Monday, November 30, 2009

Người Bán Sách Trên Bãi Biển Nha Trang



NGƯỜI BÁN SÁCH TRÊN BÃI BIỂN NHA-TRANG

Tôi trở về thăm quê hương sau hơn mười lăm năm, kể từ ngày vượt biển ra đi. Tôi quyết định điều này qua bao nhiêu đêm ưu tư trằn trọc. Tôi chẳng còn ai thân quen bên ấy để về thăm. Mẹ tôi mất hồi tôi mới lên năm. Cha tôi chết cuối năm 1977 trong trại tù cải tạo Đá Bàn, khi tôi đang ở một trại tù khác tận núi rừng Việt Bắc và mãi năm năm sau tôi mới nhận được tin buồn. Đứa em gái mà tôi thương quí nhất, mang hình ảnh của người mẹ mà tôi chỉ còn mơ hồ trong ký ức, cũng đã kết liễu cuộc đời ở cái tuổi tưởng chừng lúc nào cũng có cả một bầu trời xanh bao la trước mặt. Còn bạn bè tôi, thằng chết, đứa ra đi, gởi thân khắp bốn phương trời. Biết là lần trở về này, rồi cũng chẳng khác gì cái ngày cách đây mười sáu năm, từ một trại tù miền Bắc trở về, tôi bơ vơ lạc lõng trên chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Tôi cũng không có ý định về đây để tìm lại những kỷ niệm ngày xưa. Những “hang động tuổi thơ”chắc cũng đã biến mất trước bao nhiêu giông tố năm nào bất ngờ ụp xuống. Bây giờ chỉ còn sót lại chút ít trong lòng những người tha phương lưu lạc. Bản thân tôi có quá nhiều đớn đau và mất mát ngay trên chính cái thành phố một thời xinh đẹp này. Tôi sợ phải nhìn lại cái quá khứ hãi hùng và tang thương đó. Tôi về chỉ để làm một điều, mà nếu không làm được, lòng tôi sẽ ray rứt khôn nguôi. Có lẽ đến khi chết tôi vẫn không làm sao nhắm mắt.

Tôi về để tìm lại phần mộ của cha và em tôi, cải táng đem về an táng bên cạnh phần mộ của mẹ tôi trong nghĩa trang gia tộc ở quê tôi ngoài Vạn Giã. Đó là điều ước mơ của cha tôi, mỗi lần ông kể cho tôi nghe về mẹ tôi và chuyện tình khá lãng mạn nhưng cũng nhiều cay đắng của ông bà. Cha tôi được chôn cất sơ sài trên núi Đá Bàn, bên ngoài một trại tù cải tạo lúc xưa. Còn em gái tôi, được gia đình một cô bạn thân chôn cất tại một nghĩa trang ngoài Đồng Đế. Khó khăn và may mắn lắm tôi mới tìm được tin tức về mộ phần của cha và em tôi sau hơn hai mươi năm. Nhờ một người bạn cùng tù với cha tôi, chính tay ông đã đào huyệt cho cha tôi; và gia đình cô bạn thân của em gái tôi, vượt biên từ năm 1978, hiện định cư tận bên Hòa Lan, cung cấp chi tiết và vẻ cả bản đồ hướng dẫn cho tôi.

Ngồi trên máy bay, tôi lo lắng đủ điều. Mộ em tôi nằm trong một nghĩa trang, dù chưa được xây, nhưng có tấm bia đúc bằng xi-măng nên có lẽ dễ tìm; nhưng phần mộ của cha tôi, nằm trong núi và cái trại cải tạo ngày xưa bây giờ đã biến thành một khu kinh tế mới. Gần ba mươi năm rồi, có biết bao sự đổi thay.

Cuối cùng thì tâm nguyện của tôi cũng hoàn thành được một nửa. Trái ngược với những lo lắng ban đầu, tôi dễ dàng tìm ra phần mộ của cha tôi. Mặc dù bối cảnh chung quanh thay đổi, nhưng bà con ở vùng kinh tế mới này đa số là dân thành phố bị cưỡng bách “tự nguyện” lên đây, một số ngày xưa là lính và công chức. Biết đây là mộ của những người tù cải tạo, nên họ thương mà rào lại và giữ gìn. Những dịp cuối năm họ đều thắp hương, tảo mộ và kẻ lại tên trên những tấm bia bằng gỗ, dù đã rong rêu qua bao nhiêu mùa mưa nắng. Riêng phần mộ của em tôi, mò mẫm suốt cả hai tuần tôi vẫn tìm không ra. Cả khu nghĩa trang bây giờ thay đổi. Người chết nhiều quá. Nhiều ngôi mộ mới xây, nhưng cũng có một số đã được cải táng, dời đi nơi khác. Nhà cửa cất san sát bên nghĩa địa. Người sống bây giờ ở chung với người chết. Tôi bắt chước người xưa khấn vái, xin hồn thiêng em tôi về chỉ cho tôi ngôi mộ của em nằm. Nhưng lời vái của tôi vẫn không thiêng.

Tôi thuê người cải táng phần mộ của cha tôi. Đi từng nhà trong khu kinh tế mới cám ơn lòng tốt của mọi người. Đưa hài cốt của cha tôi về an táng bên cạnh mẹ tôi, trong nghĩa trang gia tộc, thuê thợ xây lại tất cả những ngôi mộ đã bao nhiêu năm không có ai chăm sóc.

Còn một ngày nữa là hết hạn visa. Tôi muốn đi một vòng, tìm lại chút gì của Nha-Trang xưa. Mùa hè Nha-Trang bây giờ dường như nóng bức hơn ngày xưa. Tôi thuê một chiếc xích lô chạy dọc theo con đường Duy-Tân cũ. Vừa để cho mát, vừa muốn tìm lại những lùm cây dương ngày trước, thuở chúng tôi và bạn bè hẹn hò sau những lúc tan trường. Một số lùm dương vẫn còn đó, nhưng trơ trọi, điêu tàn. Tôi bảo anh phu xe cho tôi xuống trường Võ-Tánh. Anh phu xe còn trẻ, thắng xe lại, ngạc nhiên. Tôi hiểu, nên tôi bảo tôi sẽ chỉ đường, anh cứ theo tôi. Ngôi trường cũ, nơi tôi có biết bao kỷ niệm của ba năm theo học, bây giờ không những cái tên trường, mà tất cả đều trở thành xa lạ. Những hàng cây phía trước không còn. Ngôi trường đứng chơ vơ, chẳng còn sót lại chút gì thơ mộng, gây trong tôi một cảm xúc bẽ bàng hơn là thương tiếc. Bất giác tôi nhớ đến em tôi. Đứa em gái xinh đẹp dễ thương, đã cho tôi cái ấm áp của cả một gia đình, trong những ngày chúng tôi lớn lên không có mẹ. Em học bên trường Nữ Trung Học, nhưng thường đến đây chờ tôi để hai anh em cùng ra biển. Em tôi thích tắm biển, nhưng ngại đến đó một mình nên thường rũ tôi đi theo hộ tống. Tôi tha hồ làm tình làm tội mấy anh chàng muốn đến làm quen, tán tỉnh em tôi. Tôi đi bộ dọc theo bãi biển, tìm đến khu có nhiều cây dừa trước trường Bá-Ninh lúc trước, nơi ngày xưa em tôi thường ngồi ở đó.

Tôi đưa mắt nhìn một vòng từ xa. Nơi bậc xi măng tiếp giáp bãi cát, một người tàn tật đang khó nhọc dùng cánh tay duy nhất còn lại giữ thăng bằng trườn xuống. Trông anh ta giống như một con cóc. Len lỏi trong đám người đi tắm, anh hướng về phía tôi ngồi. Lưng anh mang túi vải chứa đầy sách, và kéo lê trên cát một cái túi vải nữa, cũng toàn là sách. Anh lê lết từng quãng, từng quãng ngắn. Bất ngờ anh ta ngước lên. Thấy tôi gật đầu chào, anh ta nhìn tôi cười rạng rỡ, để lộ hàm răng trắng. Khuôn mặt tuấn tú, râu quai hàm, vầng trán cao với mấy sợi tóc vắt ngang rất nghệ sĩ. Anh dùng bàn tay duy nhất lôi một cuốn sách trong túi vải đang nằm trên mặt cát và từ từ mở ra. Tôi liếc qua. Cuốn sách có cái tựa viết bằng tiếng Anh, nói về chuyện chuyến tàu Titanic. Tôi nhớ đến cuốn phim cùng tên, mới quảng cáo rầm rộ trên truyền hình Na-Uy mà tôi chưa kịp đi xem. Bỗng tôi tròn mắt ngạc nhiên khi nghe anh mở lời chào và giới thiệu cuốn sách bằng tiếng Anh mà anh phát âm rất lưu loát, không thua kém gì những người Việt đã sinh sống lâu năm ở nước ngoài. Anh lầm tưởng tôi là người Nhật hay Đại Hàn gì đó. Tôi thán phục anh vô cùng và bảo với anh tôi là người Việt, định cư ở Na-Uy, nên trình độ tiếng Anh của tôi chỉ vừa đủ nói dăm ba câu xã giao, chứ làm gì có thể thưởng thức được văn chương. Tôi cám ơn anh và móc ví ra định biếu anh một chút tiền, nhưng anh vội đưa tay ngăn lại

- Cám ơn anh, nhưng xin anh để dành tiền cho những người còn nghèo khổ hơn tôi.

Anh nhỏ nhẹ bằng một giọng thân thiện và lễ độ.

Câu nói và thái độ của anh làm tôi rất đỗi ngạc nhiên. Vì từ khi trình giấy thông hành vào nước, trước những người mang lon, đội mão đại diện cho cả môt quốc gia mà cũng không có được phong thái thanh tao như anh; và chẳng lẽ ở trong cái thành phố ”mũi nhọn du lịch” này lại còn nhiều người khốn khổ hơn anh ?

Tôi đành mua một cuốn sách để anh vui lòng nhận tiền, nhưng rồi thấy anh cứ loay hoay moi hết túi nọ đến túi kia, để tìm đủ tiền thối lại cho tôi.

Tôi muốn hỏi thăm anh vài câu, nhưng anh đã nhoẻn miệng cười và gật đầu chào tôi rồi vội vàng lết sang mấy người khách nước ngoài đang nằm phơi nắng trên hàng ghế phía trước.

Từ hôm ấy, hình ảnh người tàn tật bán sách trên bãi biển Nha-Trang cứ lẩn quẩn trong đầu và theo tôi về tới Na-Uy; để rồi nếu có ai đó lỡ lời nói điều gì không mấy tốt về những người nghèo khổ ở Việt nam, tôi có cảm tưởng như đang xúc phạm đến anh, người bán sách khả kính mà tôi bất ngờ được gặp.

* * *

Năm sau, tôi lấy một tháng hè về lại Việt nam. Lần này tôi mua vé và nhờ cha cô bạn của em tôi, từ Hòa Lan, cùng về với tôi. Ông là người đã giúp chôn cất em tôi ngày trước. Tôi không ngờ là mình phải về lại Việt nam lần thứ hai. Một điều mà trước đây tôi không hề nghĩ tới... Nhưng tôi phải làm tròn bổn phận của người anh với cô em gái, mà nếu trước kia tôi lo lắng cho nó chu đáo hơn, biết đâu bây giờ nó còn sống để cho tôi khỏi cảnh côi cút một mình.

