Saturday, May 22, 2010

Sài Gòn: Hành lang Eden, tứ giác chết

Friday, May 21, 2010






Nguyễn Ðạt/Người Việt

Sau hai tuần lễ tù túng - vì bị tai nạn đứt gân đầu gối, Hương lê chân xuống 60 bực thang chung cư, rồi cà nhắc thêm vài bực thềm nữa, chúng tôi ngồi trong Hotel Continental, để Hương ngó xéo qua Givral, thấy một góc lịch sử Sài Gòn đang chết.
Tôi hớp vài ngụm cà phê ngọt ngậy, loại cà phê pha vụng của Saigon Tourist, tệ hơn cà phê vỉa hè, rồi chui vào lòng Givral vừa bị mổ bụng. Từ chỗ cái chết của nó, tôi nhìn ra, thấy những ánh mắt tò mò, không chỉ của du khách. Họ chụp vài tấm hình, rồi thản nhiên đi qua, nhưng có một người, cặm cụi, nói với tôi, anh muốn làm một người chứng, và chụp rất nhiều hình từ cái địa chỉ sắp biến mất này. Trong những ánh mắt nhìn vô, nơi tôi đứng, có cái ngó xéo của Hương, và trong cái ngó xéo đó, những cái chết chồng chéo, xẹt qua, cày đi xới lại vẫn tiếp diễn. Quá khứ và hiện tại, trong những ngày tháng 4, đối với một số người, là cảm xúc của tình trạng bị bức tử, còn đối với một số người khác, là cảm xúc hả hê đầy cảnh giác.

Hành lang Eden. (Hình: Nguyễn Ðạt)


Tôi chui khỏi cái bụng tanh bành của Givral, và chợt nhớ hai câu thơ Eliot trong Ðất Hoang, tháng 4 là tháng ác nghiệt nhất, tháng tử đinh hương sinh sôi từ đất chết. Dù trong hay ngoài hay ở giữa cái chết, của lịch sử hay cá nhân, đều phải đối mặt với sự bất an. (Nguyễn Quốc Chánh)
Hành lang Eden - Passages Eden - là một góc “linh hồn Sài Gòn.” Nhắc nhớ Sài Gòn không thể không nhắc nhớ Hành lang Eden. Khối nhà liên kết gồm 4 tầng theo kiến trúc phương Tây có “Hành lang Eden” ở tầng trệt, nằm gọn giữa 4 phố: Tự Do-Lê Thánh Tôn-Lê Lợi-Nguyễn Huệ. Bốn mặt Hành lang Eden nhìn ra 4 con đường đẹp nhất Sài Gòn. Rạp chiếu phim “Eden” giữa lòng Hành lang Eden - không hoạt động từ sau 30 tháng 4, 1975 - mặt tiền nhìn ra đường Tự Do. Chếch lên phía Nhà thờ Ðức Bà, bên kia đường Tự Do nay là đường Ðồng Khởi, một công viên trên nền cao. Công viên mang tên Chi Lăng đó không còn dấu vết gì từ hai năm nay, tòa nhà cao tầng hiện đại xuất hiện ở đây mang tên “Vincom Center,” hung hãn dự phần vào việc phá vỡ không gian của cả một khu vực. “Khu tứ giác Eden,” như bây giờ người ta gọi vậy, bao gồm trong đó hai nhà hàng - chủ yếu là cà phê, giải khát - không thể quên trong lịch sử Sài Gòn từ xưa tới nay: La Pagode và Givral. Nhà hàng La Pagode ở một đầu của tứ giác - góc đường Tự Do và Lê Thánh Tôn - mặc dù sau 30 tháng 4, 1975 trở thành Văn phòng công ty dịch vụ lữ hành Saigon Tourist, vẫn ở tại chỗ trong khu tứ giác Eden, bâng khuâng nhắc nhớ một thời cho những hoài niệm trân trọng của người Sài Gòn. Ðầu kia của tứ giác, nhà hàng Givral - góc đường Tự Do và Lê Lợi - may mắn hơn, kéo dài tuổi thọ tới hôm nay.
Bây giờ thì, cả La Pagode và Givral, chỉ còn âm thầm lưu lại hình ảnh mình trong sách báo, ở những cuốn album kỷ niệm của gia đình, ở mạng tìm kiếm trên Internet... Các nhiếp ảnh gia, các bác “phó nhòm” chuyên nghiệp chụp ảnh của Sài Gòn, ai ai cũng từng nhiều lần ghi hình ảnh khu vực quảng trường Lam Sơn, chọn lựa góc phố trước mặt Givral, vòm cong mái hiên kiều diễm của Givral thân thuộc không thể lẫn với bất cứ cửa tiệm nhà hàng nào ở khu tứ giác Eden và các khu vực lân cận.
Người dân Sài Gòn không biết tại sao nhà nước phá bỏ khu tứ giác Eden, một trong những công trình kiến trúc xưa, từ thời thuộc Pháp, là những công trình kiến trúc chủ yếu góp phần làm nên một Sài Gòn từng được gọi là “Hòn ngọc Viễn Ðông.”
Chúng tôi đọc trên tấm băng-rôn treo ở khu tứ giác Eden, những dòng chữ thông báo: “Vì lý do Ủy Ban Nhân Dân quận 1 thu hồi mặt bằng khu thương mại Eden theo thông báo số..., ngày 23 tháng 3, 2010...” Và những ngày sau đó tiến hành việc phá dỡ, tất nhiên bắt đầu phá dỡ ở bên trong các cửa tiệm nhà hàng hiệu sách, các văn phòng giao dịch thương mại... Thời điểm tiến hành phá dỡ cũng là dịp nhà nước chuẩn bị chào mừng 35 năm ngày “giải phóng hoàn toàn miền Nam,” tiếp đó chào mừng kỷ niệm ngày sinh của “bác.” Nên khu tứ giác Eden có rất nhiều ngày nhộn nhạo, vừa tháo dỡ đục phá bên trong, vừa treo băng-rôn chào mừng cùng khắp, bao gồm cả những băng-rôn của các cửa tiệm, đơn vị thương mại... thông báo cho khách hàng biết địa điểm sẽ dời chuyển tới.

