôi dép cao su rách bươm lấm lem bùn đất. Bà đợi. Suy nghĩ một lúc, ông già mới lấy giấy viết. Lâu lâu, ông ngừng lại nhìn xa xăm qua chợ nằm phía đối diện như để tìm chữ tìm câu. Rồi lại cuối đầu viết tiếp.
Viết xong, ông hỏi :
- Bà cần tôi đọc lại không ? 
Bà khách chớp chớp mắt, lắc đầu. Bà đưa cho ông địa chỉ của người con, ông chép lên phong bì đã dán tem, cho thư vào dán lại rồi trao cho bà khách. Bà cầm thư lật qua lật lại nhìn như thiếu tin tưởng, rồi đứng lên làm thinh đi về hướng thùng thư đứng ở góc đường. Ông già nhìn theo, lòng nghe chơi vơi như chính ông đang đi gởi thư cho thằng con…
Ngày nào ông già viết mướn cũng mang đồ ra ngồi cạnh anh đồng nghiệp đen, nhưng không phải ngày nào ông cũng có khách. Lâu lâu, có dư người thì anh đen " đẩy " qua cho ông. Anh ta nói đùa :" Đồng nghiệp mà ! Phải giúp nhau chớ ! " Ông cười chua chát :" Cám ơn ! Cám ơn ! Nhờ lòng tốt của anh mà tôi cũng vớt vát được một hai người ".
Một hôm, anh đen bỗng hỏi :
- Hồi trước ông làm gì ở Việt Nam ? 
- Buôn bán.
Ông không muốn nói hồi đó ông là chủ hai nhà thuốc tây, khá giàu.
- Rồi tại sao ông đi qua đây vậy ?
- Tại làm ăn không được. Tại…tại nghèo.
Ông không muốn nói " cách mạng " đã tịch thâu tài sản của ông, gia đình ông sống cầu bơ cấu bất ở vùng kinh tế mới, vợ ông chết ở trên đó, ông và hai đứa con trốn về thành phố sống chui như bầy chó hoang, ăn nhờ ở đậu…
- Bộ ông có quen ai bên nây hả ?
Đến đây thì ông già không giấu giếm gì hết :
- Đâu có. Tôi đâu có quen ai. Tôi nghe nói Nhà Nước Côte D' Ivoire dễ dãi và tốt bụng nên tôi viết đại một lá thư dài gởi thẳng cho ông Tổng Thống, trong đó tôi kể hết hoàn cảnh bi đát của tôi. Tôi viết mà không có hy vọng gì hết.
- Ồ…Tại ông không biết chớ Tổng Thống Houphouet của tụi này rất bình dân và thương người lắm !
- Bây giờ thì tôi biết. Bởi vì sau bức thư của tôi, tôi nhận được visa và luôn vé máy bay cho ba cha con tôi nữa. Chuyện thật khó tin.
- Gì mà khó tin ? Tổng Thống tụi này hay làm những " cú " ngoạn mục như vậy lắm ! Chắc ông viết thư cũng phải hay lắm nên mới làm xúc động " Le Vieux " ( Ông Già ).
Ở Côte d' Ivoire, dân chúng thương Tổng Thống Houphouet nên khi nói chuyện với nhau họ gọi ông là " Ông Già " một cách triều mến.
- Hồi đó tôi viết giống như tôi muốn than thở với một người nào đó để cho vơi nỗi thống khổ của mình, chớ đâu dè. Nhận được giấy tờ, tôi như trên trời rớt xuống !
Đến đây, ông già không nói rằng ông đã bán mấy chiếc nhẫn cất giấu từ sau trận nhà nước đánh tư sản, để chạy lo vô hộ khẩu của người bà con xa, rồi chạy lo chiếu khán xuất cảnh v.v…
Ông chỉ nói :
- Hồi qua đến phi trường Abidjan, cha con tôi không biết đi đâu ở đâu. Tôi phân trần với chánh quyền sở tại, họ điện thoại gọi hội " Anciens d'Indochine ". Nhờ hội này giúp nên tụi tôi mới có căn nhà nhỏ ở Cocody và chút vốn làm nem đi bán dạo, sống lây lất tới bây giờ…
- Tôi nghe nói người ViêtNam tỵ nạn ở Pháp ở Mỹ nhiều lắm. Bộ ông không có bạn bè bà con định cư ở các xứ đó sao ? 
- Có chớ. 
- Sao ông không viết thư cho họ ? Kẻ đi trước giúp người đi sau là sự thường mà. 
Ông thở dài, hít mấy hơi thuốc rồi mới nói :
- Tôi có viết thư chớ. Chỉ viết thăm thôi và báo tin rằng tôi đã đến Côte d'Ivoire. Nhưng không thấy ai trả lời hết.