Sau một chuyến bay dài, tôi mệt đừ người. Tôi trở về từ vùng Bắc Âu lạnh lẽo, bây giờ lại gặp cái nắng oi nồng của vùng nhiệt đới. Sau khi thuê khách sạn xong, tôi chạy ngay ra biển tắm. Nằm dài trên bãi cát, tôi bỗng nhớ tới người bán sách năm xưa. Tôi thả bộ theo bờ biển về hướng mấy cái lều có bóng dáng nhiều người ngoại quốc đang từ khách sạn kéo ra, bỗng mắt tôi sáng lên khi nhìn thấy người tàn tật đang lê lết theo sau. Cũng hai cái túi vải đựng sách. Đúng là anh tàn tật bán sách năm trước chứ còn ai. Tôi mừng thầm như sắp sửa được gặp lại con người mà bấy lâu nay tôi thường nghĩ tới với lòng mến mộ. Tôi suy nghĩ làm cách nào để anh ta vui lòng nhận sự giúp đỡ của mình. Nhưng người tàn tật lúc nào cũng bám sát vào những người nước ngoài. Tôi để ý thấy người ta cũng không mua sách và chỉ cho anh tiền. Tôi ngạc nhiên khi thấy anh ta cười, hớn hở nhận tiền rất điệu nghệ, không nghe anh nói cái câu thật tử tế mà một năm trước anh đã lễ phép nói với tôi “Cám ơn anh, nhưng xin anh để dành cho những người còn nghèo khổ hơn tôi”. Một cái gì đó thật đẹp vừa bị sụp đổ trong lòng. Tôi cảm thấy người nóng hừng hực. Không biết là sức nóng giữa ban trưa hay vì máu nóng bốc lên đầu. Tôi cắm đầu chạy lao vào những đợt sóng cuồng nộ đang từ ngoài khơi đổ vào bờ.

Nước biển trong xanh, sóng biển như những cánh tay ôm tôi vào lòng vuốt ve, dỗ dành. Mặt nước mênh mông, trãi rộng đến những dãy núi mờ xanh tận cuối chân trời. Tôi nghe văng vẳng trong không gian như có ai đang dạo đàn bản Nha Trang Ngày Về. Thiên nhiên phần nào giúp tâm hồn con người rộng mở và dễ cảm thông hơn.

Sau một hồi quần với sóng biển, tôi cũng tạm quên người tàn tật bán sách đã làm tôi hụt hẫng. Nhưng khi vừa bước lên bờ cát thì tôi lại trông thấy anh ta đang o bế mấy người nước ngoài và đưa tay xin cả thức ăn thừa. Tôi nghi ngờ, có thể là người tàn tật này không phải là người tàn tật năm xưa. Tôi đến gần hỏi thăm. Nhưng chưa hỏi hết câu hắn đã “Đ.m. cái khứa đói rã họng ra mà còn làm cao ấy hả. Chết mẹ nó rồi.”

Chỉ nghe cái giọng lỗ mãng của hắn, tôi đủ biết chắc hắn ta không phải là anh – người tàn tật bán sách mà năm trước tôi đã gặp -. Tôi theo người bán sách này với ý định hỏi thăm thêm về anh cho ra lẽ, nhưng thấy hắn ta chẳng mấy tha thiết. Hắn di chuyển chậm, nhưng mắt hắn lại quan sát thật nhanh về những đám người đang xuống bãi ở quãng xa. Và khi đi ngang qua chỗ ngồi của người đàn bà bán cua luột, hắn hất hàm bảo: ” Đó, vợ khứa đó ! ”

Tôi liền chụp ngay cơ hội, hy vọng tìm ra manh mối. Nhưng khi tôi lân la lại gần, thấy chị bán cua luột này có vẻ nghiêm trang khác với những người bán hàng rong bình thường, tôi không biết phải bắt đầu làm sao. Tôi mua hết con cua này tới con cua khác mà chẳng ăn con nào. Và cứ mỗi lần chị định quảy gánh đi chỗ khác, tôi gọi giật lại mua thêm một con nữa để giữ chân chị. Vừa lúc chị nhận ra người khách mua cua này cũng có gì khác thường, tôi buột miệng : “Chị là vợ của người tàn tật bán sách trên bãi biển này mấy năm trước ?”. Chị ngớ người ra, im lặng nhìn tôi. Có lẽ thấy tôi là một người xa lạ sao lại tò mò vào một chuyện riêng tư. Tôi kể cho chị nghe cái cảm tình đặc biệt mà tôi đã dành cho anh ấy. Tôi muốn tìm cách giúp anh một phần nào nỗi thống khổ tật nguyền. Tôi tha thiết muốn biết về anh. Dường như những lời chân thật của tôi làm cho chị xúc động. Chị nhìn tôi, đôi mắt thật buồn :

- Em không phải là vợ của anh ấy. Tụi em cùng cảnh khổ nên đùm bọc lấy nhau mà sống. Một số người đùa, gán ghép tụi em rồi quen gọi thế thôi, anh ạ. Anh ấy đã chết cách nay hơn tám tháng. Em đã lo chôn cất anh ấy.
Lòng tôi thắt lại, một phần vì cảm thương anh trong cảnh khốn cùng, một phần ân hận là giá năm trước mình tìm cách giúp đỡ anh, biết đâu đã cứu được anh. Tôi có ý muốn nhờ chị đưa tôi ra mộ để thắp cho anh nén hương. Chị ngại ngùng nhưng cuối cùng gật đầu hẹn bốn giờ chiều chờ tôi trước khách sạn tôi ở.

Tôi thuê chiếc taxi, và xin phép cùng ngồi với chị ở băng ghế sau để dễ dàng trò chuyện. Trên đường ra nghĩa trang, chị say sưa tâm tình cùng tôi, như từ lâu lắm chị không có dịp nói ra những điều bao năm dấu kín trong lòng. Chị tên Trang. Cha chị trước kia là một trung sĩ địa phương quân, bị thương năm 1968, trong trận tết Mậu Thân, nên được giải ngũ. Mẹ chị mất từ khi chị còn bé lắm. Cha chị không chịu tục huyền mà ở vậy nuôi đứa con độc nhất của mình. Nhờ số tiền trợ cấp ban đầu, ông mua được một căn nhà tôn trong khu dành cho thương phế binh, nằm phía sau ga xe lửa. Ông xin được cái chân bán vé cho hãng xe đò Phi Long ở bến xe Xóm Mới. Lương ba cọc ba đồng cộng với tiền hưu bỗng hàng tháng, ông dành dụm cố lo lắng cho cô con gái học hành. Năm 1974, xong lớp 12, chị thi đậu vào trường sư phạm. Sau ngày Nha-Trang “giải phóng”, chị bị loại ra bởi lý lịch “ngụy quân” của cha. Lúc này, gia đình trở nên bi đát. Cha chị, tất nhiên, không còn được lãnh tiền hưu bỗng ngày trước, chị không tìm ra bất cứ việc gì làm. Cuối cùng cha chị đành phải bán một nửa căn nhà vốn đã chật chội để mua một chiếc xích lô làm phương tiện sinh nhai. Còn chị thì đi bán hàng rong từ dạo ấy.

- Đến bây giờ ông cụ vẫn còn đạp xích lô ? Tôi tò mò hỏi.

- Ông mất lâu rồi anh ạ. Tội nghiệp, ông thương anh Bá lắm, xem anh ấy như con.

Tôi ngạc nhiên :

- Anh Bá nào ?

- Người tàn tật bán sách đó.

Đến bây giờ tôi mới biết tên của anh.
Chị cho biết anh Bá ngày xưa là trung úy phi công. Máy bay của anh bị bắn rơi vào những ngày Sài gòn nguy khốn, khi yểm trợ cho mặt trận Long Khánh của Sư đoàn Tướng Đảo.

Anh được anh em bộ binh tiếp cứu, nhưng anh bị thương rất nặng, phải đưa về tổng y viện Cộng Hòa. Sau cuộc giải phẫu khá dài, anh tỉnh lại. Nhưng khi biết được mình bị mất hai chân và một cánh tay, anh ngất xỉu và hôn mê suốt cả một tuần. Ngay sau khi Sài gòn vừa “giải phóng”, anh bị đuổi ra khỏi Tổng Y viện Cộng Hòa khi vết thương chưa lành. Gần hai tháng sau cha em gặp anh ấy trên bến xe Xóm Mới. Biết được phần nào hoàn cảnh thương tâm, cha em lấy xích lô chở anh về nhà chăm sóc vết thương và anh sống với cha con em từ dạo ấy.

- Anh ấy không có thân nhân. Tôi hỏi
- Anh có một cô em gái ở đây, nhưng mà chết lâu rồi. Ban đầu không nghe anh nói điều này. Mãi sau này thấy trên đầu giường của anh có thờ tấm ảnh của một cô con gái và có nhiều đêm rất khuya anh ngồi bất động trước tấm ảnh, cha em hỏi mấy lần, anh mới bảo đó là cô em gái duy nhất của anh.

- Anh không còn bạn bè ?

- Nghe nói anh đang học một khóa phi hành ở đâu bên Mỹ, rồi nhờ có trình độ anh ngữ khá, anh được lưu lại Mỹ làm sĩ quan liên lạc không quân. Nghe tin miền Nam nguy khốn, anh tình nguyện xin về chiến đấu. Vừa về nước, anh ra chiến trường ngay và bị nạn khi đang bay phi vụ thứ hai. Có lẽ vì vậy mà không nghe anh nhắc tới bạn bè.
Xe dừng lại, tôi bước xuống trả tiền và bảo anh tài xế chờ tôi hoặc có thể quay lại sau 30 phút. Tôi bước vào nghĩa trang khi lòng còn vương vấn một câu chuyện buồn. Tiếng chuông nhà thờ từ đâu vọng lại càng làm cho lòng tôi chùn xuống. Đi quanh co một lúc, chị Trang bảo tôi dừng lại và chỉ cho tôi ngôi mộ của anh Bá, nằm bên cạnh ngôi mộ của cô em gái. Cả hai ngôi mộ được xây bằng đá đơn giản, trên tấm bia có cả tấm ảnh.

Tôi ngạc nhiên khi thấy trên mộ bia anh Bá có hình một thập tự giá, vì đây là nghĩa trang Phật giáo. Tôi đến trước mộ anh, thắp ba nén hương thầm khấn vái cho anh được sống an bình trong một thế giới chẳng còn thù hận, và nói lên lòng cảm mến của một người đồng đội cũ. Tôi nhìn kỹ tấm ảnh của anh trên mộ bia, tấm ảnh chụp lúc anh còn là sinh viên sĩ quan không quân, phong độ, hào hùng. Trông khuôn mặt quen quen. Có lẽ do bộ quân phục làm tôi nhớ tới khuôn mặt của những bạn bè ngày trước.