Căn phố ngay góc đường trước kia là tiệm ăn La Pagode, nơi giới viết văn, làm báo ở Sài Gòn
ngồi uống cà phê, đấu láo hàng ngày. (Hình: Nguyễn Ðạt)



Chúng tôi gặp hai du khách nước ngoài đứng trước một cửa tiệm - biển hiệu ghi: Boutique Ngọc Châu/Since 1969 - sắp di dời, họ lắc đầu, nói với chúng tôi: “Sài Gòn của các bạn rất kỳ lạ, phá bỏ một khu vực có kiến trúc xưa vững chắc, hoàn mỹ như Passages Eden. Chúng tôi không thấy nơi nào trên thế giới như vậy. Chúng tôi biết, như tại Ba Lan, nhà phố và các công trình kiến trúc ở Vac-sa-va bị tàn phá suốt thời kỳ Thế Chiến Thứ Hai, đã được xây dựng lại theo đúng nguyên dạng ngay khi có thể. Ở đây thì lại tự động phá bỏ những công trình kiến trúc đã làm nên vẻ đẹp của Sài Gòn...”
Ký giả Glen MacDonald, trong buổi chính quyền thành phố tổ chức gặp gỡ các hãng truyền thông và ký giả quốc tế nhân dịp kỷ niệm ngày 30 tháng 4 vừa qua, đã nêu câu hỏi về việc Sài Gòn phá bỏ “Passages Eden,” một trong những công trình có kiến trúc đẹp. Vị phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố đã trả lời rằng khu Eden là một công trình đã xuống cấp, phải khẩn trương xây dựng mới... Rồi nói lảng tránh, bào chữa, rằng thành phố đặc biệt quan tâm bảo tồn kiến trúc cảnh quan đẹp, trong đó có những kiến trúc xây dựng từ thời Pháp, đơn cử như tòa nhà Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố - Tòa Ðô Chính của Sài Gòn cũ.
Chúng tôi vẫn thường xuyên lui tới những lối Hành lang Eden tìm hình bóng cũ, uống cà phê Givral, vào Nhà sách Xuân Thu - Albert Portail cũ - xem sách ngoại văn, không hề thấy một dấu hiệu xuống cấp nào.
Khu tứ giác Eden, với những cửa tiệm sang trọng bán hàng ngoại nhập, xa xỉ phẩm, sách báo nước ngoài, luôn được gia cố, sửa chữa, chỉnh trang. Và nếu khu tứ giác Eden xuống cấp, thì cũng xuống cấp cùng với toàn bộ những công trình xây dựng từ thời Pháp, trong đó có tòa nhà Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố mà vị phó chủ tịch đã nhắc tới.

Quán cà phê Givral nhìn từ khách sạn Continental. (Hình: Nguyễn Quốc Chánh)


Chúng tôi nhận thấy, khu tứ giác Eden, với Hành lang Eden mang đậm màu sắc Sài Gòn cũ, dấu ấn tính cách sinh hoạt của dân chúng miền Nam tự do thuở trước. Và chúng tôi nghĩ, hẳn điều này không vui vẻ hòa hợp chút nào với những người đại thắng 30 tháng 4, những người luôn mang trong mình “cảm xúc hả hê đầy cảnh giác.”

No comments:

Post a Comment