- Có lẽ không đúng địa chỉ chăng.
- Đúng chớ ! Nếu không đúng nó phải được trả về, bởi vì tôi có ghi rõ địa chỉ người gởi mà. Hồi ở Việt Nam người thân của họ cho tôi địa chỉ và tin tức, nói họ bây giờ ổn định và khá lắm. 
- Ờ…sao vậy há ? 
- Chắc họ sợ tôi xin tiền…  
Ông cười khẩy một tiếng nghe như ông muốn khạc ra một cái gì chận ngang cổ họng, một cái gì vừa cay đắng vừa nhờm tởm. Ông nhớ lại hồi thời " vàng son ", bạn bè bà con của ông tới lui nhà ông ăn nhậu hà rầm, trong số đó có nhiều người đã được ông giúp đỡ cưu mang. Vậy mà bây giờ…Ông hít một hơi thuốc thật sâu rồi nhả khói ra từ từ làm khoảng trống trước mặt bị mờ đi, giống như ông muốn xoá bỏ trong đầu hình ảnh của mấy thằng bạn bè mấy người bà con mà ông vừa nhớ lại…Anh đồng nghiệp da đen suy nghĩ một lúc lâu rồi nghiêng người qua vỗ vai ông vài cái nhè nhẹ, một cử chỉ an ủi tầm thường như vậy mà ông già viết mướn bỗng thấy nó đẹp vô cùng. Ông xoay người qua bắt tay anh đen, không nói gì hết, nhưng ông chắc chắn rằng anh bạn đó hiểu là cái cám ơn của ông già Việt Nam lưu vong…
Một hôm, bà khách hàng đầu tiên của ông già viết mướn mang biếu ông hai trái xoài Caméroun ( loại xoài xứ Caméroun ngon nổi tiếng vùng Phi Châu Da Đen ) vừa cười vừa nói :
- Tôi cám ơn ông. Nhờ cái thư của ông mà thằng con của tôi hồi tâm. Nó gởi tiền về, kèm theo một cái thư dài. Nó nói nó đọc thư của ông nó khóc quá ! Nó lạy lục xin tôi tha tội cho nó. Nó nói là nó có vợ và một con ở bên Pháp nhưng nó thề sẽ gởi tiền về đều đặn để nuôi tụi này…Tôi vui quá ! Vui quá !
Bà ta nói một hơi, nói thứ tiếng Pháp " ba xí ba tú ", nhưng trong giọng nói nghe đầy xúc động. Nói xong, bà kéo ống tay áo lên lau nước mắt. Ông già nhớ lại cách đây hơn mươi bữa, bà cũng kéo áo lên lau như vậy sau khi kể lể sự buồn khổ của bà. Thì ra, cái vui cái buồn vẫn giống nhau ở giọt nước mắt  !
Ông già mỉm cười :
- Tôi viết mướn, bà trả tiền, có gì đâu mà bà cám ơn ? 
- Không nhờ cái thư của ông, không biết tụi này còn khổ sở đến đâu. Cám ơn ! Cám ơn !
Nói xong, bà đi trở qua chợ. Ông già đưa một trái xoài cho anh đen :
- Anh cầm lấy để chia vui với tôi ! 
Anh ta cầm trái xoài trên tay nhìn ngắm một lúc rồi nói :
- Làm nghề này đã hơn năm năm, tôi chưa được khách hàng tặng quà bao giờ. Ông mới ra nghề mà được như vầy là ông viết thư  phải hay lắm.
- Thì cũng ráng viết vậy thôi.  
- Đâu được ! Viết mà làm xúc động người đọc đâu phải dễ. Bây giờ tôi hiểu tại sao "Ông Già" đã gởi tặng ông visa và vé máy bay ! 