Tôi bước sang mộ cô em gái, thắp ba nén hương cho một người không hề quen biết. Tôi tò mò bước lên xem tấm ảnh trên mộ bia. Bỗng đầu óc tôi choáng váng, mắt tôi mờ đi như chẳng còn trông thấy những gì trước mặt. Trời ơi, có điều gì lầm lẫn hay không ? Người trong tấm ảnh chính là An Bình, cô em gái yêu dấu của tôi.

Tôi cố gắng lấy lại bình tĩnh, mở đôi mắt thật to để nhìn kỹ lại tấm ảnh. Không thể lầm lẫn được. Chính tấm ảnh của em tôi mà tôi vẫn treo trên bàn thờ cùng với ảnh của cha và mẹ của tôi. Tôi vẫn thường đứng hằng giờ trước những tấm ảnh này mỗi khi thấy mình quá đỗi cô đơn trên xứ lạ quê người. Làm sao tôi có thể nhầm lẫn được. Bỗng dưng tôi khóc sụt sùi.

Trang nhìn tôi ngạc nhiên :

- Anh có quen biết em gái anh Bá ?

Tôi im lặng không trả lời, bảo chị cùng đi với tôi. Chiếc taxi vẫn còn đợi tôi tự nãy giờ. Tôi móc bóp tìm địa chỉ của cha cô bạn thân của em tôi, đã từ Hòa Lan về đây trước tôi hai ngày, và chúng tôi hẹn gặp nhau ngày mai. Bác trọ ở nhà một người em trong khu cầu Xóm Bóng. Tôi đưa địa chỉ cho anh tài xế. Chỉ hơn năm phút sau là anh ta đã tìm được. May mắn là bác có ở nhà. Tôi xin lỗi bác là đã đến tìm bác sớm hơn ngày hẹn. Báo cho bác là tôi đã bất ngờ tìm được mộ của em tôi. Xin bác cùng đi với tôi ra nghĩa trang để xác nhận lại vị trí ngôi mộ của em tôi mà ngày trước bác đã có lòng chôn cất hộ.

Trở lại nghĩa trang, tôi đề nghị bác dẫn đường, như muốn để xác minh chắc chắn là bác biết rõ ngôi mộ ấy. Bác mò mẫm gần 30 phút mới tìm được ngôi mộ của em tôi. Bác ngạc nhiên là ngày ấy bác chỉ kịp dựng một tấm bia, chứ không có xây mộ đá như bây giờ, và trên bia cũng chỉ có tên chứ không có hình ảnh của em tôi.

Tự nãy giờ Trang vẫn còn ngạc nhiên, không biết rõ việc gì. Tại sao cô gái này là em gái duy nhất của anh Bá mà cùng là em gái của tôi ? Tôi xin lỗi vì xúc động quá, tôi sẽ kể cho Trang nghe trên đường về nhà.

Tôi đưa cha cô bạn của em tôi về lại nhà trọ, cám ơn bác và hẹn gặp lại bác vài hôm sau. Trên đường về, tôi kể lại cho Trang nghe về hoàn cảnh của gia đình tôi. Tôi đi lính xa nhà, mỗi năm chỉ về phép một đôi lần.
An Bình, đứa em gái duy nhất của tôi ở Nha-Trang với cha tôi. Ông là một thầy giáo, ngày xưa dạy ở trường Pháp-Việt lúc tôi mới lên ba. Sau ngày về hưu ông được bà con mời làm chủ tịch hội đồng xã. Ông bị bắt vào trại cải tạo Đá Bàn sau ngày Nha-Trang “giải phóng”, rồi vì tuổi già sức yếu, không chịu nổi sự tra tấn, ông đã chết gần một năm sau đó. Em gái tôi nối nghiệp cha, sau khi tốt nghiệp ở trường sư phạm Qui Nhơn, vì hoàn cảnh gia đình, được về dạy ở Nha Trang. Có lần tôi về phép, em kể cho tôi nghe về mối tình của em với một chàng sinh viên sĩ quan không quân. Em có đưa cả tấm ảnh cho tôi xem và hẹn sẽ giới thiệu với tôi khi chàng ta ở Mỹ trở về. Em lo lắng vì anh là người Bắc di cư, công giáo, không hiểu có khó khăn gì cho cuộc hôn nhân. Tôi bảo nó yên tâm, ba tôi theo tây học, nên ông quan niệm về tôn giáo rộng rãi lắm.

Sau khi cha tôi vào trại cải tạo, căn nhà của chúng tôi bị nhà cầm quyền mới tịch thu để làm hợp tác xã mua bán. Em tôi không được tiếp tục dạy học nữa nên ra Xóm Bóng ở chung với cô bạn học nối khố tự ngày xưa, chắt chiu số tiền còn dành dụm được để thăm nuôi cha tôi. Ngay sau ngày Sài-gòn mất, em có vào tìm thăm tôi và người yêu của cô. Hơn hai tuần đi thăm hỏi khắp nơi, em tôi về nằm khóc cả mấy ngày liền, nói với tôi là người yêu của nó đã chết mất xác ở chiến trường Long-Khánh. Tôi an ủi em tôi, bảo nó về Nha-Trang cố gắng thay tôi lo lắng cho cha, chờ ngày cha và tôi trở về sum họp. Tôi vào tù hơn sáu tháng, hai lần được phép gởi thư về nhà, vẫn không thấy em gái hồi âm. Cho mãi trước khi được chuyển ra Bắc, tôi mới nhận được thư của cô bạn thân của nó, báo tin là nó không kiếm được việc gì làm, túng quẫn, buồn chán, nên đã uống nguyên một ống thuốc ngủ. Gia đình cô chở vào bệnh viện, nhưng không cứu được, vì không tìm ra thuốc giải.
Chị Trang suy nghĩ miên man và như chợt nhớ ra được điều gì. Chị bảo khi còn sống, anh Bá không đi làm vào ngày chủ nhật. Anh đi lễ nhà thờ rồi ra mộ suốt cả ngày. Chính anh đã dành dụm tiền bạc thuê người xây lại ngôi mộ và mua phần đất dành cho mình. Khi chôn cất anh xong, chị tìm thấy một tập nhật ký dấu kỹ dưới đầu giường. Chị vẫn còn để trên bàn thờ, chờ ngày giáp năm thì đốt luôn. Chị bảo tôi cùng về nhà với chị, để chị trao lại cuốn nhật ký, kỷ vật duy nhất của một người cùng sống chung trong cảnh khốn cùng với cha con chị trong gần ba mươi năm, và bây giờ mới biết đó là người yêu của cô em gái thương quí của tôi.

Chị bảo taxi dừng lại trước một ngõ tắt phía sau ga xe lửa. Tôi trả tiền, theo chị băng qua hai con đường sắt, đi quanh co theo mấy con hẻm thì đến nhà. Tôi xin phép thắp hương trước bàn thờ của ba chị và Bá, trên một cái kệ nhỏ bằng gỗ treo trên vách. Tôi khẩn khoản xin chị nhận một số tiền để chăm sóc ngôi mộ của ông cụ, em gái tôi và Bá, một ít làm vốn buôn bán để đỡ vất vả hơn xưa. Tôi xin nhận Trang là cô em kết nghĩa và từ nay Trang là người thân quen duy nhất của tôi còn lại ở Nha-Trang. Chia tay, tôi đi bộ về khách sạn, cầm theo cuốn nhật ký trên tay, mà cứ tưởng như mình vừa nhận một món quà quí giá của người thân gởi về từ một cõi nào đó thật xa xăm.

Ngày 2/5

Vết thương còn đau đớn và máu còn thấm đỏ qua mấy lớp băng, vậy mà mình bị người ta đuổi ra khỏi Tổng Y Viện Cộng Hòa, trong hoàn cảnh tứ cố vô thân. May mắn nhờ một ân nhân nghèo nhưng lại giàu lòng bác ái, đùm bọc, nuôi nấng và chăm sóc vết thương.

Nhiều lần, trong vực sâu tuyệt vọng, mình không muốn sống thêm một ngày nào nữa, nhưng lòng mình lúc nào cũng hướng về chúa Kitô, và xin phó thác tất cả ở nơi Ngài.

......

Ngày 20/6
Cuối cùng, thì mình quyết định trở về Nha-trang, bởi lẽ mình không còn có một chỗ nào khác để trở về. Mình về đây để tìm lại những kỷ niệm đẹp đẽ nhất của đời mình, của những ngày mình còn có An-Bình. Từ ngày gặp An-Bình, mình nghĩ là mình đã thuộc về Nha-Trang, miền thùy dương rạt rào thơ mộng này. Đau đớn thay, hôm nay mình chẳng phải là mình ngày trước, mà chỉ là một kẻ tật nguyền thê thảm. Mình sẽ không bao giờ gặp lại An-Bình, mà chỉ mong về đây để được sống với hình ảnh của nàng

Ngày 08/7
Ngày hôm nay có lẽ là ngày đau đớn nhất trong đời mình. Đau đớn hơn cả cái ngày mình tỉnh dậy trong quân y viện và biết mình trở thành một người tàn phế. Mình lê lết khắp nơi hỏi thăm tin tức An-Bình, được biết là em đã quyên sinh. An-Bình ơi, xin em hãy tha thứ cho anh. Trong vận cùng của một đất nước mà anh chỉ là một thằng lính hèn mọn nhỏ nhoi, làm sao có thể giữ được bầu trời Nha-Trang này cho em, và cho những kỷ niệm của chúng mình...
Một hồi chuông nhà thờ làm tôi giật mình. Ngẫng đầu lên mới biết mình đang đừng trước nhà thờ đá. Tôi thẩn thờ bước lên những bậc “tam cấp”, đến trước tượng Đức Mẹ. Tôi là người ngoại đạo, không biết phải cầu nguyện như thế nào. Tôi chấp hai tay trước ngực, kính cẩn xin Thiên Chúa từ bi và Đức Mẹ Maria cứu vớt linh hồn của hai người hoạn nạn và xin cho họ được cùng phục sinh với Chúa để tình yêu của họ mãi mãi vĩnh hằng trong một thế giới bình an, không còn có hận thù.

Tôi không còn ý định dời ngôi mộ em tôi về bên cạnh cha mẹ tôi. Tôi về quê, quỳ trước mộ cha mẹ tôi để xin phép được xây lại hai ngôi mộ của em tôi và Bá chung trong một vòng thành. Không ai có quyền chia rẽ họ thêm một lần nữa, dù bây giờ chỉ còn là một thế giới vô hình.

Cũng như lần trước, ngày cuối cùng, tôi thuê xích lô đi một vòng dọc theo con đường Duy Tân cũ. Con đường đẹp nhất của Nha-Trang. Những cơ sở công quyền, những dinh thự của cán bộ bây giờ đựơc dựng lên nguy nga đồ sộ. Nhìn lá cờ màu đỏ trên mấy nóc nhà, bỗng dưng tôi lạnh toát cả người.

Chẳng lẽ những thay đổi “to lớn” ấy mà phải xây trên máu xương, trên những đớn đau, chia lìa thảm khốc của bao nhiêu thế hệ đã từng một thời góp sức tạo nên cái thành phố hiền hòa thơ mộng này. Bỗng chốc, tôi không còn nhìn thấy thành phố Nha-Trang đâu nữa. Trước mắt tôi bây giờ chỉ còn là một bãi tha ma, dài ra, vô tận. Tôi nghe trong gió văng vẳng tiếng đàn dạo bài Nha-Trang, mà ngày xưa đài phát thanh Nha-Trang dùng làm nhạc hiệu mở đầu. Tôi nhớ tới cái chết thảm khốc của nhạc sĩ Minh-Kỳ, tác giả bản nhạc quen thuộc một thời này, ông cũng đã bị giết vào tháng 8/75, khi cùng bị nhốt chung với tôi trong trại tù cải tạo An Dưỡng, Biên Hòa.
Phạm Tín An Ninh
(Vương Quôc Na-Uy)

Thursday, November 5, 2009

Buổi Chiều Ở Thị Trấn: SÔNG PHA


Mưa càng lúc càng nặng hạt. Thị trấn Sông Pha với hai dãy phố trên quốc lộ 20 như chìm ngập trong mưa. Người đàn ông lom khom chạy, tay che đầu, cổ rụt xuống, tưởng như thế mưa sẽ không đổ xuống người. Khi đến một quán ăn, ông ta tạt vào hiên, đứng giũ giũ áo, phủi nước trên tóc rồi mới bước hẳn vào trong. Một cái quán bình thường, giống như bâùt cứ quán cơm, phở, mì nào trên quốc lộ, tỉnh lộ. Cũng mái tôle, vách ván, vài cái bàn gỗ mộc, trên để ống đũa, muỗng, mấy chai xì dầu, nước mắm...vài con ruồi bay lãng vãng. Mùi ẩm mốc, mùi đất lẫn với mùi thức ăn gợi cho ông ta cảm giác dễ chịu, tưởng như quen thuộc với nơi nầy rất lâu.

Trong quán đã có vài ba người đang xì xụp ăn, mấy ly bia đã cạn. Có lẽ họ là thợ rừng vì bên lề đường có một xe be chở mấy súc gỗ to tướng, dài cỡ vài chục mét. Họ vừa ăn vừa nói chuyện nhát gừng với nhau. Người đàn ông tìm một góc, ngồi tránh gió lùa. Qua khung cửa sổ ông ta nhìn đăm đăm cái dốc cầu lỡ lói, rồi nghiêng người nhìn cho rõ cái cầu sắt, đen đủi, giống một con thú yên lặng chịu đựng cơn mưa lạnh. Mấy người đàn ông ăn xong, kêu lên “Tính tiền, bà chủ!” Một chị đàn bà, cỡ dưới bốn mươi, từ sau quày đi ra. Họ đối đáp, cười nói xã giao vài câu trong lúc trả tiền, rồi toán đàn ông cũng lom khom chạy ra xe, nổ máy. Chiếc xe be ì ạch leo lên giốc cầu, chậm chạp như con khủng long trườn qua giòng nước chảy xiếc phía dưới, mờ dần trong mưa.

Có tiếng lao xao ngoài đường. Mấy toán học sinh đi học về. Chúng đi từng bọn với nhau, trò chuyện. Những chiếc áo mưa đủ màu. Bọn con gái đi nép dưới hiên nhà, bọn con trai thì lội ngược giòng nước mưa, dùng chân tạt nước vào nhau, đuổi nhau...Buổi chiều mưa u ám bỗng như sống động hẳn lên vì lũ học sinh. Người đàn ông chợt nhớ lại, lần trước, cách đây vài mươi năm, ông cũng ngồi trong quán ăn nhìn ra đường và bọn học trò cũng đi học về. Cảnh vật, nhà cửa hai bên đường đã hoàn toàn đổi khác nhưng chiếc cầu sắt và lũ học trò vẫn thế, dù lần trước trời không mưa, các cô thì áo dài trắng, các cậu quần xanh áo trắng. Ông ngạc nhiên tưởng chừng những cô cậu học sinh ngoài kia vẫn cứ đi học từ lúc đó đến bây giờ. Dáng đi dịu dàng của các cô, vẻ nhanh nhẹn vô tư của các cậu vẫn thế. Và nếu không có cơn mưa, ông đã đứng trên dốc cầu ngắm các cô đi học về rồi lần xuống bờ sông, nhìn mê mãi giòng nước như ông đã làm trước đây, khi ông còn trai trẻ.
“Thưa ông dùng chi?”
Chị chủ quán đứng bên ông tự lúc nào “Xin lỗi chị!..”
“Dạ, không sao. Ông có định ăn hay uống món gì? Hay ông chỉ ngồi trú mưa, cũng không sao!”
“Chị có cháo lòng không? Tôi nhớ lần trước, có ghé lại một quán ăn nào đó, hình như đằng kia kìa, có món cháo lòng ngon lắm”
“Dạ tôi cũng có cháo lòng nhưng có lẽ không ngon như ở cái quán mà trước đây ông đã ăn”
“Thú thật tôi cũng không nhớ có ngon không, nhưng ở đó có một kỷ niệm nên tất cả thành ra đẹp và ngon. Lúc nãy tôi đi tìm quán cháo lòng thì người ta chỉ đến đây. Bây giờ sao không còn thấy cái quán đó nữa, chị?”
“Dạ, quán đó đã đóng cửa, bán nhà cho người khác rồi”
“Tiếc quá! Chị cho tô cháo” Trong lúc chị chủ quán lúi húi làm việc, ông ta để ý mới biết phía trước là quán ăn, phía sau làm nơi cư ngụ của cả gia đình. Lối đi vô nhà sau nằm ngay nơi bếp, cách biệt hẳn hai nơi rõ rệt.
Một cô học trò chạy ùa vào nhà “Thưa mẹ, con đi học về!” Nó xoay qua chào ông khách “Chào bác ạ!” “Vâng, chào cháu!” Nó chào xong là biến mất sau cửa.
“Hùng ơi! Nhớ nấu cơm kẻo ba con về không kịp” Tiếng con bé từ sau nhà vọng ra “Sao giờ nầy ba chưa về, mẹ?”
“Nghe ba con nói chiều nay ghé trường đón em con rồi ra xưởng họp hành gì đó” Chị chủ quán bưng tô cháo đến, ông ta hỏi “Con gái sao đặt tên Hùng như con trai?” Chị cười “Ở trường nó tên Hồng, ở nhà quen gọi Hùng từ lúc nhỏ, chúng tôi cắt tóc ngắn, cho mặc đồ con trai, chúng tôi thích con trai...”
“Tôi thấy tên Hùng đặt cho con gái có vẻ hợp lý. Nhiều ông tên Hùng mà chẳng hùng dũng gì cả, như tôi chẳng hạn”

Chị chủ quán đặt tô cháo trên bàn, không trả lời, chỉ liếc nhìn ông khách, xong chị quay về ngồi sau quầy, khuất sau mấy bó hành xanh, ớt chín đỏ treo tòn teng như những vật trang trí. Người đàn ông thong thả nhai những miếng lòng, miếng gan, mắt vẫn lơ đãng nhìn ra đường mưa. Chị chủ quán chăm chú nhìn ông khách ăn, rồi như chợt nhớ ra điều gì, chị lấy trái chanh, xắc mấy miếng, đặt trên cái đĩa nhỏ mang ra
“Tôi quên đem chanh. Ông có uống gì không? Nước ngọt hay bia?”
“Chị cho tôi xin trà nóng. Trời mưa uống trà thích lắm”
“Dạ, ông chờ cho chút, tôi có sau nhà, trà cho khách uống không được ngon”
“Cám ơn chị. Có lẽ tôi là khách đặc biệt mới được chị đãi trà ngon”
“Dạ, tôi đoán ông sành uống trà nên phải có trà thơm cho ông. Thường ngày khách chỉ uống cà phê, trà buổi sáng. Họ ngồi chuyện trò cả buổi nên chỉ dùng trà thường”

Chị chủ lại về ngồi chỗ cũ. Cô gái sau nhà đi ra, âu yếm ôm vai mẹ. Hai mẹ con chuyện trò nho nhỏ gì đấy. Ông khách nhìn và cười
“Ra đường người ta tưởng là hai chị em. Giống nhau quá!” Chị chủ quán cũng cười
“Nó lớn rồi, lên trung học mà cứ làm nũng với mẹ như con nít” Chị nói với con gái
“Nước sôi rồi, con lấy hộp trà trên bàn thờ ra đây cho mẹ. Xong rồi lo học bài, làm bài. Theo mẹ hoài, bác khách cười cho”

Ông khách không dám nhìn lâu, sợ bất nhã, nhưng cũng nhận ra chị chủ quán có đôi mắt đẹp và buồn xa xăm như đăm chiêu về một nơi nào. Bỗng ông nhíu mày lại, đôi mắt đó, hình như ông đã gặp ở đâu? Ông ngước nhìn chị, bắt gặp chị ta cũng đang nhìn ông. Cả hai có vẻ bối rối.
Ông đành hỏi một câu cho bớt ngượng
“Chị lập quán nầy lâu chưa?”
“Dạ, sau giải phóng độ vài năm”
“Chắc chị người vùng nầy? Tôi nhớ lần trước có thấy đâu đó mấy chữ Thị Trấn Sông Pha, hình như lúc vừa từ đèo đổ xuống, chữ lớn lắm”
“Nó còn đấy chứ, có lẽ trời mưa nên ông không thấy” Chị chủ quán bưng bình trà và một cái tách trên một khay nhỏ
“Mời ông dùng trà”
“Cám ơn chị. Buôn bán có khá không chị?”
“Dạ, cũng đủ sống. Mọi khi trời không mưa thì giờ nầy cũng có lai rai khách đến nhậu”
“Chị cho tính tiền”

Sau khi trả tiền, ông khách nhìn ra đường
“Mưa lớn quá!”
“Mọi năm, tháng nầy đâu có mưa. Hôm qua trời còn nắng mà cũng không lạnh” Và như hiểu ý, chị nói “Trời còn mưa, nếu không vội, ông cứ ngồi đây tự nhiên”
“Cám ơn chị, tôi định đi loanh quanh đây, nhưng mưa quá!”
“Có lẽ ông muốn tìm ai?”
“Tôi tìm một người quen. Thú thật, tôi chỉ nhớ tên, chứ không nhớ rõ người, lâu quá!”
“Chắc ông biết nhà?”
“Thì cái quán đằng kia, nhưng đã đổi chủ rồi nên tôi chỉ đi lang thang cho đỡ buồn. Nói đúng ra, tôi tìm một kỷ niệm. Mà chị biết, kỷ niệm thì người thích thì giữ, người không thích không muốn nhớ đến. Nhiều khi chuyện không đâu, chẳng có gì đáng nhớ, lại nhớ suốt đời...”