Ông già viết mướn đốt điếu thuốc, thở khói một cách sảng khoái. Ông nhớ lại ngày xưa, thuở thiếu thời, ông lúc nào cũng đứng đầu về luận văn, và về sau ra đời, ông cũng có lai rai vài ba truyện ngắn đăng báo này tạp chí nọ. Viết, đối với ông, là để giải toả tâm tư, một cách giải toả trầm lặng và sâu đậm hơn là nói. Cho nên trong đời ông, ông rất thích viết, nhứt là viết thư cho bạn, những người cũng thích viết như ông hay ít ra cũng biết viết vài dòng hồi âm hay vài chữ để hỏi thăm nhau…
Hai hôm sau, có thêm một bà mang đến mấy trái cam để cám ơn ông đã viết thư cho chồng bà có vợ đầm ở Bỉ. Rồi cứ như vậy, vài hôm là có người đến cám ơn, cho quà, khi thì chai đậu phọng ( Ở đây, sau khi ran, đậu được cho vào chai lít đầy tới miệng rồi đóng nút để giữ cho được dòn lâu. Người nghèo bản xứ hay ăn đậu phọng với bánh mì…) Khi thì mấy trái cà chua, vài bó rau cải…Có gì cho nấy, không nề hà ! Ông già nhận hết, bởi vì ông thấy làm như vậy, người cho rất vui. Cái vui của họ được bộc lộ ra một cách rất thiệt thà : họ quay lưng bước đi, vừa vỗ tay thành nhịp vừa lắc lư nhún nhảy. Lần nào ông cũng nhìn theo, thấy cũng vui lây…
Vậy rồi không biết họ đồn với nhau thế nào mà khách hàng cứ đến nhờ ông viết. Những người cần làm đơn từ cũng đến nhờ ông ! Bên anh đen đồng nghiệp thấy thưa khách. Ông già bèn đề nghị :" Tình trạng này kéo dài coi kỳ quá ! Tôi đề nghị anh bạn như thế này : tôi lãnh viết thư nhà, anh lãnh viết đơn hành chánh. Mình cứ nói đơn hành chánh phải được đánh máy cho sạch sẽ dễ đọc thì các cơ quan mới mau chóng cứu xét. Anh đồng ý không ? " Anh đen nhăn răng cười, bắt tay ông một cái đau điếng !
Từ đó, thấy khách đến, anh đen trịnh trọng nói :" Đơn từ thì ở bàn này. Thư cho thân nhân thì bước sang bàn ông bạn đồng nghiệp của tôi đây ! " Lần hồi, khách hàng cũng quen nên cả hai người viết mướn cùng có việc làm đều đặn. Và càng ngày càng đông khách.
Một hôm, anh đen hỏi :
- Tôi cứ thắc mắc : làm sao viết thư mướn mà ông viết hay được như vậy ?
- Tại anh không biết. Xưa nay tôi say mê viết. Tôi thích viết cho một người nào đó để giải bày, để chia xẻ những cảm nghĩ những suy tư của mình, chọn lời cho đúng, chọn câu cho hay…thú lắm !
Ông già ngừng nói, hít chầm chậm một hơi thuốc rồi chép miệng :
- Bây giờ tôi chẳng còn ai để mà viết. Bạn bè thì anh biết đó. Chúng nó cũng như người vừa đui vừa điếc, viết uổng công. Cho nên làm nghề viết mướn này, tôi có chỗ để viết. Tôi khổ cái khổ của khách hàng, tôi vui cái vui của khách hàng, tôi tâm sự cái tâm sự của khách hàng. Tôi viết với tất cả những xúc cảm chân thật đó,viết mà không nghĩ là mình viết mướn !
Anh đen vỗ tay đôm đốp, khen :
- Hay ! Ông nói hay quá ! Bây giờ tôi mới hiểu tại sao khách hàng mến mộ ông như vậy ! Tổng Thống tụi tôi đem ông qua đây, đúng là " Ông Già " ổng có con mắt ! 
Rồi hắn cười hắc hắc làm ông già cũng bật cười theo. Cả hai, không người nào nhớ rằng mình da đen hay mình da vàng, họ chỉ biết họ là hai người viết mướn…
 
Hai năm sau…
Một hôm ông già bỗng thèm viết cho mấy thằng bạn hồi đó. Viết cho mỗi người một cái thư, lời lẽ y chang như nhau. Viết bức thư cuối cùng cho họ. Viết để cho họ thấy rằng ông phủi đít phủi tay, dứt khoát không còn bận bịu gì nữa với quá khứ, với lớp bụi đất đã ăn bám vào ông hồi thuở " vàng son ".
Ông đốt điếu thuốc, suy nghĩ. Đại khái, ông sẽ viết :
" Thưa anh…gì gì ( hay chị … gì gì )
  Tôi viết thư này để báo tin cho anh… ( hay chị… ) mừng dùm cho cha con chúng tôi. Tụi này đã định cư luôn ở Côte d'Ivoire. Bây giờ, đời sống tụi này đã ổn định, cuộc sống tương đối khá. Hai con tôi có cửa hàng bán nem ở chợ Cocody, thiên hạ đến mua cũng đông. Còn tôi thì làm nghề viết mướn, khách hàng cũng nhiều. Được như vậy là nhờ ở xứ đen này, con người thấy đen nhưng lòng dạ của họ không đen chút nào hết. Chẳng bằng người Việt mình, nhiều người bề ngoài trắng trẻo lịch sự nhưng lòng của họ chẳng những đen mà còn bạc nữa, anh… ( hay chị…) có thấy như vậy không ?..."
Nghĩ đến đó, ông già bỗng cười khan một mình !

 Tiểu Tử