Chị chủ quán về lại sau quày, có vẻ tò mò
“Người quen mà mình quên mặt! Thế làm sao ông tìm?”
“ Giả như có tìm ra người, chắc gì người nhớ ra mình. Lâu quá! Cỡ vài mươi năm, cho nên tôi tìm cho biết thôi. Tôi nói thế nầy, chắc chị thông cảm với tôi liền. Bây giờ, tình cờ chị tìm thấy quyển vở, quyển sách thời còn đi học, hay rõ hơn, chị đọc lại quyển lưu bút chẳng hạn, chị sẽ bồi hồi nhớ lại tất cả, thương yêu tất cả. Mà những người bạn trước kia, nay đã khác rồi, từ gương mặt đến tâm hồn, suy nghĩ, cho nên trong những giây phút hồi tưởng đó, cách tốt nhất là chị đến trường cũ đứng nhìn, chị sẽ thấy lại cả một quãng đời thanh xuân với bạn bè ngày trước... Nghĩa là nó ở một thế giới khác, cách biệt hẳn với hiện tại. Tôi cũng thế, tôi muốn đến đấy, ngồi lại cái quán ăn cách đây mấy chục năm, gọi một tô cháo, ăn xong, lang thang trên đường nầy, đứng ở dốc cầu kia, ngắm mấy cô nữ sinh đi học về, rồi xuống dưới bờ nhìn giòng sông. Cũng may, con đường còn nguyên, cây cầu còn nguyên, giòng nước thì vẫn thế, chỉ có cái quán ăn không còn mà thôi. Cái lạ là người tôi muốn tìm, tôi cũng ước ao cô ta vẫn chỉ độ mười sáu, mười bảy tuổi thôi. Không phải cho tôi bây giờ, mà để tôi tìm thấy tôi lần đầu tiên trong đời được cô ta ban cho cái hạnh phúc đẹp đẻ, thánh thiện của tình yêu. Cho nên tôi nói với chị là tôi đi tìm dĩ vãng, tìm người cũng có, nhưng lại không muốn gặp người”

Ông khách nói một hơi như sợ không còn dịp để thổ lộ ý nghĩ mình. Chị chủ quán có vẻ thông cảm
“Coi bộ ông cũng lãng mạn dữ. Nhưng giả dụ, nay, ông gặp lại người cũ, dĩ nhiên bây giờ già rồi, xấu rồi, ông còn giữ tình cảm, đúng ra, tình yêu của ông đối với người đó không?”
“Chị với tôi đều lớn tuổi rồi, nên tôi nói chị sẽ hiểu ngay. Tình yêu lúc đầu là dáng người, ánh mắt, miệng cười, lời nói...Rồi theo thời gian nó không là hình bóng nữa mà là sự cảm thông, chấp nhận, hòa tan vào nhau. Ý tôi muốn nói ở đây là dù cô ta có thế nào tôi vẫn cứ yêu thương. Tôi yêu cái tình mà tôi tin rằng cô ta yêu tôi, yêu cả tình tôi yêu cô ta nữa. Thật khó giải thích! Nhưng chị còn nhớ một bài thơ của ông Phan Khôi có câu “Liếc đưa nhau đi rồi! Con mắt còn có đuôi”?

Qua bao năm dài nó còn lại là tấm lòng chứ không phải vì tuổi tác hay sắc diện bề ngoài” Bàn của ông khách cách quày của chị chủ quán độ năm mét, nhưng tiếng mưa nghe rào rào trên mái tôle, ông khách sợ người nghe không rõ, không thông cảm nên ông nói lớn tiếng. Chị chủ quán có vẻ bối rối, nhìn ra đường rồi chị lại cúi xuống lấy ấm nước đến rót vào bình trà cho ông khách “Ông bảo đi tìm người ta mà lại không muốn gặp, vậy ông đến đây làm gì?... Để tôi bỏ thêm ít trà nữa” “Cám ơn chị. Thật tâm, tôi muốn gặp nhưng sợ người ta quên nên không dám đối diện. Mà dù có còn nhớ, tôi cũng không nên xáo trộn cuộc sống của người ta. Chắc chắn cô ta đã lập gia đình, có con cái, sống với hạnh phúc bình thường của một người bình thường” Chị chủ quán đi lấy hộp trà, mở ra, nghiêng đổ một ít vào lòng bàn tay rồi mở nắp bình trà, cẩn thận bỏ vào. Ông khách ngước nhìn chị, hai khuôn mặt gần sát nhau, ông thấy rõ đôi mắt đen chăm chú vào bình trà, chiếc mũi thon, hơi hếch lên, vẻ nghịch ngợm, miệng mím lại nửa như làm nghiêm, nửa như cười, gò má hồng, da mịn.

Ông nghe cả hơi thở nặng nề từ đồi ngực căng phập phồng sức sống của tuổi sung mãn. Ông nói nhỏ “Cám ơn chị, trà thơm quá! Vị đậm và có hậu” Chị chủ vẫn cúi xuống, lắc nhẹ bình trà “Ông chờ một lát cho trà ngấm. Trà Blao ướp ngâu, chúng tôi thường uống trà nầy, quen rồi” Chị quay về quày “Nghe ông kể tôi cũng tò mò, muốn biết câu chuyện ra sao và tên của người hân hạnh được ông nhớ mãi, suốt mấy mươi năm. Tôi sẽ cố tìm giúp ông, biết đâu tôi sẽ tìm thấy. Tôi là người ở địa phương nầy” “Lúc nãy chị bảo tôi lãng mạn, có lẽ đúng. Chuyện chẳng có gì. Với người khác không đáng để nhớ, nhưng với tôi lại là một biến cố lớn trong đời. Đại khái như thế nầy. Năm đó, tôi học đại học sắp ra trường, ở Sài Gòn. Trong dịp tôi theo mấy người anh họ đi dự đám cưới của một người bà con trên Đa Lạt, lúc quay về chúng tôi đồng ý sẽ ghé Nha Trang chơi. Tôi nhớ đó là lần đầu tôi theo quốc lộ 20 nên tất cả đều mới lạ và đẹp. Đèo Ngoạn Mục, Đa Nhim, Sông Pha... Lúc vừa vào thị trấn Sông Pha thì xe bị trục trặc, người lái xe bảo phải chờ hơn hai tiếng đồng hồ để người phụ tài đi mua phụ tùng về thay. Chúng tôi rủ nhau vào quán đằng kia. Trong khi các người anh nhậu nhẹt, tôi chỉ kêu một tô cháo lòng. Cô con gái của chủ quán đem cháo ra. Tôi đoán thế vì tôi thấy cô đi học về, vào nhà thay đồ rồi ra phụ với gia đình ngay. Cô trông rất có duyên và vui. Bây giờ gặp lại, có lẽ tôi không nhận ra, chỉ còn ấn tượng là cô có đôi mắt đẹp, đen nhánh, như cười, môi hồng tự nhiên. Tôi bảo cô “Anh đi chiếc xe đò kia kìa, nó bị hư ph i sửa, ít nhất vài tiếng nữa. Anh ra đằng dốc cầu kia đứng chơi, khi nào xe đó sửa xong, em bảo họ chờ một lát và cho người ra kêu anh, được không?” “Được chứ, nhưng nếu kêu anh, anh sẽ thưởng gì?” “Nếu là người phụ việc ở đây, anh sẽ biếu ít tiền để cám ơn” “Nếu em gọi?” Tôi đùa “Nếu là em, anh sẽ tặng em quả tim của anh, để em nấu cháo, khách sẽ khen ngon” Cô le lưỡi “Anh nói nghe mà ghê!”

Tính tôi vẫn thế, đến chỗ lạ là thích lang thang, nghiêng ngó cảnh vật, đường sá, nhất là nơi nào có chiếc cầu bắc qua sông là tôi có thể đứng ngắm nhà cửa bên kia bờ, ngắm giòng nước cả giờ không chán. Tôi nhớ rất rõ, khi tôi đứng dưới dốc cầu, mặt trời lặn sau dãy rừng cây âm u phía xa, màu mây trời làm đỏ rực mặt sông, tiếng chim về tổ gọi nhau...Chị có ra đó đứng ngắm cảnh chiều tà lần nào chưa? Đẹp lắm! Vẻ êm đềm của thị trấn yên tĩnh, hiền hòa nầy cứ ở mãi trong trí tôi, biến thành ước ao ngày nào được về đây sống, và mỗi buổi chiều ra ngắm giòng sông... Trong lúc đang mơ màng thì tôi nghe tiếng kêu “Anh đó, về lẹ lên, xe sắp chạy rồi” Tôi ngẩn lên thấy cô học trò, con chủ quán, vừa chạy trên bờ vừa kêu. Cái bờ sông, tuy không cao lắm, nhưng có cỏ, nên cô bị trược chân, gượng lại không được, cứ chạy chúi nhủi xuống phía tôi. Tôi giữ được tay cô nhưng cô cũng ngã nhào vào người tôi, khiến tôi cũng suýt ngã theo. Đôi mắt cô ngước nhìn tôi sáng long lanh. Cô mắc cỡ nên má cô hồng. Tóc cô dài và đen, vướng đầy cánh tay tôi. Không hiểu sao tôi lại đủ can đảm hôn lên môi cô, chỉ hôn phớt thôi. Môi cô mềm, hơi thở cô thơm như của trẻ thơ. Đó là nụ hôn khiến tôi rung động, hạnh phúc nhất trong đời. Bao nhiêu năm rồi, tôi vẫn cảm tưởng như mới đây. Cô đẩy tôi ra, lùi lại, nhìn sửng tôi rồi cô cười và nói “Chạy tìm anh bắt mệt!” Tôi nói “Cám ơn em”. Có lẽ cô bị xúc động nên cứ lúng túng không lên được bờ dốc. Tôi nắm tay cô kéo đi “Anh tên Hùng, em tên gì?” “Phúc Lan” “Anh sẽ trở lại thăm em” Lên khỏi bờ sông , cô gỡ tay tôi ra và chạy trước. Cô mới lớn, hơi cao và ốm nhưng dáng đi đã uyển chuyển, tóc cô bay trong gió...” Chị chủ quán bỗng kêu lên “Thôi chết, trời mưa mà tôi quên đậy mớ củi, ướt hết!” Chị khoác áo mưa, cứ để đầu trần chạy ra cửa, vòng ra sau hè. Người đàn ông không quan tâm, rót nước trà uống, ông ta như muốn kể cho riêng mình nghe. Một lát chị quay vào, cởi áo mưa treo trước hiên. Đầu tóc, mặt mũi ướt đẫm nước mưa. Chị phân bua “Mưa lớn quá, ướt hết cả!” Chị ra sau quày, lấy khăn xoa đầu tóc, lau mặt, rồi hỉ mũi sụt suỵt. Người đàn ông kêu lên “Chị bị cảm rồi đó!” “Cám ơn, tôi sẽ uống thuốc. Ông kể tới đâu rồi? Xin lỗi, tôi vội quá” “Chuyện đến đó là hết, chẳng có gì hay ho” “Ông hứa trở lại, rồi ông có trở lại không?” “Thú thật, đôi khi tôi cũng quên bẵng đi. Chẳng phải tôi có người yêu khác, mà cuộc đời cứ bắt đầu óc mình quay cuồng với bao chuyện rắc rối, khi nhớ đến cô bé đó thì lại tự hẹn mình chờ dịp thuận tiện.

Rồi vụ đổi đời năm bảy lăm, tôi không thể đi đâu được. Bây giờ tôi ở xa lắm. Hơn nửa đời người, bao nhiêu biến chuyển, chỉ còn đọng lại trong tâm hồn tôi kỷ niệm nhỏ bé với cô Phúc Lan và buổi chiều Sông Pha năm nào. Tôi nhớ người cũ, cảnh cũ lắm mới tìm về đây. Tôi thấy thích ở đây, ở đến già đến chết cũng được” Chị chủ quán cười “Nếu ông về ở đây, hễ đến quán nầy, tôi tính nửa giá thôi. Nhưng bây giờ ông định làm gì, có muốn gặp lại cô bé ngày xưa không? Theo ông kể, có lẽ tuổi cô ta cũng cỡ tôi, cũng đi học cùng trường với tôi, nhưng sao nghe cái tên lạ quá. Để tôi giúp ông, tôi sẽ hỏi các bạn tôi ở đây, dù cô ta có đi nơi khác cũng còn bà con, bạn bè biết cô ta. Nhưng hỏi ra thì báo cho ông cách nào. Ông có địa chỉ không? Ông có muốn nhắn gì với cô ta không?” “Ý kiến chị vậy mà hay. Tôi chỉ cần biết cô ta ở đâu để có dịp tôi chỉ đến nhìn thôi, chứ không gặp. E cô ta đã quên hẳn tôi rồi! Lại nữa tôi không muốn xáo trộn cuộc sống của cô ta. Tôi là kẻ ngoại cuộc rồi” “Ông cứ cho tôi địa chỉ, khi tìm ra, tôi sẽ báo cho ông” Rồi chị cười “Tôi cũng bắt chước cô bé ngày xưa của ông, hỏi ông, nếu tìm ra cô ta, ông thưởng gì cho tôi? Tôi không cần tiền cũng không cần quả tim của ông” “Chà, khó hè! Thôi thì như chị nói, tôi sẽ đến quán nầy hằng ngày, suốt quãng đời còn lại của tôi” “Đùa với ông thôi, bây giờ ông cho tôi địa chỉ, nhưng bà xã ông nổi ghen thì không phải lỗi của tôi đâu nghe” “Tôi chẳng có gia đình. Tôi đã là thanh niên râu rồi, lỡ thì rồi! Chị có giấy cho tôi xin tờ, cây viết nữa” Chị chủ quán gọi lớn “Hùng ơi, đem cho mẹ cây viết và tờ giấy” Cô bé chạy ra “Con đem cho bác đằng kia” Chị chủ quán ngồi nhìn con gái và ông khách, ngạc nhiên thấy hao hao như hai cha con. Ông khách hỏi ý kiến chị chủ quán “Có lẽ tôi nên viết mấy giòng cho cô ta để nhắc lại chuyện cũ xem cô có nhớ ra không. Tôi nên gọi cô ta là chị, là bà hay là cô?” “Tôi thấy ông nên viết là bà hợp lý hơn” “Phải rồi, gọi là bà đứng đắn hơn. Rủi người ta không nhớ ra mình cũng không bảo rằng mình thiếu lịch sự” Người đàn ông ngồi nép vào vách để tránh bụi mưa, chống cằm suy nghĩ một lúc rồi cắm cúi viết. Được độ nửa trang ông đọc lại rồi đem đến cho chị chủ quán “Chị xem tôi viết thế nầy có được không?”

“Kính gửi bà Phúc Lan,
“Tôi tên Hùng, cách đây gần hai mươi năm, tôi là người khách đến quán của gia đình bà ăn tô cháo. Xong, tôi ra bờ sông ngắm cảnh trong lúc chờ xe đò hỏng phải sửa chữa. Bà có ra gọi tôi vì xe đã sửa xong, tôi được biết tên bà là Phúc Lan. Tuy chỉ có thế nhưng tôi vẫn nhớ đến bà mãi. Hôm nay tôi ghé lại Sông Pha thì quán của gia đình bà không còn nữa! Tôi chỉ mong được biết tin về bà bây giờ ra sao? Bà chắc đã có gia đình, tôi thì cũng lớn tuổi rồi, không còn như ngày xưa! Thế nên tôi chỉ ước mong bà xem tôi như một người bạn nếu bà còn nhớ ra tôi. Còn như bà đã quên bẵng tôi thì tôi xin lỗi bà về những giòng chữ vô duyên nầy. Tôi đã kể hết cho chị chủ quán, người đưa mãnh giấy nầy, nếu tò mò, xin bà cứ hỏi chị ta. Kính chúc bà và ông nhà và các cháu khang an, vạn sự như ý. Kính thư . Hùng”

Chị chủ quán đọc xong “Ông viết thế nầy đủ rồi, nếu cô ta có hỏi gì về ông, tôi sẽ kể lại như ông đã kể cho tôi nghe” “Cám ơn chị. Tiếc quá, hôm nay trời mưa, tôi không thể đi lòng vòng thị trấn nầy” “Ở đây buồn lắm, trời mưa lại càng buồn hơn. Ông từng đi đây đi đó...mà lại thích ở đây cũng lạ! Nếu ông chờ, hy vọng ngày mai mưa sẽ tạnh” “Sáng sớm tôi phải đi rồi. Chào chị!” Nói xong ông ta lại xòe tay che đầu, rụt cổ lại đi nép vào hàng hiên. Chị chủ quán ngồi nhìn theo ông ta cho đến khi đi khuất. Chị bần thần đọc lại lá thư rồi xé, ném vào bếp lửa, chỉ giữ lại cái địa chỉ.

Sông Pha Ngày...tháng...năm...

“Anh thân yêu,
“Buổi chiều, lúc anh rời quán, em muốn chạy theo kêu anh, cho anh rõ rằng người anh muốn tìm là em, nhưng không hiểu sao, em chỉ biết ngồi chết lặng. Tối đó, em cứ thao thức mãi. Tưởng tượng anh đang ở trong quán trọ đằng kia, ngay tại Sông Pha nầy...Anh gần đó mà sao em thấy xa vời quá! Tình yêu của em, ước mơ của em, hạnh phúc của em...em tưởng là tuyệt vọng, bây giờ đã hiện ra, nhưng em không còn quyền quyết định nữa!

“Và giờ đây, em đang khóc khi viết cho anh. Khóc vì mừng và giận anh. Sao anh hẹn mà không trở lại? Chỉ một cái trượt chân định mệnh, em ngã vào vòng tay anh, em gỡ tay anh ra nhưng em không gỡ được linh hồn em, cuộc đời em ra khỏi anh. Đã bao buổi chiều em ra ngồi ở dốc cầu, âm thầm khóc vì nhớ anh. Em tưởng như anh còn đứng đấy. Dáng anh cao, mắt anh sáng, miệng tươi cười với em. Vì lời hứa của anh mà em hy vọng mãi. Nghe tiếng xe đò ngừng trước đường là em hồi hộp, thầm nhủ rằng anh đang xuống xe và đến với em. Chỗ anh ngồi trong quán, không lúc nào là em không nhìn chừng. Em yêu thương cả đến chỗ ngồi của anh! Và tên anh, nghe người ta gọi nhau, em cũng rung động, nhớ anh.

“Với tuổi thơ ngây, em chỉ cầu mong được gặp anh, nhìn anh, chuyện trò cùng anh, thế thôi. Đến khi trưởng thành, nụ hôn của anh, vòng tay anh thành ước mơ được anh ấp ủ, được quấn quít bên anh.

“Khi quyết định lấy chồng, em cũng ra dốc cầu ngồi khóc đến sưng cả mắt mà chẳng biết tâm sự với ai. Em chỉ biết kêu lên với giòng sông, với gió chiều “Xin hẹn anh kiếp sau” tưởng như gió sẽ đưa lời của em đến với anh. Nhưng biết anh nơi đâu? Chiều nay em cũng lại ra đấy, đứng nhìn giòng sông, lòng em vui khi anh đã quay lại nhưng không khỏi ngậm ngùi vì những ước mơ chẳng còn gì. Em cũng đành thì thầm với giòng sông, với gió chiều “Xin hẹn anh kiếp sau”. Anh bảo rằng đã quên em, chỉ nhớ đôi mắt em rất vui, rất đẹp. Bây giờ đôi mắt không còn vui, cũng chẳng còn đẹp đến độ anh đã gặp mà không nhận ra em! Em thì giây phút đầu đã biết ngay là anh, nhưng không hiểu anh có còn nghĩ đến em không? Đến khi nghe anh kể lại, khi anh nhắc đến tên anh, tên em, em phải chạy ra ngoài mưa đứng khóc vì xúc động và để khỏi mềm lòng ngã vào tay anh. Yêu anh, nhớ anh đã là một hạnh phúc. Được biết anh cũng nhớ đến em, hạnh phúc và lòng biết ơn anh tràn ngập lòng em. Bao nhiêu năm rồi, nụ hôn của anh, có bao giờ em quên! Dù sao cũng là một an ủi cho em, không bỏ công em lập quán bên đường để chờ anh. Đứa con gái đầu lòng, em đặt tên anh để mỗi ngày gọi anh cho đỡ nhớ, và em cũng không ngờ nó lại phảng phất giống anh... Từ hôm nay em lại nhìn chừng về phía bàn anh ngồi, lại hy vọng. Anh vẫn thế, nhưng em đã thay đổi. Em đã có chồng, có con. Em thương chồng, thương con. Em có một gia đình bình thường, một hạnh phúc bình thường như anh đã bảo. Lý trí em thì nghe theo lời anh “Không muốn xáo trộn cuộc sống của em” Nhưng tự tim em, tự tâm hồn em, cứ mong ngóng được gặp lại anh hằng ngày.

“Hay là thế nầy. Chúng ta thỏa thuận, cứ vào gần cuối mùa Xuân, mỗi năm anh về thăm em một lần, cũng vào buổi chiều như hôm trước. Anh như là khách lạ, ghé vào quán của em. Anh đừng chuyện trò, hỏi han gì em. Anh cứ ngồi đấy, để em được nhìn thấy anh trong chốc lát, là ban cho em hạnh phúc tuyệt vời rồi. Xin anh đừng liên lạc gì với em cả. Em không ghi địa chỉ của em là vì thế.

“Em van anh, đừng thực hiện ý định về sống suốt đời ở thị trấn nầy. Dốc cầu còn đó, giòng sông còn đó, ánh nắng chiều vẫn vậy. Nếu anh về ở hẳn nơi đây, mỗi chiều anh ra đứng đấy thì cái thảm cỏ kia sẽ làm trượt chân em. Lần nầy, em biết, sẽ không gỡ tay anh ra được nữa”


Phạm Thành Châu

Wednesday, November 4, 2009

Tình nghĩa - Nghĩa tình


Tôi đã lớn lên và đã hiểu ra rằng tôi không hề phải chọn lựa giữa quê hương thứ nhất Việt Nam và quê hưong thứ hai Hoa Kỳ. Tôi yêu mến đất nước Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã cưu mang tôi, cho cây tôi lớn lên thành một cây quýt ngọt, và đất nước này không hề phiền hà khi tôi đem chia xẻ trái ngọt đó với nơi tôi sinh ra.

Tình Nghĩa, Nghĩa Tình

Lần đầu tiên tôi có ý định viết chuyện này là năm 1989. Năm đó, cả nước Mỹ xôn xao tranh cãi về việc một người đàn ông đã đốt lá cờ Mỹ ngay trên thềm toà nhà Quốc Hội trong buổi họp thường niên cuả đảng Cộng Hoà. Lúc đó tôi đã nghe nhiều bàn tán về sự kiện này từ phía chống đối cũng như phe ủng hộ. Ngày đó tôi vưà mới tốt nghiệp đại học, chưa để ý nhiều đến những sinh hoạt chính trị xã hội ở chung quanh, nhưng trong lòng tôi đột nhiên dâng lên một cảm xúc gần như là tiếc cho ngươì đàn ông đã làm hành động đó. Nếu ông ta từng nhìn lá cờ Mỹ qua đôi mắt của tôi và của hơn một trăm ngươì bạn đồng thuyền vaò buổi sáng muà hè năm ấy, không biết ông ta có hành động khác đi chăng?
. . .
Đêm trung tuần tháng 7 năm 1983 bắt đầu khá êm ả. Con thuyền nhỏ đầy kín ngươì đã ra hải phận quốc tế được gần 24 tiếng. Tôi đã hơi quen với mùi hôi tanh lợm giọng trong thuyền nên cảm thấy hơi tỉnh táo, ngồi bó gối nhìn cô em gái nằm bên cạnh đang mê man vì say sóng. Ngước mắt nhìn lên bầu trời đang chuyển dần từ màu xám sang màu đen thẫm, tôi thầm cầu nguyện cho được bình an. Cám ơn trời, biển khá êm, con tàu không vật vã mà chỉ chồm lên hụp xuống theo từng đợt sóng. Tiếng khóc cuả con nít, tiếng càu nhàu than thở, tiếng chửi thề cũng lắng dần khi mọi ngươì chìm vào giấc ngủ mệt mỏi...
Hình như tôi có thiếp đi một lúc vì khi tôi giật mình choàng dậy thì sự hoảng sợ đã chụp xuống chung quanh. Bác tài công đang hối hả kêu mấy ngươì lái phụ và các thanh niên khác dùng bạt bịt kín khoang thuyền nơi mọi người đang nằm chen chúc. Chiếc đèn măng xông duy nhất trong phòng máy bị thổi tắt phụt sau khi bác tài công ra lệnh:

- Tắt đèn! Tắt hết đèn đi!!!

Lắng nghe những lời thì thào trao đổi một lúc tôi mới hiểu ra rằng tàu chúng tôi đang bị tàu cuớp Thái Lan đuổi bắt. Chúng tôi phải tắt hết đèn chạy xuyên vào biển đen trong khi tàu Thái ra sức rượt theo. Cả tàu đuợc lệnh tuyệt đối im lặng, những đứa bé vưà lên tiếng khóc phải bị bịt miệng ngay. Không biết lúc đó tôi còn trẻ quá, dại dột quá, có nhiều tin tưởng quá, hay vì cảm xúc cuả tôi đã tê dại đi, nên tôi không thấy sợ hãi lắm. Tôi gần như không cảm được sự hãi hùng của hơn một trăm sinh mạng đang loi ngoi trong khoang thuyền bịt kín. Tôi chỉ thấy khó thở vô cùng; tôi chỉ thấy nhẹ gánh cho em tôi đang mê man, chắc nó không phải cảm thấy sự ngộp thở tưởng chừng như không kham nổi mà tôi đang chịu; tôi chỉ biết tự nhủ ráng lên, ráng lên; và tôi không ngừng cầu xin Thượng Đế, Chúa, Phật, và tất cả những đấng thiêng liêng cứu vớt chúng tôi...

Chúng tôi chạy vòng vèo ngay truớc mũi tử thần trong suốt một đêm, và bình minh tới dù không ai mong đợị. Những tia sáng đã quét đi màn đêm đang che chở chúng tôi. Bác tài công buông những câu chửi thề uất hận khi khoảng cách giữa bọn cướp và chúng tôi thu ngắn trong khoảnh khắc... Rồi tôi lại nghe bác lại chửi, nhưng lần này đuợm vẻ ngạc nhiên pha chút vui mừng:

- ĐM, hình như tụi nó bỏ đi hả bây?

Tấm bạt bịt khoang được hé ra cho chúng tôi khỏi chết ngộp, và qua cái khe hở nhỏ đó, một con cá nhỏ xíu bằng ngón tay cái đã phóng vào thuyền, rơi xuống ngay cạnh tôi. Tôi ngước mắt cố nhìn nhưng vì đang ngồi bẹp trong khoang thuyền nên tôi chẳng thấy được gì ngoài một mảng trời đang sáng dần.

Bỗng bác tài công và những nguơì trong phòng máy trên cao vụt la lớn:

- Có tàu! Có tàu lớn ở đàng xa kià!

- Tàu gì vậy? Vái trời cho không phải tàu Liên Xô!

Chúng tôi như đuợc hồi sinh, ai cũng nhỏm lên nhìn nhưng vì lúc đó chiếc tàu kia chỉ là một đốm nhỏ ở xa nên tôi chưa thấy gì cả. Vài phút sau, có tiếng máy rồi một chiếc máy bay trực thăng nhỏ bay qua. Người trong thuyền la hét như điên cuồng, nhiều người đàn ông cởi áo phất lia lịa nhưng máy bay chỉ lượn vài vòng rồi.... mất hút. Dù sao chúng tôi cũng có một tia hy vọng ở chân trời, chúng tôi vội nhắm cái chấm ở tít đằng xa mà chạy tới. Và chiếc tàu kia hình như cũng đang chạy về phía chúng tôi vì nó càng ngày càng lớn dần.

Và, suốt đời tôi sẽ không bao giờ quên giây phút đó, giây phút ngươì đàn ông ngồi trên cao la lạc giọng:
- Thấy rồi! Thấy cờ Mỹ rồi!!!

Nước mắt ông ràn rụa trên khuôn mặt khắc khổ lấm lem dầu máy.. Mọi người đứng bật lên làm thuyền chao mạnh. Chúng tôi đã thật sự được sống!

Chiếc tàu vớt chúng tôi là một hàng không mẫu hạm của Mỹ. Nó to như một toà nhà mười mấy tầng, những ngươì lính đầu tiên phải leo thang dây xuống để đem con nít và những ngươì yếu sức lên trước. Em tôi đã tỉnh dậy như một phép lạ và chúng tôi bám vào thang dây, dò từng bước leo lên boong tàu. Vưà lên tới nơi, mỗi ngươì được trao một ly sữa và một trái táo trước khi tụ tập trong một góc boong. Và ngạc nhiên thay, trên tàu đã có cả trăm ngươì Việt Nam chạy ra mừng chúng tôi. Thì ra chiếc tàu Mỹ này vừa mới vớt một thuyền vượt biên khác ngày hôm trước. Sau khi mọi ngươì đã lên tàu lớn, những nguơì lính Mỹ tưới xăng lên chiếc thuyền mà chúng tôi vưà rời khỏi rồi châm lưả đốt. Đứng trên boong tàu nhìn vói theo chiếc thuyền nhỏ xíu đang bốc cháy và trôi dần ra xa, biết rằng mình vô cùng may mắn, nhưng lòng tôi vẫn thoáng chút ngậm ngùi...

Tổng cộng thuyền nhân đuợc cứu từ hai chiếc ghe vuợt biên lên tới gần hai trăm năm mươi người. Hồi đó, tiếng Anh cuả tôi kém và tính tình nhút nhát nên không dám hỏi han những người lính ở trên tàu. Tôi chỉ nghe nói lại là chiếc hàng không mẫu hạm này đang trên đuờng đi công tác ở Phi Luật Tân. Họ đã nhìn thấy tàu chúng tôi từ rất xa và quyêt định đi chếch qua để cứu chúng tôi. Chiếc trực thăng bay qua trước khi tàu đến cũng là do vị thuyền trưởng đã gởi tới để xem xét tình trạng của chúng tôi.

Không hiểu vì sao mà trên tàu có sẵn một số quần áo cũ. Chúng tôi đuợc phép lựa những thứ tạm mặc đuợc để thay đổi hàng ngàỵ. Khổ nỗi đống quần áo đã qua sự lựa chọn cuả những người lên trước nên chỉ còn toàn những thứ khó mặc. Tôi nhặt đại hai cái áo to bằng bốn lần khổ người tôi, và một bộ áo liền quần màu xanh bó sát. Chẳng hề gì, tôi vẫn vô cùng sung sướng vì ước mơ gần như hoang đường nay đã thành sự thật: tôi đã trốn thoát khỏi Việt Nam và đang ở trên tàu Mỹ.

Ngày đó tôi vưà học xong trung học.. Sau 8 năm đói khổ sau bức màn sắt cuả Cộng Sản, thế hệ chúng tôi hầu như quên mất có một thế giới bên ngoài.. Trong những ngày trên tàu Mỹ tôi đã gặp lại những hành động lịch sự, những cử chỉ nhân ái gần như đã biến mất trong xã hội nơi tôi vừa ra đi. Những ân nhân của chúng tôi ân cần đến từng chi tiết nhỏ, một trong những việc đầu tiên họ làm là phát phong bì, giấy bút cho chúng tôi viết thư báo tin cho người thân. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ chiếc phong bì màu xanh nhạt có hình chiếc hàng không mẫu hạm và tên tàu ở góc, tôi vẫn còn nhớ ánh mắt thương cảm của những người trên tàu nhìn chúng tôi nhếch nhác, bơ phờ dò từng bước lên tàu.

Suốt thời gian trên tàu tôi vô cùng ái ngại cho những ngưòi lính và những sĩ quan đã tốn không biết bao nhiêu công sức để lo cho hơn hai trăm ngươì chúng tôi. Vì hàng không mẫu hạm là đơn vị quân sự nên chúng tôi không được phép ra khỏi phần cuối boong tàu. Mỗi người được phát một tấm chăn dạ màu xám, loại chăn nhà binh Mỹ mà tôi đã thấy trước năm 1975. Chăn rất tốt và khí hậu Thái Bình Dương vào muà hè khá ấm nhưng chúng tôi phải nằm ngay trên boong và gió thổi lồng lộng khi tàu chạy nhanh nên ban đêm vẫn lạnh. Tôi ngủ đuợc rất ít nhưng chính vì thế tôi càng có cơ hội chứng kiến sự tận tâm cuả những người trên tàu. Sáng sớm tôi vưà thức dậy đã thấy ngươì ta đang lăng xăng dọn thức ăn sáng cho chúng tôi. Mất mấy tiếng mới phục vụ hết đám ngươì đông đúc nên chỉ vài tiếng sau là họ lại lục tục lo bữa ăn trưa, rồi ăn tối. Thức ăn quá lạ miệng nên tôi không thấy ngon, ngay cả trái chuối cũng khác ở Việt Nam, nhưng tôi nhớ nhất là ly cà phê đầu tiên trên tàu. Đã từng nếm những ly cà phê đen sánh quậy với sữa đặc ở Việt Nam, tôi ngạc nhiên lắm khi ngậm ngụm cà phê Mỹ pha sẵn. Thật tình, cà phê sao chua lè và trong veo, y như là nước giảo của cà phê Việt Nam!

Vấn đề vệ sinh cho hơn hai trăm người chen chúc trong khoảng không gian nhỏ mới thật là kinh khủng. Thuỷ thủ đòan phải dùng nylon đen che thành mấy phòng tắm quay mặt ra biển, nhà vệ sinh cũng là nylon đen quây quanh mấy thùng sắt to. Mỗi sáng nhân viên trên tàu cùng chúng tôi dọn dẹp, và tôi không thấy người nào tỏ thái độ khó chịu cho dù trong khi làm những việc cực nhọc nhất..

Mấy ngày ngắn ngủi trên tàu mãi mãi là một trong những kỷ niệm khó quên nhất trong đời tôi. Trên chiếc hàng không mẫu hạm hùng vĩ đó, tôi đã đuợc xem cảnh tàu chở xăng xáp vào tiếp nhiên liệu cho tàu lớn ngay trên biển, đã được chứng kiến những sinh hoạt hàng ngày quy củ răm rắp như một trong guồng máy nhưng đuợc thực hiện bởi hải đoàn đầy ắp tình người. Tôi nhớ nhân viên trên tàu ngoài nhiệm vụ riêng họ còn phải chăm sóc đủ thứ cho chúng tôi, và phải lo rất nhiều giấy tờ cho thủ tục gởi chúng tôi vào trại tị nạn Thái Lan. Bận rộn vậy nhưng không khí trên tàu luôn ấm cúng và thân tình. Tôi vẫn nhớ lễ chào cờ mỗi sáng, đám người tị nạn đứng sát bên thuỷ thủ đoàn cùng lắng nghe quốc ca Hoa Kỳ vang vọng. Tôi vẫn mường tượng đuợc cảm giác bàng hoàng khi nhìn lá cờ Hoa Kỳ bay lồng lộng trên bầu trời xanh biếc cuả Thái Bình Dương mà tự nhủ không biết mình sẽ ra sao nếu chiếc tàu này đến trễ chỉ một vài tiếng trong buổi bình minh hôm trước...

Mỗi buổi chiều khi công việc đã xong, người trên tàu túa ra trò chuyện với chúng tôi. Từ vị sĩ quan trong đồng phục trắng toát tới anh thuỷ thủ trong đồng phục xanh, ai cũng ân cần vui vẻ. Họ đuà giỡn với con nít, trò chuyện với mọi nguời, cố lắng nghe những câu tiếng Anh vụng về cuả chúng tôi để tìm hiểu xem chúng tôi có cần thêm gì hay không. Để chúng tôi giải khuây, họ còn căng màn chiếu phim. Tôi nhớ mãi cuốn phim đó là phim Điệp viên 007 James Bond với tựa đề "For Your Eyes Only". Giữa trời đêm lồng lộng ngàn ánh sao, trên con thuyền băng băng xuyên vào biển đen, những hình ảnh rực rỡ chớp tắt trên màn ảnh vĩ đại làm tôi mơ màng tưỏng như mình đang trôi trong đêm hoa đăng thần thoại của một giấc mơ kỳ diệu...

Như thế đó, tôi đã may mắn gặp đuợc cái đẹp đẽ nhất cuả nước Mỹ trước khi đặt chân tới đất nước này. Tôi đến Mỹ với vài đô la và mấy bộ quần áo tồi tàn nhưng gia tài cuả tôi là lòng cảm mến sâu xa với một miền đất giàu tình ngươì, cùng với hoài bão sẽ cố gắng sống cho xứng đáng với sự hy sinh cuả gia đình, với sự may mắn mà Thượng Đế đã nhờ những "sứ giả" trên tàu Mỹ đem đến cho chúng tôi.

Những bối rối vì ngôn ngữ, những trở ngại khi hội nhập đôi khi có làm tôi buồn nản, nhưng tôi thấy quay quắt nhất là những khi nhớ về Việt Nam. Những chuyện nhỏ nhặt như khi đi chợ Việt Nam, nhìn người ta xăm soi tìm cho được những trái tuyệt hảo nhất trong đám nhãn mọng tươi nhập cảng từ Á châu cũng làm tôi bùi ngùi. Tôi nghĩ đến những trái hơi có tì vết mà không ai thèm mua kia cũng có thể là hàng xuất khẩu từ Việt Nam, là tinh hoa chắt ra từ quê hương nghèo nàn của tôi, là loại hàng "xuất khẩu" mà người đi làm bình thường như cha mẹ tôi không bao giờ mua nổi.

Tuy thế, vấn đề lớn nhất tôi gặp phải trên đất Mỹ là một chuyện tôi chưa hề nghĩ tới: đó là tình cảm của tôi với nước Mỹ đã làm tôi hoang mang. Ngay từ nhỏ, những câu tục ngữ như "Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nhà nghèo" đã thấm sâu vào lòng tôi. Cho dù tôi biết chắc rằng tôi không liều mạng vượt biển vì miếng cơm manh áo, tôi ra đi không phải vì tôi chê mẹ Việt Nam nghèo khó, nhưng trong trí óc cuả một thiếu nữ đang trưỏng thành một mình trên miền đất mới, tôi cảm thấy gần như.... có lỗi khi thấy mình càng ngày càng quen với đời sống mới và thật sự yêu mến quê hương thứ hai này. Có lẽ cảm giác đó giống như đưá con nuôi cuả một gia đình giàu có, một ngày kia trở về quê cũ và cảm thấy băn khoăn khi bắt gặp mình ngập ngừng, xa lạ trước cha mẹ ruột nghèo nàn xấu xí.

Không hiểu may mắn hay không may cho tôi là khi chiến tranh Việt Nam đang diễn ra thì tôi còn nhỏ. Vì thế, trong lòng tôi không có cảm giác hụt hẫng và đau đớn của nhiều người lớn khi bị "đồng minh Mỹ bỏ rơi". Khi tôi nghe vài ngưòi nói rằng nước Mỹ cưu mang chúng ta không phải vì họ tốt mà vì họ có trách nhiệm với người Việt, tôi hiểu tại sao họ nghĩ thế nhưng tôi không cảm được. Tôi kính trọng suy tư riêng cuả mỗi ngươì, nhưng riêng tôi, tôi thấy cái tinh tuý cuả hiệp chủng quốc vượt khỏi những nhiệm kỳ tổng thống hay đảng phái. Tinh tuý đó đến từ những nguơì dân Mỹ. Có lẽ tình cảm cuả tôi với nước Mỹ đã thành hình từ lúc nhìn con tàu mang lá cờ Mỹ lớn dần từ phía chân trời trên Thái Bình Dưong, từ khoảnh khắc thấy người lính Mỹ ôm chặt em bé nhớp nhúa ói mửa vào lòng để đem lên tàu, từ khi anh thủy thủ ân cần dùng con dao nhỏ cắt bớt chiếc dép cao su cho vừa chân tôi, từ hình ảnh người sĩ quan trong bộ đồng phục trắng toát đang xắn quần, gò lưng kéo dây ghìm cho thuyền nhỏ đứng yên để chúng tôi bước lên bờ biển Thái Lan, từ hình ảnh những ngươì Mỹ đứng một hàng dài lưu luyến dõi theo đám thuyền nhân chúng tôi đang lục tục đi vào trại mà còn cố ngoái lại nhìn qua làn nước mắt.

Tôi tin rằng không phải vị thuyền trưởng nghĩ rằng người Mỹ có trách nhiệm với chúng tôi, hay vì sự may mắn khi con cá nhỏ nhảy vào tàu mà chúng tôi được vớt. Nước Mỹ có quyền không cho phép chiếc hàng không mẫu hạm đi chệch hải đồ để cứu người, giống như bao con tàu khác đã làm ngơ với những chuyến vượt biên kém may mắn. Hơn nữa, những gì không thật sẽ không tồn tại lâu bền, cho nên tình cảm ban đầu cuả tôi với nước Mỹ sẽ mất đi nếu tôi không càng ngày càng thấy Hoa Kỳ là một đất nước bao dung. Tôi không ngây thơ nghĩ rằng - hay mong rằng - nước Mỹ là hoàn hảo; nhưng với tôi nuớc Mỹ là một dòng sông mênh mông, đôi khi cũng đem theo rác dơ, đôi khi cũng dậy sóng nguy hiểm, nhưng dòng sông đó đã rộng lòng đem nước và phù sa đến cho những giống cây đến từ khắp nơi có cơ hội đơm trái ngọt...

Người sống lâu ngày trong bình an, sung sướng thường quên rằng mình may mắn. Người đàn ông đốt lá cờ Mỹ trên thềm nhà Quốc Hội chắc chỉ nhớ đến những rác rưởi trong dòng sông, chắc ông ta không hiểu rằng chỉ ở Hoa Kỳ ông ta mới dám chà đạp quốc kỳ ngay trước toà nhà lập pháp mà không sợ rằng mình sẽ "ra đi không có ngày về". Ông ta chắc chắn không biết rằng lá cờ đó đã khiến hải tặc Thái Lan buông chúng tôi, đã quyết định giữa cuộc sống bình an ở Hoa Kỳ và cái chết - hay một cuộc sống nô lệ trên xứ Thái đau khổ hơn cả cái chết - cuả hơn một trăm người trên chiếc thuyền vượt biên vào một ngày hè năm 1983.

Thời gian trôi qua. Tôi đã lớn lên và đã hiểu ra rằng tôi không hề phải chọn lựa giữa quê hương thứ nhất Việt Nam và quê hưong thứ hai Hoa Kỳ. Tôi yêu mến đất nước Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã cưu mang tôi, cho cây tôi lớn lên thành một cây quýt ngọt, và đất nước này không hề phiền hà khi tôi đem chia xẻ trái ngọt đó với nơi tôi sinh ra. Tôi đâu phải là cá hồi mà phải chọn lựa giưã sông và biển? Tinh thần cuả nước Mỹ luôn khuyến khích mọi người góp sức làm thế giới tốt đẹp hơn và tôi sẽ làm như thế. Tôi sẽ cố gắng để bằng cách này hay cách khác, trao lại những may mắn và cơ hội mà tôi đã được trao. Hy vọng là tôi sẽ góp phần để một ngày nào đó người dân Việt Nam không còn phải tìm cách ra đi cho dù phải trả giá bằng tính mạng hay nhân phẩm.

Tôi yêu Việt Nam đã sinh thành ra tôi và tôi yêu Hoa Kỳ đã duỡng dục tôi. Đôi khi tôi tẩn mẩn phân tích tình cảm cuả mình: với Việt Nam là tình, với Hoa Kỳ là nghiã... Rồi tôi lại loay hoay tự hỏi có phải như vậy không, hay là ngược lại? Cuối cùng tôi bật cười, nghĩ mình thật là lẩn thẩn, bởi vì tình cảm đâu cần gì phân loại và đặt tên.

Khôi An.
Muà Giáng Sinh 2008